Chủ nhật, 24/11/2024, 07:33[GMT+7]

Nhiều kết quả tích cực: Trong công tác lao động, người có công và xã hội

Thứ 4, 14/02/2024 | 07:24:56
12,068 lượt xem
Năm cũ qua đi cũng là dịp để mỗi chúng ta nhìn lại kết quả một năm thực hiện nhiệm vụ công tác để đúc rút kinh nghiệm, chuẩn bị tâm thế bước vào năm mới với quyết tâm cao hơn. Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong năm qua.

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn xã Duy Nhất (Vũ Thư).

Phóng viên: Năm 2023 có thể coi là một năm đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực lao động, việc làm. Xin ông cho biết một vài kết quả nổi bật ở lĩnh vực này?

Ông Phí Ngọc Thành: Trong năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các sở, ngành, huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập, đào tạo lao động nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn và kết nối cung cầu lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động đến doanh nghiệp, người lao động và học sinh, sinh viên. Trong năm 2023, chúng tôi đã tổ chức 2 ngày hội việc làm và kết nối cung cầu lao động, 44 phiên giao dịch việc làm (trực tiếp và trực tuyến) thu hút gần 400 lượt doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 32.000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường mở rộng, hợp tác chương trình cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức dài hạn và ngắn hạn để có nhiều lao động của tỉnh được tham gia thị trường lao động nước ngoài.

Chúng tôi cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để chủ động nguồn lao động có kỹ năng nghề nghiệp phục vụ các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo nghề cho khoảng 36.700 học sinh, sinh viên và người lao động; tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động. Nhìn chung năm 2023, các chỉ tiêu lĩnh vực lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Tình hình lao động, việc làm của người lao động trong khu vực doanh nghiệp cơ bản ổn định, các chế độ, chính sách của người lao động được bảo đảm, thị trường lao động trên địa bàn không có nhiều biến động.

Phóng viên: Ông có thể khái quát một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực người có công năm 2023?

Ông Phí Ngọc Thành: Năm qua, lần đầu tiên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng, tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn.

Chúng tôi cũng đã tham mưu UBND tỉnh vận động xã hội hóa xây dựng, cải tạo, nâng cấp khu vực mộ liệt sĩ Thái Bình tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 tại tỉnh Quảng Trị. Với tinh thần khẩn trương, sau hơn 2 tháng thi công, các công trình đã hoàn thiện, khánh thành và đưa vào sử dụng, phục vụ thân nhân liệt sĩ, du khách thập phương đến thăm viếng, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, được nhân dân đánh giá cao.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai việc giải quyết chế độ mai táng phí bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống phần mềm “Cơ sở dữ liệu người có công với cách mạng” có kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia đến 260 xã, phường, thị trấn và 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 1.714 người nhận trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng thông qua việc chuyển chế độ qua tài khoản tại ngân hàng.

Đông đảo nhân dân thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh.

Chúng tôi duy trì thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người và gia đình người có công với cách mạng. Việc giải quyết chế độ, chính sách ngày càng được công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ đề nghị. Ngoài thực hiện các chế độ trợ cấp thường xuyên, chế độ trợ cấp một lần, còn thực hiện chế độ điều dưỡng đối với 24.273 người có công và thân nhân liệt sĩ. Nhìn chung trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người và gia đình người có công với cách mạng đã đạt được kết quả tốt. Người có công ngày càng được chăm sóc tốt hơn về vật chất và tinh thần, đời sống người có công được nâng lên rõ rệt.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành lao động - thương binh và xã hội, ông thấy còn những khó khăn, vướng mắc gì?

Ông Phí Ngọc Thành: Số lượng thủ tục hành chính và công việc phát sinh thường xuyên nhiều. Còn nhiều đơn thư liên quan đến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Công tác quản lý lao động ở một số địa phương, doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập, nhất là việc phối hợp quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh và lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Số lượng công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao còn ít, đào tạo chủ yếu là trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.

Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ bảo đảm các điều kiện cơ bản phục vụ học tập của học viên, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng. Năng lực, trách nhiệm của cán bộ cơ sở làm về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội còn hạn chế.

Phóng viên: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra những giải pháp chủ yếu nào để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong năm 2024?

Ông Phí Ngọc Thành: Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp luật, các chính sách, cơ chế thực hiện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình thực hiện.

Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, chuẩn hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công thuộc chức năng quản lý của ngành. Tăng cường chỉ đạo việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt áp dụng đối với đối tượng hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện công tác lao động, người có công, công tác trợ giúp xã hội. Duy trì lịch tiếp công dân; theo dõi, đôn đốc các đối tượng được thanh tra thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; nghiêm túc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!  

Duy Tùng

(Thực hiện)