Thứ 7, 04/05/2024, 07:01[GMT+7]

Người cao tuổi Hưng Hà Tuổi cao vẫn không ngừng lao động sản xuất

Thứ 4, 30/10/2013 | 10:36:25
1,122 lượt xem
Huyện Hưng Hà hiện có gần 34.000 người cao tuổi (chiếm 13,5% dân số), trong đó hơn 31.000 người là hội viên của 35 hội người cao tuổi các xã, thị trấn (đạt tỷ lệ thu hút 94%). Mặc dù tuổi đã cao nhưng 12.266 hội viên vẫn trực tiếp tham gia lao động sản xuất, phát triển ngành nghề, mở mang kinh doanh làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, là gương sáng cho con cháu.

Bà Nguyễn Thị Văn (xã Thái Phương, Hưng Hà) dù đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn hằng ngày tham gia lao động cùng các con.

Ở xã Hồng An có một bãi đất ven sông Hồng mà rất nhiều thanh niên trai tráng đã mạnh dạn nhận đấu thầu để trồng ngô, khoai, sắn… nhưng đều không mang lại hiệu quả, chỉ một, hai vụ là bỏ cuộc. Nhưng khi ông Lê Gia Minh (82 tuổi, thôn Bắc Sơn) đưa cây chuối ra đó trồng thì hiệu quả lại rất cao. Cây chuối hợp đất bãi nên phát triển nhanh, xanh mướt dải đất ven sông, buồng nào cũng nhiều nải, quả to. Loại cây này không tốn nhiều công chăm sóc, nhanh cho thu hoạch, có thể bán được cả lá, hoa và quả, mỗi năm mang về cho gia đình ông Minh trên 50 triệu đồng.

Cũng ở Hồng An nhưng ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Quyết Tiến) lại chọn giống nhãn Hương Chi nổi tiếng của Hưng Yên đưa về trồng trên đất vườn nhà vì ông nghĩ đơn giản rằng Hưng Yên và Hưng Hà có chung nhau con sông Hồng màu mỡ, bên đó trồng được giống nhãn ngon thì bên này chắc chắn cũng trồng được. Lúc đầu ông chỉ trồng 15 gốc sau nhân rộng ra thành 30 gốc. Nhãn là cây lâu năm, phải mất 3 năm mới cho thu hoạch lứa đầu. Trong thời gian đó, ông Hùng đầu tư thả cá ở 2 ao với diện tích 500 m2, nuôi hàng chục lợn thịt và hàng trăm gà đẻ để lấy ngắn, nuôi dài. Bây giờ mỗi vụ nhãn ông Quyết thu được trên 40 triệu đồng.

Vẫn là trồng cây để làm giàu nhưng ông Trần Văn Bẩy (thôn Việt Yên, xã Ðiệp Nông) chuyên trồng rau giống cung ứng cho bà con trong và ngoài xã. Trên diện tích 400 m2 vườn của gia đình hơn chục năm qua ông chỉ chuyên canh cây su hào, cải bắp, súp lơ giống. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật chăm sóc, thị trường còn nhỏ hẹp nên chân lấm, tay bùn, quần quật suốt ngày ngoài vườn chăm sóc từng mầm rau non mà không thấy lãi. Buồn nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, ông Bẩy không nản lòng.

Không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, sách báo, ông còn tìm đến Tổng Công ty Giống trồng Trung ương, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình tìm hiểu các loại  hạt giống chất lượng cao mua về trồng tại vườn nhà. Ông bảo: Muốn trồng rau giống có hiệu quả phải chọn giống có chất lượng, tuyệt đối không dùng phân đơn mà phải dùng các loại phân bón tổng hợp để chăm sóc rau giống thì mới phòng tránh được sâu bệnh, ngoài ra còn phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho đất… Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đó nên vườn rau giống của ông Bẩy phát triển khá tốt, được bà con ưa chuộng, đem về cho gia đình ông mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Nhiều người dân Hưng Hà đến nay vẫn lấy trồng trọt và chăn nuôi làm hướng phát triển kinh tế gia đình. Vì thế phần đông người cao tuổi ở vùng đất địa linh nhân kiệt này làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Ðức Mẫn (82 tuổi, thôn Phương La, xã Thái Phương) cũng vậy. Năm 1985 được nghỉ hưu theo chế độ nhưng do hoàn cảnh khó khăn ông phải tìm cách tăng thu nhập cho gia đình. Lúc đó cây cảnh đang là thú chơi tao nhã mang lại lợi nhuận cao nên ông quyết định trồng cây cảnh.

Ông Trần Ðức Mẫn (thôn Phương La, xã Thái Phương) làm giàu từ trồng cây cảnh.

Ông tự quay chậu để trồng cây, tự cắt tỉa, uốn tạo thế cây. Hiện vườn nhà ông có trên 50 chậu cây cảnh và hàng trăm cây nhỏ đang ươm có giá trị cao, năm 2012 ông bán 4 chậu cây cảnh được hơn 2 tỷ đồng, ông tâm sự: “Từ thời còn công tác, tôi đã trồng một số cây cảnh trong vườn nhưng nhà chật, vợ con không tán thành. Ðến khi về hưu thấy tôi yêu cây quá, vả lại cây cảnh giúp không gian ngôi nhà thêm xanh, thoáng mà bán cũng được tiền (ông là người đầu tiên của thôn bán cây cảnh trị giá tiền tỷ), tuy nhiên điều quan trọng nhất Phương La là làng dệt rất bụi, đất chật, người đông, cần phải có thật nhiều cây xanh để bảo vệ môi trường sống nên gia đình ủng hộ cao. Bây giờ trong thôn hầu như nhà nào cũng có vài chậu cây cảnh”.

Mỗi người cao tuổi mỗi cách làm kinh tế nhưng mục đích chung của các cụ là muốn khẳng định “Tuổi cao chưa hẳn đã già”, tuổi càng cao thì càng phải nêu gương sáng cho con cháu noi theo, còn sức khỏe thì còn cống hiến, sống có ích cho gia đình và xã hội.

 

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày