Thứ 7, 27/07/2024, 19:12[GMT+7]

Ai chở mùa hè của em đi đâu?

Thứ 2, 19/08/2013 | 09:58:34
1,018 lượt xem
Sinh thời, Bác Hồ từng nói “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. Vậy mà đang có rất nhiều trẻ em vì gia cảnh khó khăn, vì muốn được tiếp tục đến trường theo đuổi ước mơ trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội phải bươn chải trong nắng hè gay gắt để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới.

Phạm Thị Liên là một trong nhiều học sinh nghèo tranh thủ nghỉ hè bán chanh tại chợ Ðề Thám.

Sau nhiều tháng miệt mài đèn sách, thi cử, học sinh, sinh viên có 3 tháng nghỉ hè để “xả hơi”. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em phải tranh thủ kỳ nghỉ hè để đi bán hàng ở chợ, làm phục vụ bàn, thu ngân trong các quán ăn, làm lao động phổ thông ngắn hạn trong các công ty để lấy tiền đóng học phí, mua sách vở hoặc quần áo… chuẩn bị cho năm học mới. 

 

Tranh thủ hè kiếm tiền lo học phí

 

Thấy tôi tiến lại gần, cô bé bán chanh mặc áo sơ mi trắng gắn chiếc phù hiệu học sinh nhỏ xinh đang đứng dưới gốc cây trứng cá ở chợ Ðề Thám (Thành phố Thái Bình) để tránh cái nắng oi ả của chiều hè hớn hở mời chào: Chị mua cho em cân chanh về vắt nước uống giải khát nhé. Tôi cười hỏi: Em bán bao nhiêu tiền một cân? Em lễ phép đáp lại: 28.000 chị ạ. Tôi bắt chuyện thì được biết em tên là Phạm Thị Liên, vừa học xong lớp 7 Trường THCS xã Vũ Chính (Thành phố Thái Bình). Ðây là năm thứ hai Liên tranh thủ thời gian nghỉ hè lên chợ Ðề Thám bán chanh. Hè năm ngoái em đi bán cùng chị gái. Liên bảo: nhà em nghèo lắm, bố ở nhà làm ruộng, mẹ đi bán hoa quả rong quanh năm vất vả. Chị gái vì không có tiền đóng học phải nghỉ học đi làm thêm; em cũng muốn kiếm tiền giúp bố mẹ như chị nên ngay sau khi được nghỉ hè em lên chợ bán chanh.

 

Cứ 6 giờ sáng một mình Liên đạp xe lên chợ rau quả Bồ Xuyên mua chanh sau đó chở lại chợ Ðề Thám bán. Ðến trưa đội nắng đạp xe về nhà ăn vội bát cơm, nghỉ một lát, 2 giờ lại đạp xe dưới trời nắng chang chang lên chợ bán tiếp đến hết mới về. Về tới nhà thường là 7 giờ tối. Liên bảo: giữa tháng 8 nhà trường tổ chức học hè em sẽ đến trường buổi sáng, buổi chiều được nghỉ vẫn đi bán chanh.

 

Liên không phải học sinh duy nhất bán chanh ở các chợ trung tâm của Thành phố. Riêng ở chợ Ðề Thám đã có tới 8 em học sinh tuổi từ 10 – 15 đến từ các xã Vũ Chính; Vũ Vinh, Vũ Hội (Vũ Thư)… Em nào cũng gầy gò, tay bưng chiếc rổ đựng đầy chanh, mặt lấm tấm mồ hôi len lỏi trong chợ mời từng người mua.

 

Ðược nghỉ hè từ đầu tháng 6 nhưng Hồng, Huệ, Ðức (Vũ Thư) phải mất một tháng rong ruổi đạp xe đi xin việc mới được vào làm trong một quán ăn ở Thẫm. Dù công việc là nhặt rau và bưng bê nhưng các em phải hứa làm lâu dài chủ quán mới nhận. Ðược một tuần, chủ hàng thấy Hồng, Ðức hoạt bát cho làm bưng bê còn Huệ chậm chạp không được làm nữa. Buổi sáng các em bắt đầu công việc từ 7 giờ 30, 8 giờ tối mới ra về. Lúc ký hợp đồng, bà chủ cho biết sẽ trả lương 2,5 triệu đồng/tháng kèm theo lời hứa: nếu làm tốt sẽ tăng lương. Nghe vậy các em mừng lắm, chăm chỉ làm việc.

 

Cứ đến hè là rất đông học sinh, sinh viên của phường Phú Khánh và các xã lân cận lại đến xin vào làm việc tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản Thái Bình, có trụ sở tại phường Phú Khánh (Thành phố Thái Bình). Ông Lương Ngọc Sản, Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2007, công ty chuyển sang chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu có nhiều công đoạn dành cho lao động phổ thông. Ðể tạo công ăn việc làm cho các cháu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn tranh thủ hè kiếm tiền giúp bố mẹ, trung bình mỗi hè công ty nhận 30 – 40 cháu vào làm dán nhãn, nhặt cà chua, phân loại dưa. Tiền công của các cháu tính theo đầu sản phẩm. Trung bình mỗi ngày một cháu có thu nhập 80.000 – 90.000 đồng.

 

Ðể được tiếp tục đến trường

 

Lẽ ra Liên, Hồng, Huệ, Ðức phải được vui chơi, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bổ ích, lý thú khi hè về như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng cái nghèo, cái khó của cuộc sống đã khiến các em phải chọn cách lao động kiếm tiền đỡ đần cha mẹ và để được tiếp tục cắp sách đến trường, biến mơ ước của mình thành hiện thực.

 

Mỗi ngày Liên và các bạn bán chanh lãi được 50.000 – 70.000 đồng. Liên tâm sự: “Sau này em muốn trở thành cô giáo dạy toán nên phải học thật giỏi, chịu khó kiếm tiền phụ giúp bố mẹ thì mới có cơ hội được tiếp tục đến trường”. Tâm sự của Liên cũng là nỗi lo thường trực từ tấm bé của Hồng. Bố Hồng mất sớm, anh trai bị bại não từ nhỏ không làm được việc gì, mẹ thường xuyên đau yếu vẫn cố gắng làm thuê, làm mướn nuôi em ăn học với mong muốn sau này con gái có công ăn việc làm ổn định sẽ thay mẹ nuôi anh.

 

Ngoài giờ học, Hồng thường giúp mẹ chăm sóc anh trai, chăm đàn lợn, đàn gà, việc nội trợ... Càng học lên cao thì các khoản chi phí càng nhiều nên mấy năm nay cứ đến hè là Hồng lại rủ Huệ, Ðức (gia đình cũng khó khăn) xin làm phục vụ ở các quán ăn để có tiền đóng học phí, nuôi ước mơ trở thành bác sĩ cứu người. Nhưng không phải lúc nào các em cũng gặp được những ông chủ, bà chủ có tấm lòng thương người. Công việc vất vả nhưng các em không ai dám than vãn, chỉ mong đến cuối tháng được nhận đúng số tiền đã thỏa thuận nhưng làm 25 ngày bà chủ chỉ trả 1,5 triệu đồng. “Hè này làm được có bằng đó, tiền học phí còn chưa đủ thì tiền mua sách vở, quần áo lấy đâu ra?” - nói xong Hồng thở dài buồn bã, khuôn mặt đầy lo âu.

 

Sinh thời, Bác Hồ từng nói “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. Vậy mà đang có rất nhiều trẻ em vì gia cảnh khó khăn, vì muốn được tiếp tục đến trường theo đuổi ước mơ trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội phải bươn chải trong nắng hè gay gắt để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới. Với các em, cụm từ “vui chơi” hay “nghỉ hè” trở nên quá xa xỉ. Theo số liệu thống kê của Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Sở Lao động – TBXH), hiện toàn tỉnh có 10.715 trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo cần giúp đỡ. Mong sao những trẻ em nghèo này sớm có được mùa hè theo đúng nghĩa.  

Bài, ảnh: Thu Hiền

 

  • Từ khóa