Chủ nhật, 04/08/2024, 19:25[GMT+7]

Phụ nữ khiếm thị Hưng Hà Tự tin, hòa nhập, khẳng định mình

Thứ 3, 14/09/2010 | 10:37:57
1,597 lượt xem
Có nhiều nguyên nhân khiến đôi mắt “cửa sổ tâm hồn” của hơn 200 chị em phụ nữ Hưng Hà vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời hoặc chỉ nhìn thấy lờ mờ hay bắt buộc phải nhìn đời bằng “nửa con mắt”.

Hưng Hà - miền đất nhiều nghị lực. Ảnh Thành Tâm

Thế nhưng nhưng phần lớn các chị đã biết tìm riêng cho mình “nguồn sáng”, gạt bỏ mặc cảm, tự tin, hòa nhập và khẳng định mình bằng bàn tay, khối óc, nghị lực can trường của một người khiếm thị.

Về thôn Hưng Phú xã Hùng Dũng (Hưng Hà), hỏi đến cửa hàng tạp hóa của chị Phạm Thị Thu không ai là không biết, ai cũng xuýt xoa, khen ngợi và khâm phục, bởi chị Thu bị mù cả hai mắt nhưng lấy hàng cho khách, thu tiền, trả tiền thừa không sai, không thiếu một đồng. Các cụ xưa thường nói “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, ông trời bắt tội lấy đi của chị đôi mắt sáng, bù lại chị có trí nhớ  rất tốt, cảm quan tuyệt vời và đặc biệt là nghị lực vượt qua chính mình để là người “tàn nhưng không phế”. 

Chính điều đó đã giúp chị thoát khỏi tự ti, mặc cảm, hòa nhập và trở thành trụ cột chính làm kinh tế của gia đình, điều mà nhiều người mắt sáng cũng khó làm được. Nhà nghèo, chí lớn, chị Thu cùng chồng vay vốn của Hội Người mù, của Ngân hàng CSXH và Hội Phụ nữ 8 triệu đồng, mở cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà. Cửa hàng có tới hàng trăm mặt hàng khác nhau, thế mà chị vẫn nhớ giá cả từng mặt hàng, bánh lấy chỗ nào, sữa lấy chỗ nào... Cách ghi chép sổ sách bằng chữ nổi Brai và sắp xếp hàng theo từng ngăn, từng khu đã giúp chị không bị nhầm lẫn.

Sau 7 năm vừa bán, vừa mầy mò cách quản lý cửa hàng hợp lý, không để sai sót, bà con trong và ngoài xã đến mua hàng động viên, khích lệ, chị Thu đã cùng chồng con xây dựng được một cơ ngơi khang trang, với 3 gian nhà mái bằng, có đầy đủ công trình phụ hợp vệ sinh và còn tích lũy được gần 50 triệu đồng.

Với người khiếm thị việc đi lại, sinh hoạt quả là khó khăn, với chị Thu càng khó khăn hơn, song sự tự tin, lòng dũng cảm đã giúp chị trở thành bà chủ của một cửa hàng đông khách, mọi người quý mến và là người nhiệt tình, hăng say với công tác Hội, được tín nhiệm bầu là ủy viên BCH - trưởng ban phụ nữ mù huyện Hưng Hà. Khi cả hai mắt bị lòa, chị Thu tưởng cuộc sống của mình sẽ bó hẹp trong bốn bức tường chán ngắt, vậy mà giờ đây chị đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong gia đình và cả ngoài xã hội.

Khác với chị Thu, chị Cao Thị Văn, thôn Sòi 2, xã Phúc Khánh chỉ bị mờ mắt, nhìn cái gì cũng mờ mờ, trăng trắng, song giống chị Thu bởi nghị lực và ý chí vượt lên khiếm khuyết, khẳng định mình. Dù chồng và hai con hết lòng quan tâm, động viên chị chỉ tập trung vào việc trông nhà, nhưng cảnh nhà còn túng bấn, thấy chồng con vất vả sớm tối, còn mình cứ ngồi chơi nên không đành, vả lại chị không muốn là kẻ ăn bám khi sức khỏe còn, hai tay, hai chân lành lặn.

Thế là hàng ngày, chị mò mẫm, sờ lần từng bước ra đồng cắt cỏ thả xuống ao cho cá, lấy rong, bèo về thái nấu cho lợn, phụ chồng con chăm sóc, cấy cày, gặt hái 8 sào ruộng. Đã bao lần tay bị liềm và dao cứa chảy máu nhưng chị vẫn cắn răng chịu đau, kiên trì, nhẫn nại để trở thành người hữu ích. Chị Văn còn gạt mặc cảm khiếm khuyết, dùng đôi tai lành lặn của mình nghe như nuốt lấy từng lời trong lớp tập huấn chuyển giao KHKT do Hội nông dân tổ chức rồi áp dụng vào chính mảnh ruộng, vườn, ao, chuồng nhà mình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm 2 vụ lúa, một vụ đỗ tương, lợn, gà, cá đem về cho gia đình chị gần 100 triệu đồng. Từ một gia đình khó khăn nhất nhì thôn Sòi 2, nay gia đình chị Văn đã thoát nghèo, trở thành điển hình phụ nữ vượt khó vươn lên của Hội người mù Hưng Hà. 

Để có thể hòa nhập với cuộc sống đời thường, chị em phụ nữ khiếm thị ở Hưng Hà đã phải nỗ lực trải qua rất nhiều gian nan, vất vả, cả máu và nước mắt vì nếu họ muốn đạt được điều gì đó họ phải cố gắng gấp mấy lần người thường. Nhưng rất may bên cạnh họ luôn có người thân, bạn bè, bà con lối xóm, đặc biệt là Hội người mù đã động viên, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất, như: tổ chức học chữ nổi Brai, tẩm quất, bấm huyệt, làm tăm tre, đan  tre, làm mành, đánh đay, bện chổi tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều chị em.; cho các chị khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT; cùng với Sở LĐ - TBXH, BHXH tỉnh, phòng lao động thương binh xã hội huyện tặng thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết trợ cấp chế độ theo NĐ 67 của Chính phủ và tặng quà cho nhiều chị em khiếm thị...

Sự động viên, giúp đỡ dù là nhỏ nhưng đối với người khiếm thị, đặc biệt là phụ nữ khiếm thị vô cùng đáng quý, đáng trân trọng, là động lực to lớn giúp các chị xóa bỏ mặc cảm khiếm khuyết, dũng cảm vươn lên khẳng định mình. 

Đỗ Hiền

 

  • Từ khóa