Chủ nhật, 15/12/2024, 06:49[GMT+7]

Trung thu nào cho em

Thứ 3, 17/09/2013 | 08:03:41
808 lượt xem
Dưới ánh trăng sáng vằng vặc đêm rằm vẫn còn những ánh mắt vương buồn nhìn về phía ánh sáng lung linh sắc màu của những chiếc đèn ông sao để mà ước ao, mà khao khát. Ấy là ánh mắt của các em nhỏ vùng khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Với các em, để có được niềm vui giản dị như bao bạn bè cùng trang lứa trong đêm rằm Trung thu thật không phải là điều dễ thực hiện.

Cùng chuẩn bị cho đêm Trung thu.

Tuổi ấu thơ ai cũng đi qua những đêm rằm tháng Tám với hình ảnh chiếc đèn ông sao nhiều màu sắc, chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon và tiếng cười đùa rộn vang góc phố. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, dưới ánh trăng sáng vằng vặc đêm rằm vẫn còn những ánh mắt vương buồn nhìn về phía ánh sáng lung linh sắc màu của những chiếc đèn ông sao để mà ước ao, mà khao khát. Ấy là ánh mắt của các em nhỏ vùng khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Với các em, để có được niềm vui giản dị như bao bạn bè cùng trang lứa trong đêm rằm Trung thu thật không phải là điều dễ thực hiện.

Nước da sạm nắng, tóc hung hung đỏ cháy nắng, đôi mắt trong veo nhưng vương nét buồn, quần áo nhuốm màu phù sa, cô bé Trần Thị Sim có vẻ  ngượng ngùng khi được hỏi chuyện đón Tết Trung thu. Em cho biết: "Em là con thứ 3 trong một gia đình ngư dân thuộc làng chài Cao Bình, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương. Năm nay em 12 tuổi. Vì điều kiện gia đình khó khăn, nên học chưa hết lớp 5 em đã phải bỏ học cùng cha mẹ đi biển. Khi còn đi học, em cũng được đón Trung thu vui vẻ cùng các bạn ở trường. Trung thu năm nay chắc cũng như năm ngoái chỉ có thể ngồi trên thuyền ngắm trăng". 

Chị Nguyễn Thị Kệnh, một ngư dân của làng chài Cao Bình, cho biết thêm: Các gia đình làng chài phần lớn đều đông con. Gia đình chị ít thì cũng có 4 đứa. Đứa bé nhất đang học lớp 5 nhưng hết năm học này chắc cháu cũng phải nghỉ học để theo phụ việc cho cha mẹ. Chưa năm nào chị mua được đèn ông sao hay bánh trung thu cho con. Thương con nhưng ở các gia đình làng chài này phần lớn bọn trẻ ít được quan tâm đến việc học cũng như vui chơi. Những nhọc nhằn mưu sinh sớm đè nặng lên đôi vai non trẻ khiến trẻ em làng chài ít để ý và không nhận ra rằng Tết Trung thu là ngày vui dành cho mình. Người dân làng chài quanh năm sống nơi chân sóng, dựa vào biển để mưu sinh, họ mải đuổi theo con cá mà không có thời gian, điều kiện chăm con. Và cũng bởi nhà nghèo, lo cái ăn hàng ngày đã khó thì nghĩ gì đến chuyện đi học, đi chơi của trẻ. Cuộc đời sông nước, đời này sang đời khác lênh đênh gắn liền chiếc thuyền nan, với trẻ em làng chài việc được quây quần cùng chúng bạn rước đèn trung thu, phá cỗ trông trăng chỉ có thể có trong giấc mơ. 

Được ở trên bờ, được đi học và thỉnh thoảng cũng được đón Tết Trung thu cùng các bạn, đó là điều "may mắn" đối với Bùi Văn Tâm. Song, may mắn ấy chỉ được có thế bởi do bị bệnh nên cha Tâm mắt càng ngày càng kém, mẹ thì nay ốm mai đau, bản thân em bị bệnh đường tiêu hóa nên học lớp 2 mà trông Tâm nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa. Vì không có sức khỏe nên dù đi làm, cha mẹ Tâm thu nhập chỉ được khoảng 50.000 đồng/ngày. Với số tiền ấy, gia đình phải chi tiêu hết sức tằn tiện để còn lo thuốc thang cho em và người bà của em năm nay đã ngoài 80 tuổi. Gia đình nằm trong diện hộ nghèo của xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Cha Tâm, anh Bùi Văn Quyết tâm sự: "Từ bé, con tôi chưa được một ngày mạnh khỏe, chưa một ngày được thoải mái chạy nhảy vui chơi cùng các bạn. Nhà nghèo nên Trung thu mọi năm tôi cũng chỉ mua được  cái đèn ông sao rẻ tiền, còn quà chủ yếu do các tổ chức, cá nhân tặng cho cháu".

Ai cũng có tuổi thơ, có những mùa trăng trông ngóng chị Hằng, chú Cuội. Trung thu là những ngày được trẻ em mong mỏi nhất trong năm. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng may mắn được phá cỗ, đón chị Hằng và nhận quà. Câu chuyện về các em nhỏ vùng khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt không khỏi làm chúng ta suy nghĩ: Có Trung thu nào dành cho em? Tết Trung thu đã đến. Đón Trung thu trong sự đủ đầy, xin hãy quan tâm đến các em và hãy mang lại tình yêu thương, sự sẻ chia, mang lại niềm vui cho dù nho nhỏ, để các em không còn nét buồn vương trong ngày Tết của mình.

Bài, ảnh: Mai Thư

  • Từ khóa