Thứ 5, 16/01/2025, 11:46[GMT+7]

Thanh niên thi đua làm giàu

Thứ 2, 30/12/2024 | 09:50:42
3,061 lượt xem
Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế ngay tại quê hương. Bằng những cách làm mới mẻ, nhiều bạn trẻ đã vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Không gian quán cà phê của anh Đào Xuân Việt, xã Nam Trung (Tiền Hải) thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm.

Thanh niên Công giáo làm kinh tế giỏi 

Trên diện tích đất rộng 800m2 , anh Đào Xuân Việt, thanh niên Công giáo ở xã Nam Trung (Tiền Hải) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng quán cà phê với kỳ vọng tạo ra một không gian thưởng thức cà phê độc đáo cho khách hàng. Từng theo học ngành thiết kế nên không khó để anh Việt tạo nên điểm nhấn cho quán. 

“Từ việc lên ý tưởng, vẽ bản thiết kế của quán đều do tôi tự tay làm để mang đến cho mọi người không gian trải nghiệm khác biệt. Đến đây mọi người vừa được thưởng thức đồ uống chất lượng vừa có không gian chụp ảnh miễn phí” - anh Việt chia sẻ. 

Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng quán cà phê độc đáo của anh Việt đã thu hút đông đảo các bạn trẻ đến trải nghiệm. Chị Hoàng Thị Thủy, xã Nam Tiến (Tiền Hải) chia sẻ: Mình rất thích phong cách thiết kế của quán với nhiều góc check-in đẹp. Thực đơn cũng rất đa dạng với nhiều đồ uống mới, giá cả bình dân. Khi đến quán tạo cho mình cảm giác rất thoải mái. 

Trước đó, năm 2022, anh Việt đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng mô hình vườn sinh thái rộng gần 3.000m2 . Khu vườn mang đến không gian ngập tràn sắc hoa trở thành địa điểm tham quan, chụp ảnh cho du khách, đồng thời góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho địa phương. Phía sau vườn hoa thiết kế không gian cho những khách có nhu cầu nghỉ ngơi ăn uống và dã ngoại. 

Anh Việt chia sẻ thêm: Với việc duy trì 2 mô hình, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Đối với quán cà phê, trong thời gian đầu khai trương, chúng tôi đón lượng khách khá đông và cho thu nhập khoảng 18 triệu đồng/ngày từ kinh doanh đồ uống. 

Chị Trần Thị Son, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nam Trung cho biết: Anh Đào Xuân Việt là thanh niên Công giáo tiêu biểu của địa phương. Anh Việt đang tạo việc làm thường xuyên cho 9 bạn trẻ trong xã với mức thu nhập khá cao. Bên cạnh đó, anh còn hăng hái tham gia tham gia hoạt động, phong trào thi đua do các cấp bộ đoàn phát động. 

Xưởng sản xuất xe tập đi bằng gỗ của anh Quản Đức Quân (người bên phải), xã Phúc Thành (Vũ Thư) cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông chủ xưởng đồ chơi trẻ em 

Rời phố về quê, anh Quản Đức Quân, thôn Đồng Đức, xã Phúc Thành (Vũ Thư) quyết định lập nghiệp với nghề sản xuất đồ chơi trẻ em. Với 5 năm kinh nghiệm làm việc cho công ty sản xuất đồ chơi, năm 2014, anh Quân mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và mua máy móc, nguyên vật liệu. 

“Thời gian đầu, tôi sản xuất nhiều mã sản phẩm khác nhau nhưng do chưa có kinh nghiệm kinh doanh nên sản phẩm làm ra không phù hợp với xu hướng thị trường, hàng tồn nhiều khiến tôi thiệt hại hàng chục triệu đồng” - anh Quân chia sẻ. 

Vượt lên những khó khăn trong thời gian đầu lập nghiệp, anh Quân chú trọng cải tiến quy trình sản xuất, lựa chọn nguồn nguyên liệu phù hợp. Thay vì sản xuất nhiều mặt hàng, anh tập trung sản xuất sản phẩm xe tập đi bằng gỗ cho trẻ em. Năm 2021, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy CNC để tăng năng suất và giảm chi phí nhân công. Với việc đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, chỉ cần 4 - 5 lao động làm việc tại xưởng cũng có thể bảo đảm tiến độ thực hiện đơn hàng. 

