Thứ 4, 24/07/2024, 14:22[GMT+7]

Đông Vinh “Uống nước nhớ nguồn “

Thứ 4, 24/07/2013 | 14:40:38
1,058 lượt xem
Ðể giúp các gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giảm bớt đau thương, mất mát, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, nhân dân Ðông Vinh luôn phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đền ơn đáp nghĩa.

Nhà bia tưởng niệm xã Đông Vinh - nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho con em địa phương.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 1.500 thanh niên ưu tú xã Ðông Vinh (Ðông Hưng) đã lên đường chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần cùng quân và dân cả nước giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Kháng chiến thành công, hòa bình lập lại, nhiều gia đình vui đón con em trở về đoàn tụ nhưng cũng có không ít người mẹ, người vợ, người con vĩnh viễn mất đi người thân của mình.

Trong số những người may mắn trở về, nhiều người phải sống, chiến đấu với thương tật, chống chọi với nỗi đau da cam… Ðể giúp các gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giảm bớt đau thương, mất mát, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, nhân dân Ðông Vinh luôn phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đền ơn đáp nghĩa.

Ðông Vinh là một trong những địa phương có số lượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhiều nhất huyện Ðông Hưng: 230 liệt sĩ (trong đó có 9 gia đình có 2 liệt sĩ, 1 gia đình có 3 liệt sĩ), 9 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), 82 thương binh, 45 bệnh binh, 47 nạn nhân chất độc da cam, 15 người bị địch bắt tù đày hiện còn sống, 3 người là cán bộ tiền khởi nghĩa. Việc thực hiện chế độ, chính sách với người có công ở đây luôn bảo đảm đúng chế độ quy định, đúng đối tượng.  Mỗi tháng thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách với số tiền lên tới 360 triệu đồng.

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tết cổ truyền của dân tộc, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đều tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân những người đã khuất, động viên, giúp đỡ, tặng quà Bà mẹ VNAH, mẹ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công, nạn nhân chất độc da cam… Tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ.

 

Ðối với các Bà mẹ VNAH, gia đình có 2 liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nặng, lãnh đạo cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã đến tận nhà ân cần thăm hỏi, động viên, chuyển quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, của huyện và trao quà của địa phương. Khi có Bà mẹ VNAH qua đời, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp cùng gia đình tổ chức lễ tang chu đáo. Ðồng thời, thăm hỏi các thương binh, bệnh binh khi ốm đau, phúng viếng, tiễn đưa khi qua đời. Tổ chức chu đáo việc đón nhận hài cốt liệt sĩ về địa phương và chuyển đi nơi khác.

 

Ðồng chí Lại Xuân Thủy, cán bộ lao động - TBXH xã cho biết: năm 2012, Ðông Vinh có 5 gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa với số tiền 250 triệu đồng, giúp họ có nơi ăn chốn ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông Phạm Văn Khiên, một trong các gia đình được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hay: “Cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống của các gia đình chính sách. Năm 2012 đã hỗ trợ xây cho gia đình tôi một ngôi nhà mới khang trang. Nếu không có sự giúp đỡ ấy, chưa biết đến khi nào gia đình tôi xây được nhà mới.

Ngoài ra, vào những ngày lễ, tết, các cấp, các ngành ở địa phương đều đến thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình vươn lên trong cuộc sống…”.Thường xuyên được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nên tất cả các gia đình chính sách ở Ðông Vinh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân trong xã. 

Ðồng chí Bùi Duy Cần, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: cấp ủy, chính quyền địa phương chưa bao giờ sao nhãng việc tri ân các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho con em quê hương thông qua việc xây dựng ở mỗi thôn một nhà bia liệt sĩ. Vào dịp tết, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày truyền thống của địa phương, của các ngành, đoàn thể, mỗi khi đón nhận hài cốt liệt sĩ hay tiễn đưa tân binh lên đường nhập ngũ… đều tổ chức thành các đoàn đến thắp hương tri ân, báo công tại nhà bia và nghĩa trang liệt sĩ.

 

Năm 2012, Ðông Vinh đã xây dựng một nhà bia liệt sĩ chung của xã có khuôn viên rộng  3.618 m2 với đài tưởng niệm 2 tầng mái tọa lạc giữa hồ nước rộng lớn. Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namon> (2/9). Tổng kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng. Trong đó, cán bộ, nhân dân địa phương đóng góp trên 340 triệu đồng, có người ủng hộ 5 - 10 triệu đồng như: anh Nguyễn Thế Dũng, anh Nguyễn Văn Hải…

 

Nhiều đối tượng chính sách không thuộc diện đóng góp cũng xin được tham gia để tri ân đồng đội như: ông Nguyễn Văn Ái, ông Phạm Văn Thác… Các nhà bia liệt sĩ ở thôn được 2 trường học, các đoàn thể đảm nhận việc quét dọn, làm vệ sinh. Mỗi lần dọn xong, cô, trò lại cùng nhau nói chuyện về truyền thống cách mạng của quê hương.

Ðể xứng đáng là điểm sáng của huyện Ðông Hưng trong phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Ðông Vinh sẽ làm tốt hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách; giải quyết thỏa đáng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng…

Bài, ảnh: trung hiẾU

  • Từ khóa