Thứ 4, 15/01/2025, 18:53[GMT+7]

Nữ nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ 4, 19/06/2024 | 09:18:32
4,708 lượt xem
Do đặc thù nghề nghiệp và yêu cầu của công tác tuyên truyền, người làm báo thường xuyên phải tác nghiệp ở những địa hình khó khăn hiểm trở, hoặc trong những bối cảnh đặc biệt như thiên tai, bão lũ. Đây là những thử thách và cũng là cơ hội giúp người làm báo rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong hành trình làm nghề, với nhiều nhà báo nữ được tác nghiệp ở Trường Sa (Khánh Hòa) luôn để lại những ấn tượng sâu sắc và kinh nghiệm quý giá.

Các nữ nhà báo với trẻ em trên đảo Trường Sa.

Thêm yêu đồng đội tôi 

Đó là chia sẻ của Đại úy Chu Thị Phương Thảo, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam trong chuyến công tác ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại huyện đảo Trường Sa vào dịp đầu năm 2024. Trên hải trình dài gần 500 hải lý đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, được chứng kiến những người đồng chí, đồng đội của mình vững tay súng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của đất nước, Đại úy Chu Thị Phương Thảo thấy vô cùng xúc động và tự hào. 

“Được đến và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là nguyện vọng của bất kỳ phóng viên nào, đặc biệt là phóng viên quân đội như chúng tôi. Trải qua một hành trình dài, khi đặt chân lên đảo Trường Sa, các đồng chí, đồng đội của tôi cùng người dân trên đảo đứng thành hàng dài vẫy tay chào đón chúng tôi đến với đảo là hình ảnh đẹp, ấn tượng mà tôi nhớ mãi. Những ngày công tác tại đảo Trường Sa, tôi hiểu thêm về những vất vả, khó khăn mà các cán bộ, chiến sĩ đã từng trải qua, thấu hiểu được công sức của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ từ mọi miền Tổ quốc đã góp công, góp sức, xây dựng lên một Trường Sa xanh tươi, vững vàng như ngày hôm nay. Chính vì thế, tôi thấy mình thêm yêu Tổ quốc hơn rất nhiều. Bản thân gia đình tôi cũng có người từng công tác tại quần đảo Trường Sa nên tôi cũng có những ấn tượng sâu sắc và mong muốn một lần được đặt chân lên đảo; tôi rất cảm phục tinh thần, nghị lực của những đồng đội đã vượt qua khó khăn của hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - Đại úy Chu Thị Phương Thảo cho biết.

Những bài học quý 

Trên hải trình đến với Trường Sa, tôi ấn tượng với một nữ nhà báo “hai tay hai súng” vừa chụp ảnh vừa quay phim, đó là chị Phí Hoàng Lê, Báo Điện tử VOV. Nhà báo Phí Hoàng Lê công tác trong lĩnh vực báo chí gần 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên chị đến với quần đảo Trường Sa. Chị chia sẻ: Phụ nữ chúng tôi đi công tác xa thì cần chuẩn bị kỹ càng hơn nam giới, từ quần áo tư trang, nhặt cái này vào bỏ cái kia ra, đồ đi làm, đồ giao lưu, đồ tác nghiệp; rồi mang quà gì tặng bộ đội, quà gì cho trẻ em trên đảo, rồi sổ ghi chép, máy quay, thẻ nhớ và đặc biệt là hỏi kinh nghiệm những người đã từng đi Trường Sa trước đó. Tôi chuẩn bị đầy đủ hành trang tác nghiệp rồi lại đến chuẩn bị việc nhà,nhờ đồng nghiệp bố trí việc chuyên môn, chạy tin, bài cho đủ định mức, nhờ người trông nhà, chăm con... Tất tật gói trong thời gian chừng 1 tuần để rồi cuối cùng là ba lô trên vai, cất cánh vào Vùng 4 Hải quân để đến với Trường Sa. Tác nghiệp báo chí ở Trường Sa phải nói là rất đặc biệt. Nó không giống và không theo bất cứ một “kịch bản” định trước nào. Bởi lẽ, ngay cả lịch trình của đoàn công tác cũng có thể bị thay đổi vì thời tiết, sóng gió biển khơi, hay những diễn biến không thuận lợi khác. Vì vậy, để tác nghiệp hiệu quả, tôi chủ động phối hợp với các phóng viên trong đoàn, chia ra từng nhóm nhỏ, thực hiện đề tài rồi chia sẻ hình ảnh, tư liệu với nhau; cần xác định những đề tài quan tâm, nhân vật mình dự kiến khai thác để có kế hoạch phỏng vấn... Ngoài ra, theo tôi thấy quan trọng nhất khi tác nghiệp ở Trường Sa là cần sự nhanh nhẹn, thể lực thật tốt mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Quá trình đặt chân đến các điểm đảo, tôi thường dậy sớm, chuẩn bị các phương tiện tác nghiệp gọn nhẹ, đầy đủ để lên những chuyến xuồng đầu tiên vào đảo. Đồng nghiệp của tôi, chỉ vì dình dang, định đi chuyến xuồng sau mà đã lỡ dịp đặt chân lên đảo An Bang, lỡ mất một lần được chứng kiến vẻ đẹp dịu dàng Tiên Nữ - An Bang, lý do là vì sau đó sóng to, điều kiện thời tiết không bảo đảm nên một số thành viên trong đoàn công tác phải ở lại trên tàu. 

