Thứ 3, 10/09/2024, 15:02[GMT+7]

Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 Vì nạn nhân chất độc da cam

Thứ 7, 10/08/2024 | 07:51:37
5,715 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc da cam (CĐDC)/ Điôxin vẫn từng ngày hiện hữu, dày vò thân thể những người lính trở về từ chiến trận, tàn phá thế hệ con cháu của họ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với những người có công với cách mạng và trách nhiệm với cộng đồng. ​

Nạn nhân CĐDC gián tiếp được học nghề, tạo việc làm tại Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân CĐDC trực thuộc Tỉnh hội.

Nỗi đau dai dẳng 

Bị ảnh hưởng CĐDC từ bố nên từ khi sinh ra, anh Phạm Văn Đức, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) đã bị khuyết tật vận động, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Cách đây hơn 30 năm, bố anh qua đời. Từ đó đến nay, một mình anh bươn chải lo cho mẹ già đã ở tuổi thất thập. Cuộc sống của hai mẹ con khó khăn chồng chất. Anh Đức chia sẻ: Do ảnh hưởng của CĐDC nên chân tôi bị tật, lưng bị gù không thể đi lại như người bình thường. Vất vả nhất đối với tôi là mỗi lần giặt giũ quần áo, phải mất 2 tiếng đồng hồ mới xong. Giờ đây, mẹ tôi cũng đã yếu đi nhiều. Tôi chỉ mong mình giữ được sức khỏe như hiện tại để có thể chăm lo, đỡ đần phần nào cho mẹ lúc tuổi già.

Cũng giống như gia đình anh Đức, nỗi đau da cam vẫn ngày ngày hiện hữu trong gia đình ông Đinh Văn Bính, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình). Như bao người lính trở về từ chiến trận, ông Bính lập gia đình và sinh con. Song niềm vui chẳng tày gang khi một trong ba người con của ông bị thiểu năng trí tuệ, chân tay co quắp do ảnh hưởng bởi CĐDC. Giờ đây, dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vợ chồng ông Bính vẫn phải chăm sóc người con gái hơn 40 tuổi, mọi sinh hoạt, vận động đều không thể tự chủ. Ông Bính cho biết: CĐDC không chỉ khiến tôi bị suy giảm sức khỏe, nhiều bệnh tật mà còn khiến con gái tôi phải chịu bất hạnh. Suốt một thời gian dài, vợ chồng tôi ròng rã đưa con đi chữa bệnh khắp nơi nhưng không có tiến triển, đến khi biết được con bị ảnh hưởng thứ chất độc quái ác từ mình, tôi rất đau xót, lực bất tòng tâm, đành chấp nhận để con sống chung với bệnh tật. Tôi rất lo lắng, nếu một ngày vợ chồng tôi không còn trên cõi đời này nữa, con gái tôi sẽ thế nào... 

Hoàn cảnh của gia đình anh Đức, ông Bính chỉ là hai trong số hàng nghìn gia đình trên địa bàn tỉnh hàng ngày, hàng giờ phải gánh chịu nỗi đau da cam - nỗi đau xuyên thế kỷ. 

Vì nạn nhân chất độc da cam 

Là một trong những tỉnh có tỷ lệ người tham gia kháng chiến chống Mỹ so với dân số cao nhất cả nước, vì vậy Thái Bình cũng là một trong những tỉnh có số nạn nhân CĐDC/Điôxin đông. Hầu hết cuộc sống của nạn nhân da cam còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Họ là những người nghèo khó nhất trong những người nghèo khó, đau khổ nhất trong những người đau khổ. 

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, các cấp hội nạn nhân CĐDC/Điôxin trong tỉnh đã tập trung vận động nguồn lực, triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, giúp đỡ nạn nhân CĐDC, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam với phương châm “Hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”. Anh Nguyễn Xuân Trường, xã Trà Giang (Kiến Xương) cho biết: Là nạn nhân CĐDC gián tiếp nên tôi được học nghề ở Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân CĐDC trực thuộc Tỉnh hội. Tại đây, tôi không chỉ được các cán bộ của Trung tâm tận tình hướng dẫn học và làm nghề giấy xuất khẩu mà còn được tạo điều kiện có chỗ ăn, chỗ ở nội trú nên tôi rất vui và phấn khởi. 

Bà Bùi Thị An, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam chia sẻ: Dạy nghề, tạo việc làm luôn là một trong những hoạt động trọng tâm, mang tính chiến lược của Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã triển khai dạy các nghề như: may công nghiệp, làm tranh ghép gỗ, mài đá trang sức... Hiện nay, Trung tâm đang tổ chức dạy nghề làm giấy xuất khẩu cho 10 nạn nhân CĐDC gián tiếp. Hàng ngày các nạn nhân được chăm sóc, nuôi dưỡng miễn phí bằng nguồn lực ủng hộ của cộng đồng tại Trung tâm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở thêm các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân CĐDC, qua đó giúp họ có thu nhập, cải thiện đời sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. 

Ngoài công tác dạy nghề, tạo việc làm, các cấp hội nạn nhân CĐDC/Điôxin trong tỉnh còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm; xây dựng nhà tình nghĩa; trợ cấp khó khăn, tặng xe lăn, xe lắc; tẩy độc, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân CĐDC... Tính riêng từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã thăm hỏi, trao hơn 25.000 suất quà, tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng cho nạn nhân CĐDC; tạo điều kiện cho hơn 100 nạn nhân được tham gia tẩy độc, cải thiện sức khỏe. Cùng với đó xã hội hóa nguồn lực xây dựng quỹ nạn nhân CĐDC/Điôxin; tập trung khảo sát các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, về mức sống để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp. 

Bà Nguyễn Thúy Hoàn, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh cho biết: Nỗi đau da cam là nỗi đau dai dẳng nhất, đè nặng lên nhiều gia đình, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2024) là dịp để mỗi chúng ta hiểu hơn về sự thảm khốc của chiến tranh và CĐDC, từ đó nâng cao trách nhiệm đối với nạn nhân CĐDC. Với vai trò của một tổ chức xã hội đặc thù, vì nạn nhân CĐDC, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng Hội vững về tư tưởng, mạnh về tổ chức, đẹp về phẩm chất, giàu về tình nghĩa, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho các nạn nhân CĐDC trong tỉnh. Tôi cũng mong muốn các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, chăm lo, giúp đỡ để nạn nhân và gia đình nạn nhân CĐDC vơi đi nỗi đau, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 

Lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh thăm hỏi, trao quà cho gia đình bà Vũ Thị Ràng, xã An Ninh (Quỳnh Phụ). 

Thu Hoài