Chủ nhật, 24/11/2024, 04:51[GMT+7]

Phụ nữ Hưng Hà: Năng động phát triển kinh tế

Thứ 6, 08/03/2024 | 08:59:32
10,442 lượt xem
Những năm gần đây, nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Hưng Hà đã vượt qua khó khăn, tự tin, năng động, mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ngày càng khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Xưởng may của chị Lê Thị Hằng tạo việc làm cho gần 200 lao động.

Khởi nghiệp từ nghề may

Dám nghĩ dám làm, bước qua khó khăn tìm kiếm cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ bàn tay và khối óc của mình - đó là hành trình của chị Lê Thị Hằng, thôn Lường, xã Hòa Tiến khi khởi nghiệp từ nghề may. Đến thăm xưởng may của chị Hằng, chúng tôi thật sự khâm phục bởi sự năng động, quyết tâm của người phụ nữ trẻ. Năm 2021, chị Hằng bàn với chồng đầu tư mở xưởng may ngay tại địa phương, đồng thời tìm hiểu, liên kết với các công ty nhận nguyên liệu về sản xuất các mặt hàng như quần âu, áo chần bông, váy để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ. Thời điểm mới thành lập, ngoài số tiền gia đình tiết kiệm, người thân hỗ trợ, chị Hằng còn được vay hơn 100 triệu đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đứng ra tín chấp với các ngân hàng để đầu tư mở xưởng và mua sắm các loại máy móc. Hiện nay, chị Hằng đầu tư xây dựng 3 xưởng sản xuất tại các xã Hòa Tiến, Liên Hiệp, Phúc Khánh với quy mô 2.000m2.

Chị Hằng chia sẻ: Sau nhiều năm làm công nhân may, tôi luôn mong ước có một xưởng may cho riêng mình để làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho chị em. Tận dụng các mối quan hệ, tôi đi tham quan các cơ sở may trong và ngoài huyện vừa học hỏi kinh nghiệm vừa tìm mối hàng. May mắn trong khoảng thời gian ngắn, tôi đã tìm được mối đặt hàng ổn định may quần áo xuất khẩu. Tôi đầu tư hàng trăm máy may và thuê riêng một cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn chị em. Nhờ đó, xưởng may của tôi đã đi vào ổn định với nguồn hàng kéo dài đến tháng 7/2024.

Chị Lê Thị Hằng, xã Hòa Tiến kiểm tra công đoạn may của công nhân.

Hiện nay, mỗi tháng xưởng của chị Hằng sản xuất gần 40.000 sản phẩm, doanh thu trung bình đạt gần 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động với thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Nguyễn Thị Điệp, xã Hòa Tiến cho biết: Công việc phù hợp và ổn định nên hàng tháng chúng tôi có thu nhập tốt. Chị Hằng luôn bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể vừa tham gia sản xuất tại xưởng, nhận hàng về nhà làm vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Tôi mong xưởng ngày càng phát triển để chúng tôi có việc làm và nâng cao thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Tiến khẳng định: Nhờ năng động, tự tin, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Hằng đã thực hiện được ước mơ làm chủ cơ sở may của mình, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được hôm nay của chị thật đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

Giúp chị em không phải “ly hương”

Rời xưởng của chị Hằng, chúng tôi đến thăm cơ sở may khăn gia công của bà Trần Thị Gái, thôn Tân Dương, xã Thái Hưng. Dù chỉ rộng hơn 200m2 nhưng cơ sở được bố trí khoa học, thoáng đãng với hệ thống máy may hiện đại. Hiện tại, cơ sở tạo việc làm cho 20 lao động làm việc tại xưởng, 10 lao động làm việc tại nhà với thu nhập từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng. Một tháng cơ sở sản xuất hơn 400.000 sản phẩm các loại. 

Bà Gái chia sẻ: Nhận thấy địa phương có nhiều lao động nữ vẫn thiếu việc làm trong lúc nông nhàn, nhất là phụ nữ trung tuổi nên tôi quyết định mở cơ sở để tạo việc làm cho chị em. Nghề may khăn gia công tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ may cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng. Đây là nghề rất phù hợp cho phụ nữ nông thôn, vừa chăm sóc gia đình vừa có việc làm ổn định.

Bà Trần Thị Gái hướng dẫn công nhân kỹ thuật may khăn.

Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái Hưng, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông bất ly hương” là cách làm hiệu quả trong tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, cơ sở may khăn gia công của bà Trần Thị Gái đã góp phần giúp nhiều phụ nữ có cuộc sống ổn định. Đây là điển hình của xã nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tạo cơ hội để cơ sở của bà Gái tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ nông thôn.

Đây chỉ là 2 mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trong hàng trăm mô hình do phụ nữ làm chủ trên địa bàn huyện Hưng Hà. Chị Đinh Thị The, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; tranh thủ các chương trình, đề án để đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; nghiên cứu, khảo sát khả năng, nhu cầu của phụ nữ và khai thác các nguồn lực để vận động xây dựng, thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm... với mong muốn trên địa bàn huyện sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Thanh Thủy