Thứ 5, 10/10/2024, 11:16[GMT+7]

Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển toàn xã hội

Thứ 5, 10/10/2024 | 08:29:49
274 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác CĐS của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhân ngày CĐS quốc gia 10/10, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về kết quả công tác CĐS của tỉnh thời gian qua.

Doanh nghiệp viễn thông Thái Bình chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số.

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai CĐS được tỉnh ta thực hiện như thế nào? 

Ông Đỗ Như Lâm: Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, nhìn chung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ CĐS luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh và ban chỉ đạo CĐS các huyện, thành phố đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành và các đoàn thể tùy theo điều kiện thực tế cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của CĐS trong phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống được triển khai từ tỉnh tới cơ sở giúp cán bộ, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ mục tiêu CĐS nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao năng suất lao động... Việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong CĐS được các cấp, các ngành và các địa phương triển khai quyết liệt, triệt để với việc ban hành các nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn chi tiết, cụ thể để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. 

Cùng với các văn bản chỉ đạo, giai đoạn 2022 - 2024, việc ứng dụng, phát triển công nghệ số được tỉnh tăng cường đầu tư, trang bị từ các hệ thống thông tin nền tảng dùng chung cho đến thiết bị công nghệ thông tin; các ứng dụng công nghệ số, nền tảng xây dựng chính quyền điện tử được hình thành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ số bảo đảm số lượng, chất lượng để phục vụ cho công cuộc CĐS. Đến nay, 100% sở, ngành, các huyện, thành phố đã bố trí cán bộ làm nhiệm vụ chuyên trách hoặc phụ trách công nghệ thông tin. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin và bồi dưỡng kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức. 

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác CĐS trên địa bàn tỉnh sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU?

Ông Đỗ Như Lâm: Kết quả của CĐS được thể hiện rõ ở 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong phát triển chính quyền số, đến nay tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập, bao gồm các thiết bị di động đạt 100% (hoàn thành mục tiêu có 80% trở lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập, bao gồm các thiết bị di động); tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng ở cấp tỉnh đạt 100% (hoàn thành mục tiêu trên 90%), ở cấp huyện đạt 100% (hoàn thành mục tiêu trên 80%) và ở cấp xã đạt 60% (gần đạt mục tiêu trên 60%). 100% các chỉ tiêu báo cáo của tỉnh được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo và được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, CĐS của tỉnh được kết nối, chia sẻ; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công, khai báo một lần trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và suốt cuộc đời của người dân. 

Trong phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số do Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính đến hết năm 2024 đạt khoảng 9% GRDP của tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh ước đạt 40% (mục tiêu đến năm 2025 là 50% trở lên). Đặc biệt, sau hơn 2 năm vận hành, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút 16 dự án trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công suất đầu tư lớn. 

Công ty TNHH DragonTextiles 2, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Trong phát triển xã hội số, từng hộ gia đình đều tiếp cận được dịch vụ internet băng thông rộng: 100% khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng băng rộng (cố định và di động) và cung cấp nhiều gói dịch vụ điện thoại, truy cập internet tốc độ cao. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh ước đạt 80% (mục tiêu đến năm 2025 là 100%). Tỷ lệ người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt 78% (hoàn thành mục tiêu trên 50%). Các huyện, thành phố tiếp tục thiết lập, triển khai hoạt động hiệu quả các tổ công nghệ số cộng đồng (260/260 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 1.449/1.797 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn) với 12.405 thành viên có nhiệm vụ hướng dẫn người dân các kỹ năng số cơ bản, thiết yếu: sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng... 

Phóng viên: Để hoàn thành mục tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU, thời gian tới cần có giải pháp cụ thể gì, thưa ông?  

Ông Đỗ Như Lâm: Nghị quyết số 02-NQ/TU đề ra mục tiêu cơ bản phát triển chính quyền số đến năm 2025 có 80%, năm 2030 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên các phương tiện. Năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP, đến năm 2030 tăng lên 30%; năm 2025, 50% doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, năm 2030 tăng lên 100%. Năm 2025 có 50% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử, năm 2030 tăng lên 80%...

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, về nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền số tập trung phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, vận hành dựa trên dữ liệu số và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời, ban hành chính sách tối ưu, sử dụng nguồn lực hiệu quả, cung cấp kịp thời và chủ động các chính sách, quy định, thông tin chỉ đạo, điều hành của thành phố cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy có hiệu quả hoạt động cổng dịch vụ công trực tuyến, đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4; cung cấp nhiều dịch vụ thông minh, tiện ích của chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp... 

Đối với phát triển kinh tế số, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý trong các ngành: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tài chính ngân hàng. Các doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng triệt để công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, quy trình sản xuất, hạ giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp công nghệ số, kêu gọi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ số, thiết bị số, nội dung số đầu tư vào tỉnh. Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, hỗ trợ rộng rãi ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng cũng như tăng cường hoạt động sàn thương mại điện tử của tỉnh. 

Công an huyện Quỳnh Phụ triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. 

Trong phát triển xã hội số, tiếp tục triển khai các ứng dụng để cung cấp các sản phẩm số, dịch vụ số, dịch vụ thông minh cho người dân được triển khai trên thiết bị di động như: trả lời tự động giải đáp cho công dân; hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; học trực tuyến... Xây dựng kế hoạch truyền thông, phổ cập kỹ năng số cho toàn dân. Triển khai ứng dụng số trên nền tảng di động để tiếp nhận và xử lý các phản ánh, yêu cầu hỗ trợ người dân trong các sự kiện, tình huống khẩn cấp. Tăng cường triển khai trên không gian mạng về các sản phẩm văn hóa, lịch sử đặc trưng, xây dựng hình ảnh, văn hóa con người Thái Bình trong thời kỳ hội nhập, đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng văn hóa số trong cộng đồng. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường

 (thực hiện)