Thứ 6, 22/11/2024, 13:59[GMT+7]

Dấu ấn 2023

Thứ 2, 01/01/2024 | 13:55:58
6,965 lượt xem
(10 thành tựu và sự kiện nổi bật của tỉnh Thái Bình do Báo Thái Bình bình chọn)

Công viên Kỳ Bá (thành phố Thái Bình).

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Thái Bình đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị. Báo Thái Bình điểm lại những dấu ấn nổi bật của tỉnh Thái Bình trong năm 2023.

1. Thái Bình vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc

Trong năm, Thái Bình vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành về thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dự lễ khánh thành một số dự án, công trình trọng điểm, dự ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Các đồng chí lãnh đạo đã ghi nhận, biểu dương những thành tựu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đạt được, đồng thời gợi mở các định hướng, đề nghị tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ bứt phá đi lên, xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

2. Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba (26/10/1958 - 26/10/2023)

Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, ôn lại những dấu mốc lịch sử 5 lần tỉnh được đón Bác Hồ về thăm; tiếp tục khơi dậy các phong trào thi đua yêu nước theo lời căn dặn của Người. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân trong tỉnh hiểu sâu sắc hơn công lao trời biển, những tình cảm sâu nặng của Người dành cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình; thể hiện lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khẳng định ý chí quyết tâm, khát vọng vươn lên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, phấn đấu làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như lời căn dặn của Người.
Trong năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023), tổ chức thành công liên hoan “Dân vận khéo” để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.

3. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, phát huy sức mạnh tập thể, tập trung trí tuệ, bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu tiếp tục duy trì trong tốp đầu cả nước. Các chủ trương của Đảng và cấp ủy các cấp được quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời. Thái Bình tiếp tục thực hiện đề án xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu trong các loại hình chi bộ, phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” bảo đảm thực chất, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh sau hơn 1 năm thành lập đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.

4. Xây dựng chính quyền ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả

Xây dựng chính quyền tỉnh Thái Bình ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả dựa trên chuyển đổi số, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp được xác định là mục tiêu và là đích đến. UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước, xử lý trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tích cực thực hiện phong trào thi đua “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”. Thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và tổ công tác chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại, vướng mắc..., tạo chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đặc biệt quan tâm. Chuyển đổi số được triển khai với lộ trình rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn, góp phần trực tiếp vào công tác cải cách hành chính bảo đảm minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; qua đó đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2022, chỉ số PCI của Thái Bình xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc; PAR INDEX xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc; SIPAS xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc.

5. GRDP tăng 7,37%, cao hơn mức bình quân của cả nước

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước và chịu tác động bất lợi của nhiều yếu tố khách quan song kinh tế của tỉnh vẫn duy trì đà phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 203.029 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2022; trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,2%. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,9%; công nghiệp và xây dựng chiếm 45%; dịch vụ chiếm 29,1%; thuế sản phẩm chiếm 6%.

6. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế

Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của nông nghiệp Thái Bình khi tiếp tục duy trì vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và đời sống nhân dân với tổng giá trị sản xuất đạt 29.787 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2022. Nông nghiệp Thái Bình đang từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, liên kết bao tiêu sản phẩm. Cơ giới trong sản xuất nông nghiệp đạt 100% khâu làm đất, 33,7% khâu gieo hạt, 80% khâu thu hoạch, 100% khâu xay xát lúa, diện tích cấy máy chiếm 24,7% diện tích. Tổng diện tích tích tụ, tập trung đến nay đạt 11.216ha, tăng 42,3% so với năm 2020. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 1 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, đoàn thẩm định đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn.

7. Thu hút vốn đầu tư tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, khai thác dư địa, khơi thông nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Thái Bình đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, diễn đàn nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư; tham gia đoàn công tác với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia, qua đó nâng cao vị thế, hình ảnh, quảng bá và mời gọi đầu tư vào tỉnh; đã ký được một số thỏa thuận hợp tác quan trọng. Tổng vốn đầu tư vào tỉnh tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

8. Khởi động nhiều dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm tỉnh; huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa hình thức đầu tư, triển khai nhiều công trình, dự án quan trọng, trong đó nhiều công trình, dự án quy mô lớn, tạo sức lan tỏa và tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả vùng như cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường vành đai phía Nam, các tuyến đường trục trong Khu kinh tế, đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Sa Cao, đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Tịnh Xuyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), khu công nghiệp VSIP Thái Bình, khu công nghiệp Hải Long, dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, khu công nghiệp dược - sinh học, Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường... Thái Bình đã cơ bản hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn và nhiều định hướng phát triển mới, đột phá, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác lập và quản lý quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công của Thái Bình tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước.


9. Tổ chức thành công chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”

Đây là sự kiện giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay tại Thái Bình, thu hút sự tham gia của hơn 10.000 người, bao gồm đại diện lãnh đạo các cấp, doanh nghiệp, người dân, du khách của hai nước Việt Nam, Hàn Quốc. Với nhiều hoạt động phong phú, “Thai Binh Homecoming Day” không chỉ là dịp tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của Hàn Quốc và Việt Nam mà còn là cơ hội giao lưu, học hỏi, hợp tác và thúc đẩy đầu tư giữa hai dân tộc. Cùng với đó, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh cũng để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật chèo tỉnh Thái Bình” được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm cho người lao động... tiếp tục được quan tâm và có bước phát triển rõ rệt. Các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được toàn xã hội quan tâm.

10. Công tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được chú trọng

Đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Quỳnh Phụ, Sở Công Thương; diễn tập chiến đấu cho 104 xã, phường, thị trấn trong khu vực phòng thủ; tham gia diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 3 đạt kết quả tốt. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Thái Bình là 1 trong 19 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân trước thời hạn. Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của Công an tỉnh Thái Bình đạt 96,11%, xếp hạng xuất sắc, đứng thứ 4/63 công an toàn quốc. An ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.