Thứ 6, 21/02/2025, 01:58[GMT+7]

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam (16/2/1995 - 16/2/2025) Ba thập kỷ vì sự nghiệp an sinh xã hội

Chủ nhật, 16/02/2025 | 19:58:33
3,910 lượt xem
30 năm xây dựng và phát triển, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đạt được những thành tựu đáng kể, khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995 - 16/2/2025), phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc BHXH tỉnh để hiểu rõ hơn về chặng đường phát triển và những kết quả nổi bật của ngành trong thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Viên chức ngành BHXH ra quân tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.

Phóng viên: Xin ông cho biết bối cảnh ra đời của ngành BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh Thái Bình?

Ông Phạm Quốc Thái: Chính sách BHXH của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. Trong từng giai đoạn lịch sử, chính sách BHXH được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền lợi cho người lao động và người dân. Trước yêu cầu đổi mới của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng một hệ thống BHXH hoàn chỉnh trở nên cần thiết. Ngày 15/4/1992, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII (Hiến pháp 1992). Cụ thể hóa các quy định tại Điều 56 Hiến pháp 1992, ngày 22/6/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/ CP quy định tạm thời chế độ BHXH, trong đó quy định cụ thể 5 chế độ BHXH. Nghị định số 43/CP là tiền đề quan trọng cho công cuộc cải cách hệ thống BHXH ở Việt Nam. Trên cơ sở Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/CP, ngày 26/1/1995 về việc ban hành Điều lệ BHXH và Nghị định số 19/CP, ngày 16/2/1995 thành lập BHXH Việt Nam.

Cùng với sự ra đời của hệ thống BHXH trong cả nước, BHXH tỉnh Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 03/QĐBHXH, ngày 15/6/1995 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam với chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH và quản lý quỹ BHXH trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 1/2003 đảm nhiệm thêm chức năng thực hiện chính sách BHYT và quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT theo quy định; năm 2008 thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và năm 2009 thực hiện chính sách BHTN. 

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay BHXH tỉnh Thái Bình có 8 phòng nghiệp vụ và 7 BHXH huyện. Tổng số công chức, viên chức, người lao động 294 người, trong đó làm việc tại cơ quan BHXH tỉnh 114 người, tại BHXH huyện 180 người. Đảng bộ BHXH tỉnh gồm 8 chi bộ với 103 đảng viên. 

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của BHXH tỉnh qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển? 

Ông Phạm Quốc Thái: Số lượng người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh lớn nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp không ít khó khăn, nhất là những ngày đầu mới thành lập. Song trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. BHXH tỉnh đã tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN; hàng năm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Xác định việc mở rộng và phát triển người tham gia BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường, đồng bộ các giải pháp trong công tác thu, phát triển người tham gia. Nếu như năm 1995, số người tham gia BHXH mới chỉ có 35.361 người thì đến năm 2024 đã tăng lên 306.199 người (tăng 270.838 người, gấp 8,66 lần). Số người tham gia BHYT tăng từ 302.739 người năm 2003 lên 1.718.237 người năm 2024; tỷ lệ bao phủ đạt 92,5% dân số của tỉnh. 

Về kết quả thu BHXH, BHYT, BHTN, nếu như năm 1995 tổng số thu mới đạt 7,69 tỷ đồng thì đến năm 2024 đã tăng lên 6.899 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch BHXH Việt Nam giao (tăng 6.891 tỷ đồng, gấp 896 lần so với năm 1995). 

BHXH tỉnh luôn coi trọng chất lượng công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người hưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; không ngừng cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số theo Đề án 06, đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT được triển khai theo quy trình giám định của BHXH Việt Nam. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT. 

Nhìn chung, BHXH tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu về thu BHXH, BHYT, BHTN và phát triển người tham gia. Số thu năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt kế hoạch được giao. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng nhanh qua các năm. Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định tới từng người tham gia. 

Phóng viên: Với những kết quả hết sức tự hào đó, BHXH tỉnh đặt ra những mục tiêu, giải pháp gì để tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được; đồng thời, phát huy tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình để khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay, thưa ông? 

Ông Phạm Quốc Thái: Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, tăng cường tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/ TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, trọng tâm, để người dân dễ dàng tiếp cận, tương tác, trao đổi thông tin về chính sách BHXH, BHYT.  

Bám sát chỉ tiêu, kế hoạch BHXH Việt Nam giao, đồng bộ các giải pháp trong công tác thu, giảm số tiền chậm đóng; khai thác, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Phát huy hơn nữa vai trò của ban chỉ đạo các cấp; bám sát các tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT, rà soát cơ sở dữ liệu, xác định các nhóm tiềm năng để vận động, phát triển bền vững người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh giao dịch hồ sơ trực tuyến bảo đảm thuận tiện, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 

Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục quán triệt, nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ đối với viên chức, người lao động trong các đơn vị trực thuộc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm quy trình, quy chế của ngành; phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giữa cấp trên với cấp dưới, đối soát chéo giữa các bộ phận, phần việc, nhất là các vị trí công việc nhạy cảm, có nguy cơ rủi ro; động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích, cách làm hay, hiệu quả. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Tùng

(thực hiện)