Thứ 6, 22/11/2024, 11:39[GMT+7]

Thái Thụy: Lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp

Chủ nhật, 10/03/2024 | 19:19:46
17,817 lượt xem
Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Thái Thụy. Qua phong trào, nhiều hội viên đã vượt qua khó khăn, tự tin, mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, phát triển kinh tế, khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong thời đại mới; tạo nguồn cảm hứng tích cực lan tỏa đến nhiều chị em khác.

Sản phẩm đồ ăn nhanh thương hiệu Thảo Linh Linh của chị Nguyễn Thị Hoa, xã Thụy Chính (Thái Thụy) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Những ngày tháng 3, cơ sở sản xuất đồ ăn nhanh của chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Miếu, xã Thụy Chính rất nhộn nhịp. Hơn 10 công nhân, mỗi người một việc, từ chế biến, đóng gói, dán nhãn đều được thực hiện rất nhanh để kịp giao hàng cho các đại lý, siêu thị. Chị Hoa tâm sự: Từ nhỏ tôi đã thích việc bếp núc. Năm 2017, tôi lên Hà Nội mở cửa hàng đồ ăn handmade bán các loại bánh su kem, bánh gạo nhân phô mai, bánh korokke... Cửa hàng lúc nào cũng đông khách, tôi có ý tưởng mở thêm xưởng sản xuất. Nhận thấy chi phí mở xưởng ở Hà Nội rất tốn kém, sẵn có mảnh đất vườn hơn 2.000m2 ở quê, tôi quyết định về quê đầu tư gần 500 triệu đồng xây nhà xưởng, mua máy làm bánh, tủ cấp đông, xây dựng thương hiệu Thảo Linh Linh chuyên sản xuất đồ ăn nhanh như khoai lang kén, bánh gà, bánh sữa tươi... Tôi chọn hướng đi lâu dài với các sản phẩm này vì đồ ăn nhanh rất thông dụng, chế biến không quá cầu kỳ, giá bán vừa phải, phù hợp với khẩu vị mọi đối tượng.

Biết được ý tưởng kinh doanh của chị Hoa, năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thụy Chính đã hỗ trợ chị làm các thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng kinh doanh, tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm... Phát triển thương hiệu Thảo Linh Linh, chị Hoa đã nghiên cứu làm thêm 10 sản phẩm đồ ăn nhanh được chế biến từ nông sản địa phương như: ngô chiên, khoai lang tẩm vừng, gà lắc trân châu... để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ sự nhanh nhạy của chị Hoa, đến nay các sản phẩm đồ ăn nhanh mang thương hiệu Thảo Linh Linh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay, cơ sở của chị tạo việc làm cho 25 - 30 lao động nữ, thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Dịu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thụy Chính cho biết: Năm 2023, chị Nguyễn Thị Hoa là một trong những phụ nữ tiêu biểu của huyện nhận bằng khen của Hội LHPN tỉnh về phong trào khởi nghiệp. Cùng với chị Hoa, hiện nay Hội LHPN xã có rất nhiều phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, điển hình như chị Vũ Thị Anh, thôn Miếu mở xưởng sản xuất túi, giải quyết việc làm cho 30 lao động, thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; chị Trần Thị Thư, thôn Hòe Nha vượt lên hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để làm chủ cơ sở kinh doanh tạp hóa; chị Trần Thị Vân, thôn Chính khởi nghiệp với nghề sản xuất bánh đa nem, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm... Có được kết quả như vậy, chúng tôi đã tập trung nguồn lực, kết nối để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đến nay, tổng nguồn vốn Hội đang quản lý là hơn 10 tỷ đồng với trên 100 lượt hội viên được vay vốn, từ đó nhiều chị em đã vươn lên phát triển kinh tế.

Dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên phụ nữ ở Thái Thụy đã mạnh dạn khởi nghiệp. Chị Nguyễn Thị Minh Phương, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 3 Đông Hồ, xã Thụy Phong được người dân địa phương biết đến bởi sự năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Chị Phương tâm sự: Trước đây, tôi đi làm công nhân may. Nhận thấy nhu cầu may đồng phục các trường học tăng cao, năm 2015, với nguồn vốn 30 triệu đồng, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua 8 máy may mở xưởng nhận gia công các mặt hàng thời trang và may đồng phục học sinh. Đến năm 2020, được Hội LHPN xã Thụy Phong động viên, tạo điều kiện cho vay vốn, tôi mở rộng xưởng, mua thêm các loại máy móc như: máy may, máy cắt, máy vắt sổ, bàn là hơi...; chủ động mở rộng thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 25 phụ nữ tại địa phương, mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, xưởng của tôi sản xuất 10.000 sản phẩm/tháng, doanh thu hơn 100 triệu đồng/tháng. 

Chị Trần Thị Thiện, thôn 4 Phong Lẫm, xã Thụy Phong chia sẻ: Tôi gắn bó với xưởng may từ ngày đầu thành lập. Mức thu nhập của tôi khoảng 5 triệu đồng/tháng, tuy không cao nhưng ổn định. Cơ sở may duy trì được đơn hàng nên chúng tôi có việc đều đặn. Chị Phương tạo điều kiện cho chúng tôi mang hàng về làm tại nhà, tiết kiệm chi phí di chuyển mà vẫn thực hiện được công việc gia đình, chăm sóc con cái. 

Bà Vũ Thị Lượt, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thụy Phong cho biết: Từ khi xưởng may của chị Minh Phương hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chị là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp của địa phương.

Qua thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, hội viên phụ nữ các cấp hội trên địa bàn huyện Thái Thụy đã phát triển kinh tế, thể hiện bản lĩnh, quyết tâm cao, biến khó khăn, thử thách thành cơ hội, trở thành những tấm gương điển hình, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến cộng đồng. 

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Xác định hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội đã chỉ đạo các cấp hội rà soát hội viên phụ nữ có ý tưởng kinh doanh; tổ chức lồng ghép trong các chương trình hoạt động để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho phụ nữ. Năm 2023, Hội đã phối hợp với Công ty Nestle tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về kinh doanh, quản lý kinh tế cho 61 hội viên có nhu cầu khởi nghiệp ở 9 xã. Ngoài ra, các cấp hội phối hợp với các cơ sở tiểu thủ công nghiệp như: móc sợi, đan ró, mây tre đan mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Cùng với đó, các cấp hội đã tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Để tiếp tục hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có điều kiện phát triển. Đồng thời, tích cực vận động phụ nữ đẩy mạnh các phong trào thi đua, khuyến khích chị em mạnh dạn khởi nghiệp, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xưởng may của chị Nguyễn Thị Minh Phương, thôn 3 Đông Hồ, xã Thụy Phong tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, mức thu nhập 4-6triệu đồng/người/tháng. 

Nguyễn Thắm