Thứ 7, 23/11/2024, 10:15[GMT+7]

“Ngộ độc quyền lực” - người làm báo đang tự trói mình!

Thứ 6, 21/06/2024 | 11:50:44
6,173 lượt xem
Hướng tới ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), hàng vạn nhà báo và người làm báo cả nước có lẽ không niềm vui và tự hào nào lớn hơn là nhận được những lời chúc mừng đầy sự chân thành và quý trọng từ những người thân, anh chị em đồng nghiệp, và các mối quan hệ xã hôị... Giá như tất cả người làm báo đều xứng đáng được vinh danh với nghề...

Ảnh minh họa.

Vai trò của báo chí

Đối với bất cứ ngành nghề gì đã được xã hội công nhận thì cũng đều đáng phải được vinh danh, bởi sự đóng góp cho xã hội vào sự phát triển của loài người thì không có ngành nghề gì lại không giữ vai trò quan trọng. Thế nhưng đối với nghề báo thì lại có tính đặc thù...

Ở Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX, trong khi mâu thuẫn giữa nhân dân với chủ nghĩa thực dân và tay sai phong kiến ngày càng gay gắt. Các phong trào yêu nước do các tầng lớp sỹ phu, trí thức, tiểu tư sản lãnh đạo đều bị đàn áp dã man và lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Khi đó, giai cấp công nhân Việt Nam từng bước lớn mạnh sẵn sàng đảm đương sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng. Trước tình hình đó, nhà yêu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc xác định việc đòi hỏi truyền bá một cách có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng chân chính vào Việt Nam; vận động, tổ chức đẩy mạnh phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, tích cực chuẩn bị các tiền đề chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập một Đảng cách mạng. Lịch sử dân tộc Việt Nam đòi hỏi và trên thực tế đã hình thành những tiền đề cần thiết cho sự ra đời một tờ báo cách mạng chân chính...

Ngay từ khi có ý tưởng, Nguyễn Ái Quốc đã xác định phải cần thiết cho ra đời một tờ báo cách mạng chân chính. Điều đó cho thấy, báo chí là tuyên truyền, là định hướng dư luận. Một tờ báo ra đời để phục vụ cách mạng, phục vụ lợi ích dân tộc, nếu tờ báo thiếu đi sự chân chính thì sẽ dễ trở thành loại thuốc độc tiêu diệt lợi ích của dân tộc. Qua đó, chúng ta thấy rằng, vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là vô cùng quan trọng, và mãi mãi quan trọng trong đời sống xã hội, ở bất kỳ thời đại nào. Và tầm quan trọng của tờ báo phải được gắn với sự “chân chính”.

Ở một số nước trên thế giới, báo chí được coi là “quyền lực thứ tư”, bởi báo chí đã thể hiện được sức mạnh khủng khiếp của nó trong đời sống xã hội. Trên thực tế, báo chí đã làm phá sản một số doanh nghiệp đang phát triển; báo chí có thể làm khuynh đảo một số lĩnh vực thuộc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của một quốc gia, thậm chí làm khuynh đảo cả một quốc gia, buộc giới cầm quyền ở đó phải điều chỉnh hoặc thay đổi chính sách, có khi phải rời bỏ quyền lực...

Cũng bởi sức mạnh vô hình ấy mà ngay tại Việt Nam, hiện nay không ít người làm báo đang biến “quyền lực” của báo chí thành “quyền lực” của chính mình, của cá nhân người làm báo. Vì thế mà đã và đang có tình trạng một bộ phận người làm báo bị ngộ độc quyền lực...

Người làm báo cần “biết mình”!

Báo chí có được sức mạnh như đã nêu ở trên, bởi lẽ nó không chỉ thực hiện chức năng truyền tải thông tin tới công chúng mà còn cổ vũ và định hướng dư luận để quần chúng hành động. Đó chính là chức năng tư tưởng – một trong những chức năng quan trọng nhất của báo chí. Thực tế cho thấy, từ thông tin báo chí tác động vào tư tưởng, tình cảm của quần chúng, góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành động của họ.

