Chủ nhật, 24/11/2024, 21:47[GMT+7]

Báo chí Thái Bình bắt nhịp chuyển đổi số

Thứ 5, 30/11/2023 | 08:42:48
10,124 lượt xem
Tận dụng nền tảng công nghệ mới, lấy độc giả làm trung tâm cho quá trình đa dạng hóa nội dung, phương thức thể hiện của tác phẩm báo chí, đồng thời xây dựng chiến lược chuyển đối số phù hợp với từng giai đoạn phát triển là hướng đi mà các cơ quan báo chí Thái Bình đang thực hiện.

Một chương trình tọa đàm do Báo Thái Bình thực hiện.

Lấy độc giả làm trung tâm

Từ sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả ngày càng thay đổi, chuyển dần từ bị động sang chủ động. Thay vì đợi đến một khung giờ cố định trong ngày để tìm đọc ấn phẩm báo in, xem chương trình truyền hình, nghe chương trình phát thanh, người đọc, người xem, người nghe dần hình thành thói quen mới là tra cứu thông tin cần thiết thông qua các trang báo điện tử chính thống của cơ quan báo chí, tiếp nhận thông tin qua các mạng xã hội như facebook, zalo, youtube... Trong bối cảnh đó, báo chí Thái Bình đã quan tâm phát triển đa nền tảng, đa phương tiện nhằm mang đến cho độc giả thông tin nhanh, chuẩn xác, đầy đủ và hấp dẫn nhất.

Với vị trí, vai trò là một trong những cơ quan truyền thông chủ lực của tỉnh, Báo Thái Bình đã nhanh chóng nắm bắt xu thế chuyển đổi số và cách tiếp cận thông tin đa phương tiện; đầu tư trình bày nội dung hiện đại, hiện diện trên nhiều nền tảng để phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc. Nếu như trước đây lượng tin, bài đăng trên Báo Thái Bình điện tử chủ yếu lấy lại từ báo in, từ nguồn khai thác khác thì hiện nay tin, bài đã được phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên chủ động sản xuất riêng cho báo điện tử, bảo đảm đúng thể loại và tiêu chí, tạo sự hấp dẫn, thu hút bạn đọc. 

Một trong những thể loại báo chí theo xu hướng mới hấp dẫn bạn đọc hiện nay trên Báo Thái Bình điện tử là longform (tích hợp bài viết, ảnh, video, biểu đồ... được thiết kế ấn tượng trong cùng một tác phẩm báo chí). Để triển khai thực hiện những tác phẩm longform đạt yêu cầu đề ra, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã được tham gia các khóa tập huấn do Báo Thái Bình, Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Nhờ đó, từ cuối năm 2022, đều đặn hàng tháng những tác phẩm longform được triển khai, phản ánh toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mang đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về mảnh đất, con người Thái Bình đang trên đà đổi mới, phát triển. Trong thời đại công nghệ số, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng những tác phẩm chuyên sâu theo xu hướng mới như longform, được đầu tư về cả nội dung và cách truyền tải thông tin với tính thẩm mỹ vượt trội so với các bài viết thông thường luôn tạo nên sự gắn kết nhiều hơn giữa độc giả và báo chí.

Bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả trang fanpage cùng công nghệ hiện đại, Báo Thái Bình điện tử đã tổ chức truyền hình trực tiếp nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, thu hút đông đảo lượt xem trên các kênh thông tin, góp phần vào thành công của các sự kiện... Chuyển đổi số mạnh mẽ từ một cơ quan báo in, hiện nay định kỳ hàng tháng, nhiều chương trình tọa đàm với những bình luận sâu sắc của các vị khách mời có chuyên môn trước các vấn đề của cuộc sống mà công chúng quan tâm đã được thực hiện, từ đó cung cấp thông tin đa chiều, toàn diện nhất. 

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song song với các tin, bài đăng tải trên báo in, báo điện tử, để đáp ứng thị hiếu, thói quen xem video clip trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, Báo Thái Bình phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Bản tin Covid-19 sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI). Bản tin có thời lượng 5 - 7 phút, tần suất 7 số/tuần phát sóng trên Báo Thái Bình điện tử, trang fanpage của Báo Thái Bình đã cung cấp thông tin quan trọng, thiết yếu về dịch bệnh tới công chúng, góp phần giúp độc giả tiếp cận thông tin chính thống ngay trên mạng xã hội. 

