Thứ 5, 05/12/2024, 02:34[GMT+7]

Thái Giang - hiệu quả giảm nghèo bền vững

Thứ 2, 02/12/2024 | 09:15:36
1,597 lượt xem
Thái Giang là xã xa trung tâm huyện Thái Thụy, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn. Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã lên tới gần 3%. Với quyết tâm cao trong công tác giảm nghèo bền vững, địa phương đã có những hoạch định và giải pháp cụ thể trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Do vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn 1,06%.

Công ty TNHH An Thái (thành phố Thái Bình) tài trợ 60 triệu đồng cho gia đình bà Hoàng Thị Liên, thôn Đoài, xã Thái Giang xây dựng nhà tình thương.

Một buổi sáng tháng 11, cùng đồng chí Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Thái Giang, chúng tôi đến thăm một số gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã trước đây nay đã thoát nghèo. Trong căn nhà tình thương khang trang vừa được khánh thành hồi tháng 8/2024, bà Hoàng Thị Liên, thôn Đoài đang tranh thủ làm thêm nghề thủ công mà bà mới nhận từ Hội LHPN xã về làm để tăng thu nhập, bà Liên không giấu nổi niềm phấn khởi xen lẫn xúc động chia sẻ: Gia đình tôi là hộ nghèo hơn chục năm nay rồi. Vừa rồi được Hội Chữ thập đỏ xã và các cấp, các ngành, anh em họ hàng giúp đỡ, tôi xây được căn nhà tình thương. Ngoài ra, hàng tháng tôi cũng nhận được thêm kinh phí hỗ trợ bảo trợ thoát nghèo. Bản thân tôi nhận thấy mình cũng cần phải cố gắng lao động thêm để cải thiện đời sống.

Còn cụ Phạm Thị Miền cùng ở thôn Đoài, trước đây không chỉ thuộc diện hộ nghèo mà còn là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Tuổi cao sức yếu, sống một mình trong căn nhà dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều lần cụ Miền còn bị ngã, chấn thương. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, nhất là Hội CTĐ trong việc kết nối, huy động nguồn tài trợ, đến nay cụ Miền không những được tu sửa nhà ở chắc chắn mà còn được tiếp nhận nguồn bảo trợ thoát nghèo hàng tháng. Sự quan tâm của các cấp, các ngành, bà con xóm làng, bữa cơm đạm bạc của cụ giờ đã được cải thiện hơn. Đây chính là niềm vui, niềm hy vọng giúp cụ Miền có thêm động lực sống mỗi ngày. 

Cụ Miền chia sẻ: Tôi rất phấn khởi và cảm ơn sự quan tâm của các cấp, các ngành, bà con lối xóm đã giúp đỡ, hỗ trợ tôi trong lúc khó khăn hoạn nạn. Và phấn khởi nhất là bây giờ tôi đã có chỗ ở chắc chắn, không phải lo mưa bị dột nữa.

Bà Hoàng Thị Liên, cụ Phạm Thị Miền là hai trong số rất nhiều hộ nghèo của xã Thái Giang nhiều năm trước từng thuộc diện hộ nghèo và xác định là rất khó có thể thoát nghèo. Nay được “xóa” khỏi danh sách hộ nghèo, ai nấy đều chung tâm trạng phấn khởi, xúc động. Để có được kết quả này, không chỉ là sự nỗ lực quyết tâm vươn lên của mỗi cá nhân, mà bên cạnh đó là sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương. 

Ông Hoàng Đăng Cát, Chủ tịch Hội CTĐ xã Thái Giang cho biết: Để giúp các hộ giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần, Hội chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền xã xây dựng chương trình, giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Trong đó, phong trào dân vận bảo trợ thoát nghèo của Hội CTĐ xã Thái Giang đang bảo trợ cho 13 hộ rất hiệu quả. Từ mô hình này và căn cứ định hướng của cấp ủy, chính quyền, hiện nay chúng tôi chuyển sang dân vận để xóa nhà dột nát. Đến thời điểm này, Hội đã làm cấu nối, huy động các nguồn lực để xây mới và sửa chữa 8 nhà tình thương, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 665 triệu đồng. Cùng với xóa nhà dột nát, Hội CTĐ xã Thái Giang còn làm chương trình bảo trợ định kỳ hàng tháng cho các hộ nghèo thông qua cầu nối Hội CTĐ huyện và Hội CTĐ xã huy động các nhà tài trợ giúp đỡ.

Trên lộ trình thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, xã Thái Giang cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đến được với người dân kịp thời, đầy đủ, đồng thời khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để sớm thoát nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã tranh thủ các nguồn lực, phát huy nội lực tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, các chương trình văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, dân số, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... Tổng nguồn vốn huy động cho hộ nghèo vay đến nay là hơn 8 tỷ đồng, việc quản lý và sử dụng vốn đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Lê Lan
(Đài TTTH Thái Thụy)