Nữ nhà báo với chiến sĩ đảo Đá Đông B.

“Canh sóng” 

Đến được với Trường Sa là niềm vinh dự đối với tất cả những người làm báo. Quá trình tác nghiệp tại đây cũng vô cùng khó khăn nên những người đã từng đi đều chia sẻ với anh chị em trong đoàn võ “canh sóng” để có thể gửi tin, bài về cơ quan. 

Phóng viên Phan Thị Thu Hương, Truyền hình VTC chia sẻ: Đến được với Trường Sa đã vất vả nhưng ấn tượng nhất của tôi phải là việc canh sóng điện thoại 2G truyền hình ảnh và thông tin về đơn vị. Do điều kiện thời tiết, di chuyển trên tàu nhiều, thường xuyên mất sóng điện thoại nên việc gửi tin, bài về cơ quan hết sức khó khăn. Trên đảo, cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt theo nền nếp, ăn uống, làm việc, tập luyện và tăng gia sản xuất đều rất đúng giờ. Về đêm, đúng 21 giờ 30 phút, tất cả phải đi ngủ, trừ lực lượng tuần tra. Nhưng với các nhà báo thì “không” vì đây là lúc sóng 2G khỏe nhất, phóng viên phải chia nhau “canh sóng” để gửi tin, bài về. Mỗi tấm ảnh trước khi truyền về đều được nén đến mức thấp nhất có thể sử dụng được, vậy mà để gửi 1 file tin, bài cộng thêm 1 - 2 ảnh cũng phải mất từ 2 - 4 tiếng đồng hồ. Đồng nghiệp nữ cùng phòng tôi là chị Trần Thị Hoa, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh gửi file video mất gần 10 tiếng, thức trắng một đêm. Chị thường để luôn máy tính ở đầu giường, nhấn phím gửi dữ liệu, hẹn giờ báo thức cứ 2 tiếng một lần dậy để kiểm tra tình hình đường truyền rồi tranh thủ ngủ tiếp. 

Tác nghiệp nơi “đầu sóng ngọn gió” đối với nam giới đã vất vả nhưng với các nữ nhà báo thì vất vả hơn rất nhiều. Thế nhưng khi hỏi về những kỷ niệm ở Trường Sa họ đều chung nỗi niềm nhớ thương và mong mỏi sẽ được trở lại mảnh đất thân yêu của Tổ quốc, bởi trong tim họ, đất trời, con người, từng chiếc lá, ngọn cỏ nơi đây đều để lại dấu ấn trong tim những người phụ nữ mang trong mình đam mê với nghề báo.

Nhà báo Phí Hoàng Lê, Báo Điện tử VOV tác nghiệp trong hành trình đến đảo Trường Sa.

Tiến Đạt