Thứ 6, 18/10/2024, 12:20[GMT+7]

Dân vận khéo gắn với lợi ích thiết thực của hội viên, phụ nữ

Thứ 6, 18/10/2024 | 09:32:57
241 lượt xem
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình dân vận khéo sáng tạo, phù hợp đặc thù, lợi thế địa bàn, gắn với lợi ích của phụ nữ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tham gia có hiệu quả vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Phụ nữ xã Hợp Tiến (Đông Hưng) góp gạo giúp phụ nữ nghèo.

“Thương hiệu” từ những mô hình

Hơn 5 năm qua, hơn 400 cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Hợp Tiến (Đông Hưng) đã tham gia mô hình “Hũ gạo tình thương”, góp 1.440kg gạo tặng hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 

Bà Nguyễn Thị Mão, thôn Tân Tiến là một trong những phụ nữ được Hội LHPN xã hỗ trợ gạo hàng tháng. Bà cho biết: Tuổi cao, sống một mình, gia đình con gái cũng không khá giả gì, tháng nào các cô ở Hội LHPN xã cũng mang gạo đến tặng. Đối với người nghèo, món quà nào cũng quý, cũng đáng trân trọng. Tôi rất vui vì được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người.

Cùng với “Hũ gạo tình thương”, Hội LHPN xã Hợp Tiến còn thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống. Với 20 thành viên ban đầu, sau 4 tháng đã có thêm 30 thành viên tham gia. Họ không ngừng học hỏi, tập sáng tác thêm lời mới thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và phản ánh những thay đổi trong đời sống. 

Bà Bùi Thị Sâm, thành viên Câu lạc bộ cho biết: Tuy công việc bận mải nhưng chị em đều sắp xếp thời gian tập luyện vào buổi tối hàng ngày. Hoạt động trên tinh thần tự nguyện, thành viên luôn nhiệt tình đóng góp công sức, tài chính cùng với nguồn xã hội hóa để duy trì hoạt động với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. 

Bà Đào Thị Bích, Chủ tịch Hội LHPN xã Hợp Tiến cho biết: “Hũ gạo tình thương” và Câu lạc bộ Phụ nữ gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống là 2 mô hình dân vận khéo của Hội LHPN xã Hợp Tiến. Các mô hình đã thu hút, tập hợp chị em, phụ nữ tạo sự đoàn kết, gắn bó, góp phần thúc đẩy phong trào của Hội.

Đến tháng 10/2024, toàn tỉnh đã thu được 2,323 tỷ đồng từ mô hình “Biến rác thải thành tiền”, trong đó huyện hội Kiến Xương dẫn đầu với số tiền hơn 850 triệu đồng. Nếu làm một phép toán đơn giản, với giá phế liệu trung bình là 5.000 đồng/ kg, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã góp phần thu gom, tái chế được hơn 464 tấn phế liệu. Số tiền thu được từ mô hình để tặng quà cho chính phụ nữ, trẻ em khó khăn, mồ côi và để thực hiện các công việc khác của hội. 

Bà Đinh Thị Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kiến Xương cho biết: Mô hình “Biến rác thải thành tiền” đã nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trong việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để mô hình được bền vững, Hội hướng dẫn cơ sở thu gom phế liệu hàng tháng, hàng quý. Từ số tiền thu được, chị em ở cơ sở công khai thu, chi và bình xét tặng quà các đối tượng phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thấm sâu và lan tỏa

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các mô hình “Dân vận khéo” của hội LHPN các cấp được xây dựng toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để phong trào thi đua đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thực chất, điều tiên quyết là các cấp hội cần xác định nội dung phù hợp với nhu cầu thiết thân, thiết thực của phụ nữ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Đối với mỗi mô hình, điển hình sẽ có những nội dung, yêu cầu và phương pháp cụ thể riêng, khác nhau, song về cơ bản cần xác định rõ mục tiêu cụ thể; kiên trì thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo thành thói quen, tạo dư luận để thúc đẩy cùng làm. Phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, của phụ nữ, làm cho họ tự nhận thức và thấy cần thay đổi. Đặc biệt, phải phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ hội, chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào; phải tôn trọng, lắng nghe và thực sự thấu hiểu để cùng đồng hành với hội viên, phụ nữ trong triển khai thực hiện phong trào.

Bà Trần Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Hòa (Kiến Xương) cho biết: Hội LHPN xã đang tập trung thực hiện các mô hình: biến rác thải thành tiền, tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế, hũ gạo tình thương... Nhiều chị tham gia cùng lúc nhiều mô hình. Bởi các chị nhận thấy tính thiết thực, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của chị em. 

Bà Nguyễn Thị Len, tổ 2, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Chồng tôi đã mất, tôi là công nhân, thường xuyên đau ốm, lại phải đi thuê nhà nên kinh tế rất khó khăn. Hội LHPN phường đã nhận đỡ đầu con tôi với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Tôi thấy mô hình dân vận khéo trong chăm sóc, giúp đỡ trẻ mồ côi rất ý nghĩa, giúp cho con tôi cũng như nhiều trẻ em thiếu may mắn khác có thêm điều kiện học tập, bảo đảm cuộc sống.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 290 mô hình “Chi hội phụ nữ xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, mô hình “Gia đình có ngôi nhà an toàn”, mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp”... Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; góc tư vấn gia đình; chi hội phụ nữ an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình... 100% cơ sở duy trì ít nhất 1 loại hình vận động phụ nữ tập luyện để nâng cao sức khỏe với 2.179 câu lạc bộ thể dục thể thao; 155 câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật hát chèo truyền thống. Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, toàn tỉnh có 801 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu; tổng số tiền đã trao hỗ trợ các em là hơn 4 tỷ đồng và hơn 14,3 tấn gạo. Bên cạnh đó, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia sản xuất sạch; vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời hỗ trợ thành lập 14 hợp tác xã, 66 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý; vận động, hỗ trợ phụ nữ sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ giúp hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, cận nghèo.

Đến nay, 100% cơ sở hội thực hiện mô hình.

Xuân Phương