Thứ 6, 22/11/2024, 09:36[GMT+7]

Tiên phong và sáng tạo

Thứ 3, 02/01/2024 | 09:41:46
8,775 lượt xem
Bản lĩnh, linh hoạt và sáng tạo, tuổi trẻ Thái Bình tiếp tục khẳng định vai trò của mình, góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn Thanh niên xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) dán bảng mã QR về đình làng Đông Trì.

“5C” trong chuyển đổi số

Tất cả các dữ liệu về hoạt động của đoàn cơ sở: số lượng đoàn viên tham gia, kinh phí để tổ chức, nguồn lực mà cơ sở đã sử dụng để thực hiện hoạt động này… được hiển thị chi tiết qua phần mềm quản lý hoạt động đoàn thanh niên các cấp. Với phần mềm này, không cần qua huyện đoàn, Tỉnh đoàn vẫn có thể kiểm tra, theo dõi được hoạt động của đoàn cấp xã. Trên phần mềm cũng có chức năng chấm bộ tiêu chí dành cho cả cấp tỉnh và cấp huyện. Việc làm này giúp giảm công sức, chi phí đi lại và in ấn… của đoàn các cấp. Ngoài ra, phần mềm còn tích hợp phần mềm quản lý đoàn viên của Trung ương Đoàn; hỗ trợ sinh hoạt chi đoàn; cổng thông tin việc làm; hỗ trợ công tác truyền thông của đoàn. Đó là chia sẻ của anh Trịnh Văn Thành, Trường THPT Nguyễn Trãi, đại diện nhóm tác giả của phần mềm quản lý hoạt động đoàn thanh niên các cấp. Phần mềm này đã đạt giải nhất hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ X. Là đơn vị tiên phong xây dựng phần mềm, Tỉnh đoàn Thái Bình đã chuyển giao công nghệ, tặng phần mềm cho một số tỉnh, thành đoàn.

Tại thành phố Thái Bình và huyện Tiền Hải, các cơ sở đoàn nơi đây đã số hóa các di tích lịch sử, sản phẩm OCOP của địa phương. Chị Bùi Thị Thu Huyền, Phó Bí thư Thành đoàn Thái Bình cho biết: Việc số hóa các di tích lịch sử trên địa bàn là phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Để tận dụng hết lợi thế của số hóa trong phát triển du lịch, Thành đoàn sẽ triển khai việc số hóa các di tích trên địa bàn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về thông tin. Việc này sẽ giúp thuận lợi hơn trong việc lưu giữ, quảng bá các giá trị văn hóa, đồng thời xây dựng hệ dữ liệu chung của các di tích, các địa chỉ đỏ.

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng: Ứng dụng chuyển đổi số vào thực tế cuộc sống, điển hình như phần mềm quản lý hoạt động đoàn thanh niên các cấp hay số hóa di tích lịch sử là cách làm sáng tạo, tiện lợi, gần gũi với cuộc sống và công tác đoàn. Bên cạnh đó, với thông điệp 5C: chuyển đổi, chủ động, công nghệ số, cẩn trọng và chia sẻ, tương ứng với 5 việc làm, mỗi đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã phát huy vai trò của tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số. Nhiều mô hình, hoạt động đã được các cấp bộ đoàn triển khai như: ứng dụng các phần mềm họp, giao ban trực tuyến; sử dụng mã QR để quét tài liệu; số hóa tài liệu, văn bản; sử dụng phần mềm quản lý hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; áp dụng chuyển đổi số vào phát triển kinh tế; hướng dẫn các thao tác đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 1, 2; hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...

Công trình hàng cây thanh niên và công trình thanh niên thắp sáng đường quê tại xã Đông Xá (Đông Hưng).

Sắc xanh trên những công trình nông thôn mới

Tháng 7/2023, công trình thanh niên thắp sáng đường quê tại trục đường thôn Hải Long, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) được khánh thành với chiều dài 1.200m bằng hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp nhân dân đi lại thuận tiện, hạn chế tai nạn giao thông. 

Bà Nguyễn Thị Hướng, thôn Hải Long, xã Đông Hoàng phấn khởi cho biết: Con đường khang trang khiến không khí thôn quê trở nên vui vẻ, nhộn nhịp hơn. Giờ đây chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm, an toàn hơn khi ra đường vào buổi tối.

Chị Trần Thị Sen, Bí thư Huyện đoàn Tiền Hải thông tin: Để góp sức trẻ xây dựng nông thôn mới, Huyện đoàn phát động các tổ chức cơ sở đoàn đăng ký, đảm nhận nhiều công trình, phần việc cụ thể tại địa phương như sửa chữa đường, nhà ở, tặng công trình nước sạch cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh phí xây dựng sân thể thao, trồng và chăm sóc cây xanh... Năm 2023, toàn huyện có 125 công trình, phần việc thanh niên các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá 1,1 tỷ đồng.

Cùng với tuổi trẻ huyện Tiền Hải, trong năm qua, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã huy động lắp đặt gần 20km thắp sáng đường quê; khánh thành 24 mô hình thanh niên “Con đường bích họa”; chung tay sửa chữa, làm mới 20km đường giao thông nông thôn... Những con số này một lần nữa khẳng định, xây dựng nông thôn mới không chỉ là phong trào, thành tích, với thực tiễn sinh động ở khắp mọi vùng quê, các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới của tuổi trẻ các địa phương góp phần giúp nhiều miền quê khởi sắc.

Đoàn Thanh niên Trường Đại học Y Dược Thái Bình khám bệnh miễn phí cho người dân xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư).

“3 liên kết” - thêm nguồn lực vì cộng đồng

Năm 2023 là năm đầu tiên Trung ương Đoàn triển khai chủ trương “3 liên kết”: liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng. Trong đó, liên kết lực lượng gồm: thanh niên với nông dân, công nhân, phụ nữ, công an, quân đội… Liên kết địa bàn gồm: nông thôn, đô thị, các vùng miền, địa phương. Liên kết cộng đồng là tổ chức đoàn với các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm, các tổ chức, cá nhân. 

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết thêm: Cụ thể hóa nội dung này, ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chú trọng định hướng các cấp bộ đoàn đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị, tập trung nâng cao chất lượng các phong trào của đoàn. Các cấp bộ đoàn đã liên kết với nhau và liên kết với các đơn vị, tổ chức ngoài tỉnh, chính vì vậy, các chương trình của đoàn không còn manh mún, nhỏ lẻ mà được tổ chức thành hoạt động có quy mô lớn với nhiều nội dung ý nghĩa, thiết thực. Qua đó cũng tạo sự đoàn kết giữa các cơ sở đoàn, giúp cán bộ, đoàn viên, thanh niên có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác.

Từ nguồn lực theo chủ trương “3 liên kết”, toàn tỉnh đã tặng hơn 15.300 suất quà cho các đối tượng chính sách, người nghèo, học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng; sửa chữa, xây mới 19 ngôi nhà; cải tạo, nâng cấp 9 nhà vệ sinh trong trường học; tổ chức 25 đợt thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho 3.190 người; khánh thành 1 sân thể thao cộng đồng; 1 cầu dân sinh; hỗ trợ xây dựng các công trình thanh niên thắp sáng đường quê... 

Bà Nguyễn Thị Mai, cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Canh Nông, xã Điệp Nông (Hưng Hà) cho biết: Tôi được Viettel Thái Bình, Tỉnh đoàn Thái Bình hỗ trợ 90 triệu đồng xây dựng nhà ở mới. Cùng với đó, được các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã tặng quà động viên. Ở trong ngôi nhà mới, mà đến nay tôi vẫn cứ nghĩ rằng đó là một giấc mơ.

Trực tiếp tham gia các phong trào, hoạt động do đoàn thanh niên các cấp tổ chức, nhiều đoàn viên, thanh niên khẳng định: Hoạt động đoàn thanh niên là môi trường để thế hệ trẻ học tập và rèn luyện. Mỗi thanh niên nhận thức rõ vị trí, vai trò của bản thân đối với sự phát triển chung của tỉnh, từ đó chủ động, sáng tạo, tích cực cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước.

Xuân Phương