Thứ 6, 22/11/2024, 07:44[GMT+7]

Từng bước số hóa, hướng tới bệnh viện thông minh

Thứ 3, 20/08/2024 | 08:58:37
8,407 lượt xem
Được xem là mũi nhọn chiến lược trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và phát triển bệnh viện, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa thủ tục hành chính đã được các bệnh viện trong tỉnh tích cực triển khai. Những kết quả đạt được đã mang đến nhiều lợi ích cho cả bệnh viện, người bệnh và cán bộ, nhân viên y tế.

Khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kết quả xét nghiệm, chụp X-quang... của bệnh nhân sẽ được chuyển về phòng khám ban đầu, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.

Video: 210824-_DAY_MANH_SO_HOA_BENH_VIEN_THONG_MINH.mp4?_t=1724295355

 

Giảm thủ tục từ đăng ký khám, lấy kết quả… đến thanh toán 

Trước đây, khi muốn KCB tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Cao Hoàng Yến, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) phải đi từ rất sớm để xếp hàng, lấy số thì nay do đã đặt lịch khám qua điện thoại từ trước nên chị không mất nhiều thời gian xếp hàng, chờ đợi. 

Chị Cao Hoàng Yến chia sẻ: Đợt này đi khám tôi thấy Bệnh viện có nhiều sự cải tiến. Tôi có thể đăng ký khám qua điện thoại. Nếu quên thẻ bảo hiểm y tế, có thể thay thế bằng thẻ căn cước công dân. Sau khi được thăm khám xong, tôi đi lấy mẫu làm các xét nghiệm và chỉ định chiếu chụp khác. Không phải chờ đợi kết quả như trước kia, tôi chỉ cần về phòng khám ban đầu để nghe các bác sĩ đọc kết quả. 

Không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, với cán bộ, nhân viên y tế, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động KCB được họ ví như một cuộc “cách mạng công nghệ” giúp giảm tải thời gian lưu trữ, tìm kiếm hồ sơ, giấy tờ, tra cứu thông tin của người bệnh... từ đó có thêm thời gian thăm khám, điều trị cho người bệnh. 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những năm qua, Bệnh viện đã ứng dụng nhiều phần mềm như: HIS, LIS, PACS... để nâng cao chất lượng KCB, người bệnh đỡ phải chờ đợi. Những phần mềm này giảm thời gian chờ đợi lấy số, chờ kết quả của người bệnh. Nếu trước kia người bệnh muốn làm một số xét nghiệm, chụp X.quang... có thể mất thời gian cả ngày nhưng giờ chỉ mất buổi sáng hoặc nửa buổi sáng. Đối với bác sĩ sẽ thuận lợi trong việc trả kết quả trên máy tính. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi bệnh nhân đến khám sẽ có một mã, khi nhập mã có thể truy cập được lịch sử, tiền sử bệnh tật của người bệnh để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất chú trọng tới việc ứng dụng CNTT nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt phiền hà về thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho công tác quản lý bệnh viện cũng như hoạt động của cán bộ, nhân viên y tế. Bác sĩ Lại Đức Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Ứng dụng CNTT là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, gần như các thông tin của bệnh nhân khi đến KCB tại Bệnh viện đều được thực hiện trên các ứng dụng CNTT. Vì vậy, sau khi cho y lệnh, thực hiện các chiếu chụp, xét nghiệm, các bác sĩ có thể đọc ngay được kết quả trên máy tính, từ đó có chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, phù hợp. Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể nắm được tiền sử bệnh tật của người bệnh từ những lần thăm khám trước. Ứng dụng CNTT còn nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực, giúp các bác sĩ trẻ có thêm kiến thức từ các chương trình đào tạo, hội chẩn từ xa. Hiện nay, nhiều bệnh viện đang trong giai đoạn tự chủ, nếu như thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT sẽ giúp cho quản trị, quản lý tài chính tốt hơn, tránh sai sót, tạo sự minh bạch, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Hiện Bệnh viện đã thực hiện được khoảng 85% thủ tục không giấy tờ, chỉ còn một vài thủ tục liên quan tới người bệnh chưa thực hiện được. 

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, Bệnh viện đã sớm triển khai ứng dụng CNTT vào quản lý bệnh viện. 

Ông Trần Văn Khương, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Hiện Bệnh viện đã triển khai các phần mềm như phần mềm quản lý bệnh viện HIS, liên thông xét nghiệm LIS, quản lý dược, quản lý vật tư y tế, quản lý tài chính; đồng thời tham gia các chương trình hội chẩn trực tuyến, KCB từ xa, KCB không dùng thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt... Việc ứng dụng CNTT tại Bệnh viện đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thực hiện tốt hơn công tác KCB cho người dân.

