Thứ 7, 04/05/2024, 06:34[GMT+7]

Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn bất cập

Thứ 2, 04/11/2013 | 08:33:35
1,017 lượt xem
Thái Bình hiện có khoảng 5.028 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, nạn nhân của chất độc da cam, nhiễm HIV); 16.591 trẻ bị tổn thương và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những trẻ em này thời gian qua đã được toàn xã hội quan tâm chăm sóc, bảo vệ cả về đời sống vật chất và tinh thần, được trợ giúp về y tế, giáo dục… Song khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với trẻ em bình thường tại nơi cư trú vẫn chưa được t

Đồng chí Cao Thị Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quà cho trẻ em điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Thái Bình nhân dịp Tết Trung thu.

Cả xã hội dành cho các em sự quan tâm chăm sóc đặc biệt
Trên cơ sở chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, Thái Bình đã cụ thể hóa để giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện, hòa nhập cộng đồng như hỗ trợ thêm tiền ăn cho các em sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, có chính sách phục hồi chức năng cho con đẻ của người bị nhiễm chất độc da cam.

Căn cứ kết quả điều tra, rà soát, Sở Lao động - TBXH đã ra quyết định cho 742 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật nặng, trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo tại cộng đồng hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra còn có gần 80 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (nay là Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội); khoảng 250 trẻ em khuyết tật về nghe, nói được chăm sóc, phục hồi chức năng, giáo dục chuyên biệt tại Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình. Cùng với đó, hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng đang được chú trọng, nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 284 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi được các gia đình, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm sóc.

Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, 100% trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em đang hưởng trợ cấp xã hội, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trẻ em là con hộ nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh và thẻ bảo hiểm y tế; 370 em được khám, điều trị phục hồi chức năng, cung cấp, hỗ trợ chỉnh hình, phẫu thuật mắt, tim, phẫu thuật vận động, sứt môi, hở hàm ếch. Những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo được cấp phát sách giáo khoa, dụng cụ học tập, miễn, giảm các khoản đóng góp…

Tỉnh cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như tiếp nhận 60.000 ly sữa cho trẻ em, hỗ trợ dạy nghề cho 164 em, đỡ đầu trong 3 năm với số tiền 300 triệu đồng cho 26 em, trao học bổng cho 38 em… Trong 2 năm 2011 - 2012, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã tiếp nhận trên 20 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ. Đặc biệt, năm 2011, tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ IV mang lại niềm tin, sự động viên, khích lệ vượt khó vươn lên cho trẻ em khuyết tật.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ, nuôi dưỡng Tâm Phúc Lợi trao quà cho con cựu chiến binh nghi nhiễm chất độc da cam huyện Vũ Thư.

Những bất cập hiện nay
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, giảm bớt phần nào thiệt thòi, giúp các em có cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác là hoạt động được các cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn thể xã hội thực hiện thường xuyên. Song công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số bất cập như: chưa xây dựng được mô hình điểm Nhà xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cấp xã do ngân sách địa phương không có khả năng đầu tư; công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng còn rất nhiều khó khăn, sau học nghề các em khó xin được việc làm phù hợp; cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh chăm sóc cả trẻ em, người già, người nhiễm chất độc da cam nên chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn thấp, chưa thực sự bảo đảm đời sống cho các em…

Theo lãnh đạo Sở Lao động – TBXH, nguyên nhân của những bất cập trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, một số gia đình, người dân và cộng đồng về việc phòng ngừa, chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa đầy đủ; kinh phí bố trí cho công tác chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng, phương pháp; chính sách trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không còn phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Đặc biệt, số lượng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng ngày càng gia tăng…

Đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014 - 2020 sẽ được triển khai thực hiện vào đầu năm 2014 với mục tiêu: 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận sự trợ giúp và cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp sẽ giúp khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, tạo cơ hội tốt cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thu hẹp khoảng cách sống với trẻ em bình thường.

Đỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày