Thứ 3, 23/07/2024, 04:28[GMT+7]

Phụ nữ Công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”

Thứ 6, 22/12/2023 | 22:35:49
3,246 lượt xem
Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, hội viên, phụ nữ Công giáo trong tỉnh chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bà Đinh Thị Khuyết, tổ 9, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) chăm sóc đào tết.

Làm đẹp cho đời, làm giàu cho mình

Cũng như nhiều gia đình trồng đào khác, bà Đinh Thị Khuyết, phụ nữ Công giáo tổ 9, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) đang tuốt lá, tỉa cành cho những “đứa con” của mình. Để mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, vườn đào của gia đình bà đã đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng về thế cây, loài hoa và phân khúc giá từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng. Bà Khuyết cho biết: Để có được những cây đào thế đẹp, nhiều nụ, cánh hoa thắm và dày, người trồng đào phải kỳ công và tỉ mỉ trong rất nhiều khâu chăm sóc như làm đất, bấm ngọn, tuốt lá... Khác với những loại cây cảnh được nhiều người ưa chuộng trong dịp tết, trồng đào mất cả năm trời nhưng thời điểm bắt đầu tuốt lá cho đến khi đào ra mắt luôn được người trồng đào đánh giá là “thời gian vàng” bởi nó quyết định sự được hay mất của cả vụ. Với 4 sào trồng đào của gia đình, mỗi vụ tết đến cũng cho thu nhập vài trăm triệu đồng, nhưng vất vả lắm, thời tiết quyết định tất cả, có khi tay trắng nếu ông trời không ủng hộ. 

Bà Vũ Thị Xoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hoàng Diệu cho biết: Gắn bó với cây đào hàng chục năm nay, bà Khuyết là phụ nữ Công giáo làm kinh tế giỏi của địa phương. Không những vậy, với cương vị Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 9, bà Khuyết phối hợp với nhiều chị em phụ nữ Công giáo xã hội hóa và cùng với nhà thờ trao các phần quà cho gia đình hội viên phụ nữ khó khăn. Cùng với bà Khuyết, hơn 320 hội viên phụ nữ Công giáo ở Hoàng Diệu tham gia các hoạt động rất nhiệt tình.

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

Cùng với bà Khuyết, nhiều hội viên, phụ nữ Công giáo ở Thái Bình tích cực phát triển các ngành nghề như: du lịch, thương mại, dịch vụ, cơ khí, xây dựng, vận tải, điện nước… tạo nên bức tranh kinh tế đa dạng ở các địa phương... Nhờ đó, các gia đình phụ nữ Công giáo đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ. 

Bà Nguyễn Thị Huyên, phụ nữ Công giáo thôn Tràng, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) cũng là một trong số đó. Với cơ sở may được thành lập cách đây hơn 10 năm, bà Huyên tạo việc làm cho hơn 40 lao động với thu nhập từ 3 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Nguyễn Thị Din ở xã An Vũ (Quỳnh Phụ) là một trong những lao động gắn bó với cơ sở may nhiều năm nay cho biết: Người nào chưa biết việc, chị Huyên trực tiếp hướng dẫn đến khi họ sử dụng thành thạo máy may, tự may hoàn thiện được sản phẩm. Công việc phù hợp và ổn định nên hàng tháng chúng tôi có thu nhập tốt. Chị Huyên luôn bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể vừa tham gia sản xuất tại xưởng, nhận hàng về nhà làm vừa có thời gian chăm sóc gia đình. 

Theo đánh giá của bà Mai Thị Duyến, Chủ tịch Hội LHPN xã An Tràng: Là một hội viên Công giáo, chị Huyên đi đầu trong mọi phong trào của hội cũng như của thôn. Gia đình chị Huyên là gia đình văn hóa tiêu biểu; năm nào gia đình cũng được giáo xứ Tràng Lũ biểu dương là gia đình gương mẫu “Kính Chúa, yêu nước”.

Cơ sở may của bà Nguyễn Thị Huyên, phụ nữ Công giáo thôn Tràng, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) tạo việc làm cho nhiều lao động.

Thu hút phụ nữ Công giáo tham gia các hoạt động của hội, địa phương

Tại xã Nam Thanh (Tiền Hải), tỷ lệ đồng bào theo đạo Công giáo chiếm hơn 73%. Phần lớn chị em phụ nữ Công giáo thường lập gia đình sớm và sinh nhiều con; đi làm ăn xa, số còn lại ở địa phương lại thường e ngại tham gia hoạt động các tổ chức xã hội. Việc tìm giải pháp để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tập hợp thu hút hội viên, nhất là hội viên phụ nữ Công giáo tham gia vào tổ chức hội được coi trọng và đặt lên hàng đầu. 

Bà Bùi Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Thanh cho biết: Để thu hút phụ nữ, trong đó có phụ nữ Công giáo vào tổ chức hội, cùng với đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, các mô hình, hoạt động cụ thể, Hội đã quan tâm thực hiện công tác nhân đạo từ thiện, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động an sinh xã hội của địa phương, phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương phụ nữ điển hình. Vì vậy, chị em rất tích cực tham gia các phong trào của Hội, địa phương. Ví như giúp những người có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế; nhiều chị em ngoài tham gia ca đoàn của nhà thờ vẫn hăng say tập dân vũ... 

Chị Đào Thị Hương, hội viên phụ nữ Công giáo thôn Ái Quốc, xã Nam Thanh cho biết: Qua kết nối của tổ chức hội, gia đình tôi đã được vay thêm vốn để phát triển kinh tế. Từ nghề làm đậu phụ và bán hàng tạp hóa, gia đình tôi thu lãi mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Sự đồng hành của tổ chức hội, thấy được quyền lợi của mình nên tôi cũng như nhiều chị em phụ nữ Công giáo khác tích cực tham gia các hoạt động do Hội LHPN xã, chi hội phụ nữ thôn tổ chức.

Cơ sở làm đậu phụ của chị Đào Thị Hương, hội viên phụ nữ Công giáo thôn Ái Quốc, xã Nam Thanh (Tiền Hải).

Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh: Hội viên, phụ nữ Công giáo luôn thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Đồng thời tích cực phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, chất lượng sinh hoạt hội của hội viên phụ nữ Công giáo từng bước được nâng lên. Hệ thống hội cơ sở ở những địa bàn có đông phụ nữ Công giáo ngày càng được củng cố và hoạt động có hiệu quả.

Xuân Phương