Vẫn còn khó khăn trên hành trình số hóa 

Theo thống kê của Sở Y tế, các bệnh viện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; 100% bệnh viện có phòng hoặc tổ CNTT; 52 máy chủ, gần 2.860 máy tính, hơn 2.280 máy in, 130 đường truyền kết nối internet; 32/32 bệnh viện dùng phần mềm HIS, 10/32 bệnh viện triển khai phần mềm RIS, PACS; 25/32 bệnh viện triển khai LIS; 100% bệnh viện triển khai phần mềm kế toán, xếp hàng gọi bệnh nhân... Các bệnh viện cũng đẩy mạnh ứng dụng hệ thống TeleHealth hội chẩn, tư vấn, hỗ trợ KCB từ xa. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh, các cơ sở KCB còn gặp một số khó khăn do đa phần hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ sở KCB mới ở mức tối thiểu, chưa đồng bộ, chưa hiện đại, mạng nội bộ, đường truyền của nhiều đơn vị chưa đạt chuẩn; trang thiết bị CNTT còn thiếu; phần mềm, cơ sở dữ liệu, định dạng dữ liệu chưa hoàn toàn đồng nhất giữa các đơn vị; thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT... 

Bác sĩ Lại Đức Trí cho biết thêm: Để triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT, Bệnh viện đã đầu tư nhiều đợt cho cơ sở hạ tầng, dành nguồn kinh phí lớn mua sắm hệ thống máy chủ, máy trạm, các loại máy in, đường truyền mạng, các phần mềm... Song khi triển khai, khó khăn Bệnh viện gặp phải là các phần mềm đi mua nên phụ thuộc vào doanh nghiệp, trong khi đó các chính sách, biểu mẫu mua sắm thay đổi liên tục, nếu năng lực nhà thầu không tốt, việc đấu thầu không tốt sẽ bị chậm, việc thanh quyết toán bảo hiểm y tế sẽ khó khăn... Trang thiết bị CNTT cũng thay đổi liên tục, nếu không cập nhật kịp thời sẽ bị chậm, lỗi thời và lạc hậu. Hiện nay, quy định giá viện phí chưa bao gồm chi phí liên quan đến CNTT do đó nguồn kinh phí để tái đầu tư cho CNTT cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, mỗi bệnh viện mua một phần mềm khác nhau giống như “trăm hoa đua nở”, “mạnh ai người ấy làm” nên chưa liên thông được giữa các bệnh viện. Nếu bệnh nhân đến khám thì lại phải khám, xét nghiệm... lại từ đầu vì không biết ở các đơn vị y tế khác bệnh nhân đã khám, điều trị gì. 

Bác sĩ Trần Văn Khương chia sẻ thêm: Thông tin trong hồ sơ bệnh án của người bệnh yêu cầu dung lượng lưu trữ lớn, nhất là lưu trữ thông tin chẩn đoán hình ảnh, thời gian lưu trữ dài, trong khi đó hạ tầng CNTT của đơn vị có hạn, chưa bảo đảm được. Bên cạnh đó, thông tin sức khỏe của người bệnh cần bảo mật song cũng có thể gặp rủi ro rò rỉ vì tấn công mạng. Hoạt động KCB từ xa yêu cầu có đường truyền cao cũng là thách thức đối với cơ sở hạ tầng công nghệ của đơn vị. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng với sự quyết tâm, đoàn kết, chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số theo tiến độ đề ra. 

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng lấy số khám bệnh cho bệnh nhân.

Hướng tới bệnh viện thông minh 

Trong Kế hoạch số 41/ KH-SYT, ngày 20/2/2024 về việc chuyển đổi số ngành y tế Thái Bình năm 2024, nhiều mục tiêu về chuyển đổi số đã được đặt ra, trong đó đối với các hoạt động KCB là 100% các bệnh viện hạng I triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt theo quy định. Các cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện (hạng II) chủ động nâng cấp, bổ sung những tiêu chí cần thiết theo quy định của Bộ Y tế để tiến đến triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, phấn đấu đến hết năm 2024 có ít nhất 3 đơn vị KCB triển khai hồ sơ bệnh án điện tử... Dù vẫn còn nhiều khó khăn song các đơn vị y tế đã đưa ra giải pháp, nỗ lực thực hiện những mục tiêu trên. 

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang chuẩn bị các điều kiện mua thêm phần mềm mới. Với sự quyết tâm, quyết liệt, Bệnh viện đang hướng tới hành trình bệnh viện không giấy tờ. Còn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, Bệnh viện đã tiến hành khảo sát thực trạng, xây dựng phương án đầu tư, bổ sung cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, chuẩn bị kinh phí để thực hiện bệnh án điện tử theo Đề án 06 và chỉ đạo của ngành y tế. 

Cùng với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặt trọng tâm vào chuyển đổi số, góp phần xây dựng hệ thống y tế tỉnh hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư, nâng cấp nhiều trang thiết bị CNTT, trong đó có hệ thống máy chủ hiện đại.

Hoàng Lanh