Thứ 7, 27/07/2024, 18:47[GMT+7]

Điểm hẹn của lòng biết ơn

Thứ 7, 27/07/2024 | 06:15:55
1,138 lượt xem
Khánh thành năm 2015, Đền thờ Liệt sĩ tỉnh là công trình linh thiêng, trang trọng. Mỗi dịp tháng bảy, nơi đây lại trở thành điểm hẹn của lòng biết ơn, địa chỉ văn hóa tâm linh để mỗi người dân trong và ngoài tỉnh bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sĩ.

Người dân thả hoa đăng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh.

Có bố là liệt sĩ, năm nào cũng vậy, vào dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) đều đến Đền thờ Liệt sĩ tỉnh để dâng nén tâm nhang, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn người cha của mình cùng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Chị Thủy tâm sự: Dù mất mát, đau thương nhưng mỗi khi đến đây bản thân tôi lại thấy rất đỗi tự hào về cha mình cũng như truyền thống cách mạng hào hùng của mảnh đất và con người Thái Bình.

Dù không có người thân là liệt sĩ nhưng cứ mỗi dịp lễ, tết và ngày 27/7, chị Vũ Thị Ngọc Hoa, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) lại đến Đền thờ Liệt sĩ tỉnh để thăm viếng, tỏ lòng thành kính, tri ân sự cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Với chị, để sống trong hòa bình, tự do ngày hôm nay, biết bao máu xương của các thế hệ cha ông đã phải đánh đổi. Chị Hoa chia sẻ: Đến đây, tôi được chìm vào không gian trầm lắng, linh thiêng, ngắm nhìn những tấm bia ghi danh hàng vạn anh hùng liệt sĩ của quê hương Thái Bình, tôi thực sự xúc động và hình dung ra hình ảnh các thế hệ cha ông xông pha ra trận khi tuổi còn xuân rồi vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường để đất nước được độc lập, tự do, nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Đây thực sự là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Kết thúc chiến tranh, toàn tỉnh ghi công hơn 52.000 liệt sĩ. Chính bởi cống hiến lớn lao ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình mong muốn xây dựng một ngôi đền thờ liệt sĩ làm nơi bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, một địa chỉ văn hóa tâm linh. Từ khi khánh thành đến nay, mỗi năm Đền thờ Liệt sĩ tỉnh đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh cũng như hàng nghìn lượt người dân đến dâng hương, tham quan, chiêm ngưỡng.

Đền thờ Liệt sĩ tỉnh được thiết kế theo ý tưởng về đình làng truyền thống khu vực đồng bằng sông Hồng nhưng cũng mang dấu ấn của thời đại mới. Đền có bố cục chữ Đinh; tầng trên là nơi thờ các anh hùng liệt sĩ, tầng hầm trưng bày, lưu trữ kỷ vật. Sân hành lễ có 2 nhà văn bia, bên phải là văn bia “Thái Bình vùng đất văn hiến”, bên trái là văn bia “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Đền có 9 gian với tổng chiều dài 41,4m, chiều rộng 18,4m, gian giữa có hậu cung đặt ban thờ công đồng được bố trí đồ thờ theo nghi thức cổ truyền; lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, sao vàng năm cánh với dòng chữ “Tổ quốc ghi công” đặt trên nền trống đồng Đông Sơn; cỗ khám thờ 8 gian, bên trong khám đặt hộp thần chủ khắc tên tất cả các liệt sĩ. 8 gian thờ dựng bia ghi danh liệt sĩ của 8 huyện, thành phố. Đây là công trình có ý nghĩa chính trị, tâm linh sâu sắc, cũng là điểm nhấn về kiến trúc giữa không gian trang trọng trung tâm thành phố Thái Bình.

Trong một không gian trầm lắng, linh thiêng và cũng rất tự hào, Đền thờ Liệt sĩ tỉnh sẽ không chỉ là nơi viếng thăm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân để tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ mà còn là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đỗ Hồng Gia