Ngoài ra, Báo Thái Bình điện tử đã ứng dụng công nghệ trường quay ảo (iSet3D) - công nghệ trường quay ảo hiện đại nhất hiện nay, làm thay đổi được các góc quay 3D, linh hoạt trong thay đổi cảnh trường quay, giảm được nhân lực, thời gian và chi phí sản xuất chương trình.

Phóng viên Báo Thái Bình tập huấn cách làm báo chí hiện đại.

Chuyển đổi số đồng bộ

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan để nâng cao chất lượng hoạt động, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động biên tập, kỹ thuật và quản trị hành chính, xây dựng tòa soạn hội tụ nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình trên các hạ tầng một cách chính xác, kịp thời, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống, tạo điều kiện cho khán thính giả tiếp cận nhanh nhất các thông tin.

Tại Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình, hiện nay ở cả khối biên tập và kỹ thuật đều đã ứng dụng chuyển đổi số phù hợp với sự phát triển của công nghệ và yêu cầu của thực tiễn công việc. Ở khối biên tập, các khâu ghi hình, ghi âm, trao đổi thông tin đều đã được số hóa. Ở khối kỹ thuật, hoạt động chuyển đổi số diễn ra ở hệ thống phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình và chuyển tải chương trình lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội; khâu trung gian trong sản xuất chương trình và chuyển chương trình sang phát sóng. Nhờ đó, để theo dõi các chương trình truyền hình của Đài hiện nay không chỉ thông qua tivi truyền thống, khán giả còn có thể tra cứu trên trang thông tin điện tử và trang fanpage của Đài. Song song với việc phát trực tiếp các chương trình truyền hình trên trang thông tin điện tử, trang fanpage của Đài đều đặn đăng tải những bản tin thời sự, dự báo thời tiết nông vụ, an toàn giao thông, đặc biệt là những phóng sự đề cập vấn đề đang thu hút sự quan tâm của công chúng.

Phát huy thế mạnh của phát thanh hiện đại là kế thừa, phát triển phát thanh truyền thống thông qua sự thay đổi trong phương thức sản xuất chương trình dựa trên nền tảng của công nghệ, kỹ thuật mới, các chương trình phát thanh do Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình sản xuất ngày càng trở nên hấp dẫn nhờ hình thức tương tác hai chiều, cách dẫn chương trình gần gũi, được xây dựng ngắn gọn, xen kẽ thông tin và âm nhạc, phù hợp với tâm lý người nghe. Tiêu biểu như “1h với radio Thái Bình” được phát sóng trên sóng phát thanh và phát trực tiếp trên trang fanpage của Đài ở khung giờ 8h - 9h hàng ngày, thính giả ở khắp mọi nơi vừa được cập nhật thông tin vừa được trực tiếp trò chuyện với các khách mời ở mọi lĩnh vực thông qua việc tương tác với chương trình bằng cách gọi điện đến số điện thoại của chương trình hoặc bình luận trực tiếp trên trang fanpage. Bạn nghe đài thêm yêu mến chương trình, gắn bó với phát thanh khi được tham gia tương tác và được nghe tư vấn hữu ích về lĩnh vực mình quan tâm. 

Hiện nay, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình phát thanh - truyền hình trên nền tảng số của Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình”, qua đó ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa phương thức sản xuất các chương trình nội dung số.

Xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp

Ngày 6/4/2023, chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 8/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch hành động triển khai chiến lược. Ngày 24/11/2023, UBND tỉnh Thái Bình ban hành kế hoạch triển khai chiến lược trên địa bàn tỉnh. Các văn bản đã tạo hành lang pháp lý quan trọng hỗ trợ các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng cơ quan theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước và của tỉnh; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Theo kế hoạch UBND tỉnh đã đề ra, đến năm 2025 Báo Thái Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) và sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí của tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). Đến năm 2025, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Như vậy, để có thể gắn bó với công chúng hơn, các cơ quan báo chí đều đang phát triển theo hướng đa phương tiện, hội tụ nhiều loại hình báo chí trong một cơ quan truyền thông và hội tụ nhiều hình thức thể hiện trong một tác phẩm báo chí.

Phòng sản xuất chương trình phát thanh trực tiếp của Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình.

Chuyển đổi số là vấn đề mới không chỉ ở Việt Nam mà cả với báo chí thế giới. Với báo chí Thái Bình, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng hành của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, sự ủng hộ của công chúng báo chí sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng thích ứng để trở thành nhà báo thời đại 4.0.

Tú Anh