Thứ 5, 02/05/2024, 06:51[GMT+7]

Đẩy nhanh thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Thứ 4, 13/03/2024 | 19:48:32
2,927 lượt xem
Sau nửa năm triển khai, việc thực hiện chi trả cho đối tượng hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và bảo trợ xã hội bằng hình thức không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt như kỳ vọng. Để công tác này thực hiện tốt hơn nữa, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị.

Cán bộ ngành ngân hàng hướng dẫn người lĩnh trợ cấp hàng tháng làm thủ tục mở tài khoản.

Thay đổi tư duy
Trước đây, tháng nào ông Nguyễn Văn Hiệu, xã Hợp Tiến (Đông Hưng) cũng lên trụ sở UBND xã để lĩnh tiền trợ cấp cho người có công. Mỗi lần như vậy, ông mất cả buổi sáng vì lĩnh tiền mặt không phải lên tới nơi là lấy được ngay, phải xếp hàng chờ đợi, lúc ít người còn nhanh, lúc đông người thì chờ đợi khá lâu. Từ khi chuyển sang hình thức nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, ông Hiệu thấy tiện lợi hẳn vì không còn mất thời gian như trước, cứ đến ngày là tiền tự đổ về tài khoản, rất an toàn và thuận tiện.

Trong kỳ chi trả trợ cấp tháng 3/2024, ông Nguyễn Đức Long, cùng ở xã Hợp Tiến được hướng dẫn, làm thủ tục mở tài khoản để nhận tiền qua thẻ ngân hàng. Ông Long háo hức vì từ tháng tới, ông không phải đi lĩnh tiền mặt nữa. Ông chia sẻ: Tôi đang hưởng mức trợ cấp 3,4 triệu đồng/tháng, khi được tuyên truyền, vận động chuyển sang hình thức chi trả này, quả thực lúc đầu tôi cũng có chút băn khoăn và lo lắng. Nhưng thấy những người trong xã nhận tiền qua tài khoản rất thuận lợi, an toàn, lại không lo bị tiền rách, tiền giả. Ở tuổi của tôi, sức khỏe không còn tốt như trước nên rất ngại phải đi lại nhiều.

Khi tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt, điều mà các cơ quan chuyên môn trăn trở và cảm thấy khó khăn nhất đó là làm sao để thay đổi được tư duy, thói quen của những người đang thụ hưởng chính sách. Bởi đây hầu hết là những người cao tuổi, khuyết tật, họ rất ngại việc thay đổi, ngại phải làm quen với những công nghệ mới, nhất là ở nông thôn. Nhưng qua tuyên truyền, vận động, người thụ hưởng cũng dần thấy được những lợi ích mà hình thức chi trả này mang lại. Bà Nguyễn Thị Hải Hồng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 57.995 người đăng ký mở tài khoản để nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Trong kỳ chi trả tháng 3/2024, chúng tôi đã chi trả cho trên 7.000 người qua thẻ ATM.

Theo ông Nguyễn Văn Kiểm, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Thái Bình: Trong cuộc sống ngày nay, việc chi trả và thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu thế tất yếu vì nó mang lại các lợi ích như tăng độ an toàn, tránh được các rủi ro như mất cắp, tiền rách, tiền giả. Chi trả không dùng tiền mặt giúp việc chuyển tiền nhanh chóng, chính xác số tiền cần thanh toán; không cần kiểm đếm, dễ dàng quản lý chi tiêu cá nhân. Những tiện ích đó đã làm thay đổi tư duy và thói quen của người thụ hưởng.

Còn những khó khăn
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên công tác thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Nguyên nhân của việc số lượng người đăng ký mở tài khoản nhận tiền qua thẻ ATM chưa được như kỳ vọng là do hầu hết người hưởng chính sách an sinh xã hội là người cao tuổi, người khuyết tật nên hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, ngại sử dụng dịch vụ thẻ. Một số người có tâm lý không muốn ủy quyền, ủy thác cho người khác nhận hỗ trợ cấp qua tài khoản. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để đối tượng thụ hưởng dịch vụ không dùng tiền mặt tại các địa phương còn hạn chế.

Lấy dẫn chứng về hạn chế của điều kiện cơ sở vật chất ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, ông Lê Văn Lượng, công chức lao động - thương binh và xã hội xã Hồng Tiến (Kiến Xương) chia sẻ: Trên địa bàn xã Hồng Tiến không có cây ATM, nếu muốn rút tiền thì người dân phải đi mấy cây số sang xã bên cạnh. Điều đó đã ảnh hưởng đến tư tưởng ngại thay đổi của bà con. Chưa kể nhiều người vẫn còn tâm lý thích nhận tiền mặt nên việc tuyên truyền, vận động gặp khá nhiều khó khăn.

Trong kỳ chi trả tháng 3/2024, huyện Quỳnh Phụ có 1.465 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và 970 người thuộc đối tượng người có công được chi trả qua thẻ ATM. Theo bà Phạm Thị Thúy Mùi, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện: Mặc dù số người đăng ký nhận tiền qua tài khoản ngân hàng tăng  nhưng không thể phủ nhận nếu so với tổng số đối tượng bảo trợ xã hội và người có công đang nhận trợ cấp trên địa bàn huyện thì con số này còn khá khiêm tốn.

Cùng vào cuộc
Ông Đỗ Tiến Sỹ, công chức lao động - thương binh và xã hội xã Hợp Tiến (Đông Hưng) cho biết: Để thay đổi thói quen của người dân, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu được tiện ích loại hình chi trả không dùng tiền mặt này mang lại. Vào những kỳ chi trả hàng tháng, chúng tôi phối hợp với cán bộ của ngành bưu điện và ngân hàng tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng chi trả không dùng tiền mặt. Xã Hợp Tiến hiện có 377 người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và bảo trợ xã hội, đến thời điểm này đã có 158 người đăng ký mở tài khoản. Chúng tôi đang phấn đấu để tất cả mọi người chuyển sang nhận trợ cấp hoàn toàn bằng thẻ ATM trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Văn Kiểm, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Thái Bình chia sẻ: Thời gian qua, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Tại các kỳ chi trả hàng tháng, chúng tôi phân công nhân viên trực tiếp xuống các điểm chi trả để tuyên truyền, giải thích đến người dân; đồng thời hỗ trợ và thực hiện thao tác mở tài khoản ngay nếu người dân có nhu cầu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 cây ATM thuộc hệ thống Agribank, đây là điều kiện thuận lợi để người dân nhận trợ cấp không dùng tiền mặt.

Xác định việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành công an tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt tới đối tượng thụ hưởng, người dân sinh sống trên địa bàn, tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả thực hiện. Việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt sẽ góp phần xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại. Để nhiệm vụ này đạt được kết quả tốt, rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, đơn vị liên quan nhằm bảo đảm việc chi trả cho đối tượng được đúng, đủ, kịp thời.

Công chức lao động - thương binh và xã hội xã Hợp Tiến (Đông Hưng) chia sẻ với người dân về các tiện ích khi nhận tiền qua thẻ ATM. 

Đỗ Hồng Gia 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày