Thứ 7, 27/07/2024, 19:10[GMT+7]

Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Ngọc Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Thứ 3, 20/08/2013 | 09:07:02
981 lượt xem
Trước thực trạng ngày càng có nhiều thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn gây mất cân bằng lao động giữa nông thôn và thành thị, Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) đã có nhiều hoạt động tích cực đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, khơi dậy ngọn lửa khát khao làm giàu trên chính quê hương trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN).

Sản xuất nhôm kính tại cơ sở của anh Phạm Đức Duệ (thôn Quỳnh Lang, xã Quỳnh Ngọc).

Quỳnh Ngọc là xã duyên giang nằm ở phía Tây của huyện với gần 10.600 nhân khẩu trong đó có gần 1.070 ĐVTN, chiếm 10% dân số. Tuy nhiên, trên thực tế xã chỉ quản lý 605 ĐVTN có mặt tại địa phương, số ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn thường xuyên là 223 đồng chí, đạt 36,8%. Vì vậy, nhằm thu hút thanh niên tham gia các phong trào của Đoàn và hoạt động sản xuất tại địa phương, thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã đã thường xuyên quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ĐVTN phát triển kinh tế; kết hợp với các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho ĐVTN; trang bị kiến thức, khoa học kỹ thuật cho ĐVTN chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế, hình thành nhiều mô hình trang trại, gia trại do thanh niên làm chủ.

Anh Lưu Xuân Hiệu, Bí thư Đoàn xã Quỳnh Ngọc cho biết: "Ban Chấp hành (BCH) Đoàn xã thường xuyên tuyên truyền, động viên ĐVTN tích cực tham gia lao động sản xuất tại địa phương, đồng thời kết hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, Hợp tác xã DVNN, các ban, ngành, đoàn thể của xã mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ĐVTN. 6 tháng đầu năm 2013 đã mở được 3 lớp thu hút trên 70 lượt ĐVTN tham gia. Cùng với đó, BCH Đoàn xã đứng ra tín chấp cho ĐVTN vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), tổng dư nợ hơn 936 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều ĐVTN đã hiện thực hóa được giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương".

Chúng tôi về thăm gia trại của anh Nguyễn Văn Phiên (thôn Tân Mỹ), một ĐVTN vùng giáo đã vượt khó vươn lên nhờ chăn nuôi. Là bộ đội xuất ngũ, sau khi trở về quê hương, cũng như bao người khác, anh Phiên loay hoay tìm kiếm việc làm để mưu sinh. Sau nhiều trăn trở, anh quyết định đầu tư vào chăn nuôi lợn. Anh tâm sự: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền để xây dựng chuồng trại và mua con giống nên nhiều lần tôi đã định từ bỏ. Song biết được hoàn cảnh và dự định của tôi, Đoàn Thanh niên xã đã đứng ra tín chấp giúp tôi vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Từ nguồn vốn ban đầu, tôi mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi rồi sau đó dần dần mở rộng quy mô. Hiện nay, tôi đã xây dựng được 300 m2 chuồng trại với trên 80 đầu lợn thịt và 10 lợn nái nhằm chủ động nguồn giống tại chỗ. Mỗi năm gia trại xuất khoảng gần 26 tấn thịt cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện rất nhiều".

Giống như anh Phiên, ĐVTN Vũ Trung Hải (thôn Quỳnh Lang) cũng được Đoàn xã đứng ra tín chấp giúp vay vốn từ Ngân hàng CSXH để mở xưởng sản xuất và chế biến gỗ. Được người chú ruột truyền nghề và sau nhiều năm lăn lộn ở nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, với kinh nghiệm tích lũy được, anh Hải quyết tâm mở xưởng sản xuất trên quê hương. Khởi nghiệp chỉ với 5 triệu đồng trong tay, mọi chuyện sẽ rất khó khăn nếu như anh không vay được vốn từ Ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi. Hiện nay, xưởng sản xuất của anh có doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Với hơn 200 triệu đồng tiền lãi mỗi năm, anh Hải đang ấp ủ dự định mở rộng quy mô sản xuất nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Ở thôn Quỳnh Lang còn có cơ sở sản xuất nhôm kính của ĐVTN Phạm Đức Duệ. Anh Duệ cho biết: "Ngày trước tôi đi làm thuê cho một xưởng sản xuất ở trong miền Nam, sau khi học được nghề, tôi về quê mở xưởng sản xuất. Do đặc thù giá cả nguyên liệu đầu vào khá đắt đỏ, xã lại nằm xa trung tâm, mỗi lần lấy hàng là phải lấy cả một xe tải cho tiện công vận chuyển nên gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Nhờ Đoàn xã đứng ra tín chấp giúp tôi vay được vốn từ Ngân hàng CSXH với lãi suất thấp nên cũng đỡ được phần nào khó khăn". Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh Duệ cho tổng thu nhập gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Với nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ ĐVTN phát triển kinh tế, Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Ngọc đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều ĐVTN, khẳng định họ không cần phải đi xa mà vẫn có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Đào Quyên

  • Từ khóa