Thứ 2, 02/12/2024, 17:21[GMT+7]

Nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thứ 6, 22/11/2024 | 23:02:17
3,655 lượt xem
Thời gian qua, trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng thực tế vẫn còn nhiều gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát không bảo đảm an toàn. Với quyết tâm cao, tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề nhà ở, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tỉnh Thái Bình có 2.106 hộ nghèo và cận nghèo cần được xây mới hoặc sửa chữa về nhà ở

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, Thái Bình hiện còn 11.925 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,82% và 12.587 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,92%. Trong số này, rất nhiều gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở, nhất là các hộ ở khu vực nông thôn bởi đa số kết cấu của ngôi nhà làm bằng vật liệu thô sơ, diện tích nhỏ, thường xuyên bị thấm dột, xuống cấp nghiêm trọng và không bảo đảm chất lượng sử dụng. Trong khi tỉnh ta thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu..., nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó có khả năng chống chịu, gây mất an toàn về tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, việc quan tâm hỗ trợ xây mới và sửa chữa những ngôi nhà tạm, nhà dột nát là việc làm rất cấp thiết và ý nghĩa nhằm giúp người dân có nơi ở an toàn, yên tâm ổn định cuộc sống. 

Ngày 31/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1327-QĐ/ TU, ngày 4/11/2024 thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ngày 6/11/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1850/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025. Đây là những văn bản rất quan trọng, kịp thời, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhằm góp phần thực hiện chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về công tác an sinh xã hội và thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tỉnh sẽ huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, với phương châm hành động quyết liệt, phấn đấu đến tháng 9/2025 sẽ hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thái Bình sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cách làm linh hoạt để huy động hiệu quả các nguồn lực theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp huy động, hỗ trợ theo hướng đa dạng hóa, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế trên tinh thần “Ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”, bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. 

Ông Trần Hữu Thông, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Qua số liệu báo cáo từ các huyện, thành phố, tỉnh ta có 2.106 hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (1.164 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được xây mới nhà ở, 942 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được hỗ trợ sửa chữa nhà ở). Đề án UBND tỉnh mới ban hành yêu cầu nhà ở sau khi được xây mới hoặc sửa chữa phải bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30m2; đối với hộ độc thân, người cao tuổi không nơi nương tựa có thể xây dựng nhà ở có diện tích nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2; bảo đảm “3 cứng” là nền móng cứng, khung tường cứng, mái cứng và tuổi thọ nhà từ 20 năm trở lên. Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn ở địa phương nhưng phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thời gian sử dụng. Tỉnh dự kiến hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ xây dựng nhà mới, 50 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà với tổng kinh phí dự kiến 163,5 tỷ đồng. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: UBND tỉnh sẽ tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong những ngày tới đây. Dự kiến đến tháng 9/2025 sẽ hoàn thành 100% việc xây mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ đủ điều kiện. Chúng tôi mong rằng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội và nhất là sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ đạt được kết quả như kế hoạch đề ra. Qua đó giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vơi bớt phần nào khó khăn, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Đỗ Hồng Anh