Thứ 3, 21/01/2025, 10:29[GMT+7]

Đến với người có công

Thứ 3, 16/07/2024 | 09:20:17
16,730 lượt xem
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, tỉnh lại tổ chức các đoàn công tác đi thăm hỏi, trao quà cho các thương binh, bệnh binh nặng người Thái Bình đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh ở tỉnh ngoài thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là dịp tri ân những người con ưu tú của quê hương đã cống hiến một phần xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho các thương binh, bệnh binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình).

Là 1 trong 4 thương binh, bệnh binh nặng người Thái Bình đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam), khi biết tin có đoàn công tác của tỉnh sang thăm, ông Bùi Văn Vuột, quê xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) phấn khởi mong chờ bởi với ông được gặp người Thái Bình, được trò chuyện, thông tin về quê hương là điều ông luôn mong ước và trân quý. Nhập ngũ năm 1966, lái xe cho Binh đoàn Trường Sơn, 2 lần bị thương, trong đó có lần bị mảnh đạn găm vào đầu, tưởng đã hy sinh nơi chiến trường khốc liệt nhưng may mắn ông đã vượt qua. Năm 1976, ông được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng điều trị và ở lại đây từ đó đến nay. Ở Trung tâm này có hàng trăm thương binh, bệnh binh nặng đến từ các tỉnh, thành phố. Ông Vuột cho biết: Thái Bình luôn là một trong những tỉnh tổ chức đoàn công tác đến Trung tâm sớm vào những dịp lễ, tết để thăm hỏi, trao quà và động viên người có công. Điều đó làm cho chúng tôi rất ấm lòng. Chúng tôi ở đây luôn mong được gặp người Thái Bình để trò chuyện, trực tiếp nghe thông tin về công cuộc đổi mới của quê hương. Chúng tôi luôn tự hào là người con của “Quê hương năm tấn”, mảnh đất anh hùng “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng, yên tâm điều trị, vượt lên thương tật để tiếp tục chứng kiến những đổi thay, sự phát triển của quê hương. 

Tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình) còn có thương binh nặng Nguyễn Văn Mạnh, quê xã Thụy Xuân (Thái Thụy). Ông đã dành cả thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Dù may mắn trở về sau chiến tranh nhưng ông mang trên mình những vết thương không thể chữa lành. Ở Trung tâm đã mấy chục năm nay, ông Mạnh coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Ông chia sẻ: Cứ mỗi dịp lễ, tết hay kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi đều nhận được sự động viên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nhân dân Thái Bình. Sự quan tâm, thăm hỏi chu đáo, kịp thời từ quê nhà làm tôi rất xúc động. Cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm lo cho chúng tôi rất tận tình, chu đáo nên tôi yên tâm và phấn khởi. 

Đất nước hòa bình, các thương binh, bệnh binh vẫn mang trên mình những vết thương. Để bù đắp phần nào những mất mát ấy, các trung tâm điều dưỡng thương binh luôn chăm sóc ân cần, chu đáo để các thương binh, bệnh binh vượt qua nỗi đau thể xác, chiến thắng thương tật; giúp họ sống vui, sống khỏe để cảm nhận được sự chăm lo của Đảng và Nhà nước dành cho người có công với đất nước. 

Bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, tỉnh ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chu đáo để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với sự hy sinh, mất mát không gì đong đếm được của người và gia đình có công với cách mạng. Đã thành thông lệ, cứ vào trước tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, các đoàn công tác của tỉnh lại tổ chức đi thăm, trao quà của tỉnh cho các thương binh, bệnh binh nặng người Thái Bình đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại một số trung tâm điều dưỡng thương binh ở tỉnh ngoài. 

Ông Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Với trên 50 vạn người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hiện toàn tỉnh có trên 52.000 liệt sĩ; gần 30.000 thương binh; trên 16.000 bệnh binh và gần 28.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Con số ấy cho chúng ta thấy sự cống hiến, hy sinh vô cùng to lớn của mảnh đất và con người Thái Bình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sống trong hòa bình hôm nay, mỗi chúng ta đều thấy mình may mắn và tự hào bởi bao thế hệ cha anh đã đánh đổi máu xương để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục thực hiện thật tốt chính sách hậu phương quân đội để chăm lo ngày càng tốt hơn người và gia đình có công với cách mạng. 

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống của thương binh nặng người Thái Bình tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). 


Đỗ Hồng Gia