Ngày 24/4/1965, trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á Phi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Ngòi bút của nhà báo là vũ khí sắc bén, đó là thứ vũ khí để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích dân tộc và nhân dân; Thứ vũ khí dùng để đấu tranh với mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc, đấu tranh chống diễn biến hòa bình... 

Trong những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy tốt vai trò, chức năng của mình trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Thế nhưng còn bộ phận không ít người làm báo vẫn đang mơ hồ về vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động báo chí. Một số phóng viên bị "nhiễm độc" bởi hai chữ "quyền lực" nên họ hoạt động báo chí còn mang nặng lợi ích cá nhân, sử dụng nghề báo để theo đuổi mục đích làm lợi cho bản thân, sử dụng danh nghĩa người làm báo để đi cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp và các đơn vị. Thậm chí có nhiều người làm báo trong nhiều năm nhưng chưa làm ra một tác phẩm báo chí nào.

Trong hoạt động đời sống xã hội, bất kỳ ngành nghề gì thì con người làm việc cũng không ngoài mục đích mưu sinh. Trong sự mưu sinh thì mỗi con người cần phải cống hiến, phải lao động... Đối với nghề báo thì sự cống hiến không đơn thuần là chúng ta cứ làm ra sản phẩm là những tác phẩm báo chí đã được coi như thành công. Sự cống hiến trong nghề báo đòi hỏi mỗi người phải có sự hy sinh một phần lợi ích cá nhân, và phải có sự đam mê, dấn thân với nghề. Một tác phẩm báo chí được cho là có giá trị thực sự thì tác phẩm báo chí đó trước hết phải được bạn đọc đón nhân, tác phẩm báo chí phải mang ý nghĩa xây dựng xã hội, bài trừ tiêu cực, định hướng dư luận đến một một mục tiêu là xây dựng và bảo vệ lợi ích, mối đoàn kết dân tộc... Chứ không phải một bài báo chỉ phát sinh ra một hợp đồng truyền thông sau khi thông tin phản ánh hiện tượng tiêu cực bị "bay màu"...

Cũng vì "ngộ độc quyền lực" mà trong những năm gần đây, có không ít người làm báo bị khởi tố, bắt giam về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đó là một số người làm báo lợi dụng danh nghĩa tác nghiệp để ép các đơn vị, doanh nghiệp phải đánh đổi giữa "tin" và "tiền". Đó là hiện tượng sau khi "tác nghiệp", một số người làm báo chủ động đưa ra yêu sách đối với người, hoặc đơn vị vừa bị phản ánh, yêu cầu họ phải chi một số tiền để được dừng lại việc đăng bài phản ánh trên báo chí. Trong một số trường hợp, khi việc "thỏa thuận" không đạt được, hoặc người làm báo sử dụng cái gọi là "quyền lực" để lấy được tiền bằng mọi giá, thì việc người làm báo ấy bị vướng vòng lao lý là điều dễ hiểu.

Đó chính là thực trạng đang diễn ra với nghề báo hiện nay, mà không phải hiếm. Vì "ngộ độc quyền lực" mà nhiều người làm báo đã và đang "tự trói mình" trong hoạt động nghề nghiệp...

Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để những người làm báo có điều kiện gần gũi nhau hơn, gần gũi đồng nghiệp, gần gũi bạn đọc... để ôn lại những thành quả đã đạt được trong quá trình hoạt động báo chí của mình. Nhưng cũng là dịp để mỗi chúng ta cũng tự soi xét lại chính mình, từ đó mỗi chúng ta tự rèn dũa mình, rèn dũa đạo đức nghề nghiệp, rèn dũa ngòi bút... để chúng ta được trưởng thành hơn trong nghề!

Nguyễn Khuê