Chủ nhật, 02/02/2025, 02:34[GMT+7]

Dấu ấn công tác lao động, người có công và xã hội

Thứ 4, 29/01/2025 | 07:57:29
1,612 lượt xem
Năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nỗ lực, quyết tâm triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn ông Phí Ngọc Thành, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phí Ngọc Thành trao quà cho người có công nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024?

Ông Phí Ngọc Thành: Năm 2024 là năm tỉnh Thái Bình bứt phá để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trước yêu cầu đặt ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong công tác lao động, việc làm và an toàn vệ sinh lao động, toàn ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập. Phối hợp tổ chức 2 hội nghị kết nối, hợp tác đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động và giới thiệu một số trường cao đẳng chất lượng cao để kết nối đào tạo cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế của tỉnh. Thông qua kết nối, đã có 45 doanh nghiệp đăng ký hợp tác, trong đó 6 doanh nghiệp đã ký hợp đồng nguyên tắc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội để hợp tác đào tạo các ngành nghề điện - điện tử, công nghệ thông tin và tự động hóa, cơ khí, công nghệ ô tô... Hết năm 2024, số lao động có việc làm tăng thêm khoảng 34.800 lao động; trong đó việc làm tại địa phương là 24.890 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài là 6.410 lao động và đi làm việc ở nước ngoài 3.500 lao động.

Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng tiếp tục được triển khai hiệu quả. Trong năm, Sở đã tiếp nhận hơn 16.000 lượt hồ sơ về các chính sách giải quyết chế độ đối với thân nhân người có công, mai táng phí và các chế độ khác đối với người có công; các hồ sơ được giải quyết kịp thời, đúng hạn. Hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) được triển khai chu đáo. Phối hợp với các đơn vị liên quan phát động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2024, huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người cao tuổi. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Nhìn chung, năm 2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh; kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác lao động, người có công và xã hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phóng viên: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm qua tỉnh ta đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Phí Ngọc Thành: Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Toàn tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo cho 29.131 học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 6.364,2 triệu đồng; thực hiện chính sách BHYT cho 12.568 người thuộc hộ nghèo và 18.890 người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ chính sách tiền điện cho 12.219 lượt hộ nghèo; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với 7.412 hộ.

Đối với các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay các địa phương đang triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ cho 102 hộ nghèo và cận nghèo. Thực hiện dự án 4 (phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình tiếp tục hoàn thành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu. Thực hiện tiểu dự án 3, thuộc dự án 4, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2022 - 2025. Tổ chức hội nghị triển khai về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 cho 70 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, cấp huyện; phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức truyền thông trực tiếp gần 2.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024 cho hơn 5.000 cán bộ làm công tác giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở.

Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng đang cư trú trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Sở đề ra giải pháp gì để hoàn thành nhiệm vụ, thưa ông?

Ông Phí Ngọc Thành: Chúng tôi sẽ tập trung tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp luật, các chính sách, cơ chế thực hiện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tham mưu, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch bảo đảm khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, của ngành. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, chuẩn hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công thuộc chức năng quản lý của ngành. Tăng cường chỉ đạo việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt với đối tượng hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong lĩnh vực người có công và xã hội.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện các chính sách lao động, người có công, công tác trợ giúp xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng, chống tệ nạn xã hội, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tăng cường phân tích, dự báo, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Duy Tùng