Thứ 7, 25/01/2025, 17:52[GMT+7]

Quan tâm, chăm lo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Thứ 3, 10/12/2024 | 08:41:21
2,917 lượt xem
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay của toàn xã hội. Qua đó giúp các em phát triển về thể chất lẫn tinh thần, tiếp thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS Thái Bình vui chơi thể thao.

Hiện toàn tỉnh có 441.183 trẻ em, chiếm khoảng 22,69% dân số; trong đó, 5.478 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 15.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm lo bằng nhiều hoạt động thiết thực như cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các hình thức khác. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Sở đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố, đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp can thiệp sớm nhằm xác định, loại bỏ nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường các biện pháp phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích, lạm dụng lao động trẻ em. Đặc biệt, chúng tôi tập trung triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em ở các cấp độ đó là phòng ngừa, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích, đuối nước được phát hiện kịp thời và trợ giúp bằng nhiều hình thức bảo đảm quyền trẻ em; báo cáo, phản ánh kịp thời về tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn và duy trì thực hiện việc thu thập thông tin, cập nhật cơ sở dữ liệu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu trẻ em. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở trợ giúp xã hội công lập chăm sóc trẻ em là Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội và Làng trẻ em SOS Thái Bình, nhiều trẻ được hưởng trợ cấp xã hội và chăm sóc bằng các hình thức khác nhau tại cộng đồng. 

Bà Hoàng Thị Len, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Các trường hợp trẻ em bị xâm hại được phát hiện được trợ giúp pháp lý kịp thời, một số trường hợp khác hỗ trợ bằng nhiều hình thức như tư vấn, trị liệu tâm lý, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác. Việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được các địa phương triển khai thực hiện và đạt kế hoạch đề ra. Đến nay, 73,85% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. 

Trong những năm qua, tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật không xảy ra tại các cơ sở sản xuất hay xí nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một bộ phận nhỏ trẻ em phải lao động cùng với cha mẹ như một hình thức giúp đỡ gia đình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động của trẻ em là do điều kiện kinh tế khó khăn và nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của việc cho trẻ lao động sớm của các bậc cha mẹ. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách liên quan tới lao động trẻ em, nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền trẻ em nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức. 

Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em nói chung, thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh huy động nguồn lực xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em, tạo nguồn kinh phí tổ chức thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình trẻ em để có biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ kịp thời, không để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 

Đỗ Hồng Anh