Thứ 6, 22/11/2024, 12:51[GMT+7]

Kỷ niệm tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ 3, 18/06/2024 | 09:39:13
2,963 lượt xem
Trong cuộc đời làm báo, không ít phóng viên mong một lần được tác nghiệp tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Với tôi, nhận nhiệm vụ đi công tác Trường Sa vào dịp chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn vừa qua là một may mắn, với những kỷ niệm không thể nào quên khi cùng phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Báo Thái Bình đến với con em Thái Bình đang công tác tại Trường Sa.

Vượt sóng đến thăm quân và dân Trường Sa 

Trước khi đi công tác Trường Sa, tôi vừa mừng vừa lo; mừng vì lần đầu được đến nơi hải đảo xa xôi, lo vì đi biển dài ngày sẽ say sóng. Hơn nữa những năm qua, đề tài Trường Sa đã được các báo, đài tuyên truyền khá nhiều. Vì thế, đi chuyến này viết gì, tác nghiệp như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao luôn là trăn trở lớn trong tôi. Rất may khi đó đồng nghiệp cùng cơ quan động viên, chia sẻ kinh nghiệm nên tôi yên tâm “khăn gói quả mướp” lên đường. Đúng ngày đầu năm mới 2024, chúng tôi có mặt tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Lần đầu tôi được chứng kiến các nhà báo đi công tác Trường Sa mà đông đến thế, có tới gần 50 phóng viên các cơ quan báo chí trung ương, ngành, địa phương, chia làm hai tuyến, đồng loạt xuất phát đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. 

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến quân cảng Cam Ranh là sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Những chiếc tàu chiến, tàu quân y rất hiện đại, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trước khi lên tàu, đoàn công tác chúng tôi được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm lễ tiễn đoàn đi thăm, chúc tết cán bộ, quân và dân quần đảo Trường Sa. Hàng hóa, quà tết, nhu yếu phẩm được đưa lên tàu, hàng dài chiến sĩ điểm danh và lên tàu để đến với đảo xa. Trong khung cảnh tấp nập ấy, tôi thấy đâu đó giọt nước mắt của những người vợ tiễn chồng, người con tiễn cha, đồng đội ôm nhau khóc, họ khóc không phải vì ngại vất vả hay buồn mà vì niềm tự hào khi người thân, đồng đội của mình tiến đến nơi đảo xa, làm nhiệm vụ vinh quang mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Nhìn những hình ảnh đó, tôi chợt nhớ và thấm thía câu nói của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Tôi xin khẳng định với các đồng chí, những ai đi đến Trường Sa, quay trở về sẽ yêu Tổ quốc mình hơn rất nhiều”. 

Các phóng viên lên xuồng vào đảo An Bang

Những ngày làm báo nơi “đầu sóng” 

Chuyến đi khởi hành vào dịp cuối năm, liên tiếp có các đợt gió mùa đông bắc tràn về, biển động rất mạnh, sóng cấp 8, cấp 9. Đi trên tàu 561 đến với Trường Sa, khi tàu nhổ neo rời bến, các phóng viên còn lên boong tàu, xuống các tầng, các phòng để tác nghiệp; có người cao hứng còn cất giọng hát bài Nơi đảo xa. Nhưng khi tàu ra khỏi vịnh Cam Ranh, gặp những con sóng cao, táp mạnh vào thân tàu, tàu chòng chành khiến số đông các nhà báo say sóng nằm bệt tại phòng. Phóng viên Phan Trang Đoan, Tạp chí Sông Lam chia sẻ: Bình thường tôi ăn uống tốt, rất tự tin vào sức khỏe của mình, thế nhưng khi tàu rời đất liền thì không thể đứng dậy và ăn nổi cơm, mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ thuốc chống say tàu xe. Rất may khi đó tôi được các đồng nghiệp chăm sóc, hàng ngày được các chiến sĩ nấu cháo cho ăn, được các bác sĩ quân y hỗ trợ truyền nước nên cũng dần quen với sóng gió Trường Sa. 

Trong hải trình gần 500 hải lý đi các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, có những cán bộ, chiến sĩ, thậm chí cả phóng viên theo đoàn khi ra đến đảo mới biết tin gia đình mình có người thân qua đời, họ đành gác lại nỗi buồn của bản thân, vực lại tinh thần để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Phóng viên Nguyễn Ngọc Mai Thi, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang chia sẻ: Khi biết tin người thân qua đời, tôi rất buồn; nhưng do điều kiện công tác không thể gọi video, gác lại nỗi buồn tôi dành toàn tâm, toàn ý hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

Thật trân quý và tự hào khi trong mỗi hành trình chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của các thành viên trên tàu, sự quan tâm của những cán bộ, chiến sĩ đồng hương Thái Bình đang công tác tại Trường Sa. Cầm trên tay tờ Báo Thái Bình, có đồng chí quân nhân đã bật khóc, anh vui vì được nhìn thấy hình ảnh người thân của mình qua báo; có đồng chí xin mấy chục tờ để phát cho anh em chiến sĩ trong đơn vị đọc, anh chia sẻ mình đã sống và làm việc ở Trường Sa 4 năm liên tục và chưa về đất liền, anh luôn tự hào về quê hương và muốn chia sẻ thông tin đến với đồng chí, đồng đội của mình. Những hình ảnh ấm áp và thân thương ấy mãi là kỷ niệm đẹp với tôi.

Phóng viên Phan Trang Đoan giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây A vận chuyển đồ đạc.

Tiến Đạt