Ông Nguyễn Văn Phê, xã Tân Hòa (Vũ Thư) chia sẻ: Trước đây tôi cũng từng làm nghề mộc. Nhờ được anh Quân tạo điều kiện vào làm việc tại xưởng nên tôi có cơ hội phát huy tay nghề. Đến nay, tôi đã đồng hành cùng anh Quân được 4 năm với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Công việc không quá vất vả nhờ có máy móc hỗ trợ. 

Anh Quân cho biết: Sản phẩm đồ chơi cho trẻ em yêu cầu rất khắt khe về nguyên liệu, kỹ thuật. Vì vậy tôi sử dụng gỗ thông sấy khô, nhập từ miền Nam để làm nguyên liệu chính. Những loại sơn dùng cho sản phẩm cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn cho trẻ em, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tôi cũng tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, kinh doanh. Hiện tại sản phẩm của tôi đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ đó mỗi năm tôi tiêu thụ được khoảng 15.000 sản phẩm, cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng. 

Mô hình nuôi dê lấy sữa của anh Đào Nhân Nghĩa, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Triệu phú nuôi dê 

Gặp gỡ và trò chuyện với anh Đào Nhân Nghĩa, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), chúng tôi ấn tượng bởi sự năng động, nhiệt huyết của anh: “Từ khi còn là sinh viên, tôi đã ấp ủ ước mơ làm nông nghiệp ngay tại quê hương. Sau khi dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về nuôi dê lấy sữa, tôi nhận thấy tiềm năng lớn từ nghề này. Sau vài năm nuôi thử nghiệm thành công, năm 2017, tôi mạnh dạn vay mượn để đầu tư xây dựng mô hình. Trong 3 - 4 năm đầu, việc nuôi dê chưa phổ biến nên quá trình tìm mua, chọn lọc giống rất khó. Đàn dê chết nhiều do không thể kiểm soát được sức khỏe và chưa biết cách điều trị các loại bệnh của dê. Để nuôi dê từ khi còn nhỏ đến khi thu hoạch sữa rất kỳ công. Sau 1 năm nuôi, dê sẽ có trọng lượng từ 35 - 40kg và được phối giống. Sau 5 tháng, dê đẻ con. Trong khoảng thời gian 7 - 8 tháng, tôi sẽ tiến hành thu hoạch sữa liên tục. Trung bình một ngày, tôi thu được 130 - 140 lít sữa”. 

Anh Nghĩa còn đầu tư hệ thống máy móc chế biến các sản phẩm từ sữa dê như sữa tươi thanh trùng, sữa chua dê. Bằng sự nỗ lực không ngừng, các sản phẩm đã được Sở Công Thương, Sở Y tế kiểm định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đưa vào kinh doanh. 

“Mỗi năm tôi đầu tư mua thêm máy phục vụ sản xuất như máy vắt sữa dê, máy ủ cỏ, máy trộn cỏ, máy làm kem. Tổng chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng. Từ việc kinh doanh các sản phẩm làm từ sữa dê, mỗi năm tôi có thu nhập khoảng 500 - 700 triệu đồng” - anh Nghĩa chia sẻ. 

Anh Lê Anh Tâm, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Diêm Điền đánh giá: Mô hình nuôi dê lấy sữa của anh Nghĩa đang duy trì phát triển tốt, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên thị trấn mạnh dạn khởi nghiệp tại quê hương. Anh Nghĩa cũng thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Từ đó, các mô hình kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ trên địa bàn thị trấn xuất hiện ngày càng nhiều.

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn đánh giá: Thanh niên Thái Bình ngày càng chứng minh trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng với nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Để góp phần giúp thanh niên vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ đoàn đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi; hướng dẫn thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay khởi nghiệp. Trong năm, các cấp bộ đoàn hỗ trợ 5 mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn với tổng số vốn vay 1 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức về khởi nghiệp cho thanh niên. Toàn tỉnh đã tổ chức 47 diễn đàn tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho hơn 43.680 lượt đoàn viên, thanh niên; giới thiệu và tạo việc làm mới cho 6.890 đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đoàn rà soát những mô hình kinh tế hiệu quả, tiềm năng của thanh niên để hỗ trợ tiếp cận các nền tảng số, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử. Qua đó tạo động lực thúc đẩy phong trào “Thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” ngày càng phát triển, góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thu Thủy