Thứ 4, 31/07/2024, 19:28[GMT+7]

Phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ 4, 31/07/2024 | 17:07:15
230 lượt xem
Cộng đồng dân cư luôn đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống và cách hành xử của mỗi gia đình, mỗi người dân. Bởi vậy, trong quá trình “gạn đục, khơi trong”, xây dựng đời sống văn hóa, nhiều khu dân cư đã có cách làm hay, sáng tạo nhằm phát huy vai trò của cộng đồng đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, để bạo lực gia đình không còn là việc “đóng cửa bảo nhau” theo quan niệm trước đây.

Người dân thôn Sài, xã An Quý (Quỳnh Phụ) chia sẻ thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.

Cách làm hay của thôn văn hóa tiêu biểu

Là tập thể thôn duy nhất trên địa bàn tỉnh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch biểu dương nhân tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024, những năm qua, thôn Sài, xã An Quý (Quỳnh Phụ) quyết liệt thực hiện nhiều phần việc nhằm thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, tâm lý của bà con trong thôn xem bạo lực gia đình là “chuyện nội bộ” từng bước được loại bỏ. Giờ đây, bà con trong thôn luôn chủ động thông tin, tố giác kịp thời các hành vi, vụ việc bạo lực trong gia đình từ đó giúp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể vào cuộc ngăn chặn, xử lý hiệu quả. Vì vậy, công tác phòng ngừa bạo lực gia đình ngày càng được tăng cường. 

Ông Nguyễn Duy Trìu, công chức văn hóa xã An Quý chia sẻ: Để có kết quả như hiện nay, chính quyền địa phương từ xã tới thôn đã thẳng thắn phân tích, xác định trở ngại lớn là tư tưởng “xấu chàng hổ ai”, trọng nam khinh nữ, quan niệm gia trưởng chưa được khắc phục, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, không chỉ thông qua hệ thống truyền thanh, lồng ghép trong các cuộc họp, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trực quan, xây dựng tiểu phẩm sân khấu hóa mà ban công tác mặt trận thôn đã rà soát nhóm đối tượng cần được tư vấn về gia đình, phân công tư vấn viên tiếp cận. Ngoài ra, trên địa bàn thôn duy trì thường xuyên 15 số điện thoại khẩn cấp, 2 tổ hòa giải, 4 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tiếp nhận thông tin về các vụ việc mâu thuẫn phức tạp nảy sinh trong gia đình…

Là người cao tuổi trong thôn, ông Nguyễn Duy Thịnh đánh giá: Bạo lực gia đình  nhiều năm nay không có, các vụ việc mâu thuẫn giữa các gia đình đều được tổ hòa giải phối hợp giải quyết ổn thỏa ngay từ khi bắt đầu nảy sinh nên người dân noi gương nhau thực hiện nếp sống văn minh, hòa thuận, tình làng nghĩa xóm ngày thêm gắn bó khăng khít.

Với 3 thế hệ trong gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà, anh Nguyễn Tiến Đạt, thôn Sài nhận xét: Tất cả cán bộ xã, thôn rất nhiệt tình, thường xuyên đến từng hộ để tuyên truyền về bạo lực gia đình, làm cho mọi người dân trong xã hiểu được các tình huống có thể phát sinh, từ đó tự rút ra bài học cho gia đình mình, không để bạo lực gia đình xảy ra. Gia đình tôi xác định, để phòng, chống bạo lực gia đình, tất cả mọi thành viên đều phải tôn trọng, thông cảm cho nhau, mọi việc xảy ra dù to hay nhỏ đều thẳng thắn chia sẻ, tâm tình để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.

Với sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong thực hiện mọi nhiệm vụ đề ra, thôn Sài vinh dự được UBND huyện Quỳnh Phụ khen thưởng, công nhận thôn văn hóa 5 năm liên tục.

Đồng hành cùng hội viên phụ nữ

Đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình của mỗi cộng đồng dân cư, các tổ chức hội tại cơ sở trong đó có hội phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ - đối tượng thường là nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Phương (Đông Hưng) hiện là nơi sinh hoạt của hơn 1.500 hội viên. Hội luôn quan tâm tuyên truyền, thảo luận kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, vun đắp hạnh phúc, phát triển kinh tế gia đình trong các hoạt động của 7 chi hội thôn và hội phụ nữ xã. Từ đó, thông tin về những mâu thuẫn, vụ việc nảy sinh trong gia đình của hội viên nhanh chóng được các cấp hội phụ nữ phối hợp hòa giải, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Ninh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Phương thông tin: Các cấp hội phụ nữ nắm bắt tư tưởng, gần gũi với chị em trong mọi trường hợp, đồng thời đã thành lập 8 địa chỉ tin cậy, 8 đường dây điện thoại nóng để chị em phụ nữ trong toàn xã ngay khi có vấn đề xảy ra có thể liên lạc, gọi điện trong bất kỳ thời gian nào, chúng tôi sẽ can thiệp, giải quyết kịp thời.

Các cấp hội liên hiệp phụ nữ xã Đông Phương (Đông Hưng) thảo luận về công tác gia đình.

Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã Đông Phương phát hàng nghìn tờ rơi về kiến thức gia đình, viết các tin, bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, phối hợp tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới và các lớp trợ giúp, tư vấn pháp lý cho hội viên. Từ sự đồng thuận của hội viên, Hội LHPN xã Đông Phương xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình điểm của huyện “Chi hội an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình”, mô hình điểm của tỉnh “Gia đình 5 có, 3 sạch”, CLB xây dựng gia đình hạnh phúc... Ngoài ra, đã tiếp nhận, hỗ trợ 2 nạn nhân có nguy cơ bị bạo lực, bảo đảm an toàn, bí mật cho nạn nhân và người báo tin. 

Ông Nguyễn Thế Sơn, Chủ tịch UBND xã Đông Phương đánh giá: Với sự vào cuộc, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, trong đó lấy tổ chức hội LHPN là nòng cốt, nhận thức của người dân về bạo lực gia đình đã thay đổi. Trong nhiều năm qua, Hội LHPN xã luôn được cấp ủy địa phương và Hội LHPN huyện Đông Hưng xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là tập thể vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng nhân tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ quan trọng cần có sự nỗ lực chung tay, chung sức của cộng đồng. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, sự đồng hành của các đoàn thể tại cơ sở, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, từ đó thay đổi hành vi ứng xử, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại mỗi cộng đồng dân cư.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nhận thức rõ vai trò của tổ chức hội và hội viên phụ nữ trong công tác gia đình nói chung, phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao kiến thức về mọi mặt cho hội viên phụ nữ. Các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “5 có, 3 sạch”... Từ đó, góp phần giúp chị em tự tin, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, phát huy vai trò trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, để thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình, UBND huyện hàng năm đều tổ chức hội nghị tuyên dương, khen thưởng những tấm gương điển hình nhằm động viên, khích lệ kịp thời; đồng thời thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền để hoạt động này trở nên gắn bó với cuộc sống của người dân. Hiệu quả đạt được là nhiều năm qua, huyện Quỳnh Phụ luôn giữ ổn định tình hình của địa phương, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện đã đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra cách đây 2 năm.

 

Tú Anh