Thứ 7, 04/05/2024, 02:04[GMT+7]

Món quà từ đồ tái chế

Thứ 2, 04/11/2013 | 14:10:52
10,372 lượt xem
“Làm đồ chơi cho trẻ còn góp phần giao lưu tình cảm giữa cô và trẻ. Nó thể hiện tình cảm của giáo viên với trẻ, với nghề và để trẻ thấy được cô giáo là người mẹ thứ hai của mình. Nếu không yêu trẻ, cô giáo khó lòng có thể tự nguyện dành thời gian để làm một món đồ chơi, dù là nhỏ nhất, cho chúng.

Các cháu chơi xếp hình bằng các vật liệu tái chế. Ảnh: Thành Tâm

Trẻ em cũng rất vui sướng khi được đón nhận món đồ chơi do bàn tay cô giáo làm ra. Từ hộp sữa, chai nhựa đến mảnh bìa các-tông, chiếc cúc áo… đều có thể trở thành vật liệu để cô và trò các lớp đưa vào giờ học và chơi. Ví dụ, đối với lớp 2 tuổi, khi đọc cho các cháu nghe bài thơ “Gọi nghé” cô giáo đã dùng lá mít cùng trẻ làm con nghé, tàu lá chuối làm mình con trâu để minh họa cho bài thơ, qua đó giúp trẻ cảm nhận bài thơ rõ nét nhất, trẻ hứng thú học tập, thúc đẩy tư duy phát triển” - cô giáo Vũ Thị Sen, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6 (Thành phố Thái Bình) chia sẻ.

Ðến thăm lớp 5 tuổi G, cô giáo Nguyễn Thị Mai đang hướng dẫn các bé học nhận biết con số thông qua những miếng ghép được làm từ bìa các-tông và sách giáo khoa cũ. Cô cho biết, giáo viên tự làm đồ dùng dạy học cho các cháu cũng thấy vui hơn, có ý nghĩa hơn và quan trọng là các cháu rất hào hứng với bộ đồ dùng dạy học làm từ đồ tái chế. Chỉ với một mảnh bìa, cô giáo dán tranh ảnh cắt từ quyển sách giáo khoa cũ rồi dính băng dính lên là các cháu đã có những hình ảnh sinh động để chơi, để học.

Nhìn các cháu, tốp thì mải mê lắp ghép, sắp xếp sân chơi, vườn hoa, tốp kia dưới sự hướng dẫn của cô giáo tìm chọn những con số sao cho đúng với số bông hoa tương ứng - tất cả đều tỏ ra hứng thú với những con sò, vỏ hến, quả cầu lông, hộp sữa bằng giấy… xếp làm hàng rào, bồn hoa, bàn, ghế… Vui nhất là khi bé được các cô hướng dẫn tô màu lên những chiếc thìa bằng nhựa để học phân biệt màu sắc, cắt dán lên vỏ hộp những mắt, mũi, mồm tạo thành chú hề ngộ nghĩnh.

Ðể chúng tôi hiểu rõ hơn việc làm đồ chơi từ đồ tái chế, cô Sen giới thiệu mô hình “Lăng Bác tạo bằng tăm tre” mà theo cô không quá một buổi là có thể làm xong từ những vật liệu dễ tìm, rẻ tiền. Ðể làm mô hình này, giáo viên cần những nguyên vật liệu như tăm tre, keo dán, bìa các-tông, giấy màu, vỏ hộp thuốc đánh răng… Sau khi vệ sinh sạch sẽ nguyên vật liệu, giáo viên xếp dựng đứng tăm tre theo bố cục mô hình Lăng Bác đã dựng từ bìa các-tông, sau đó xếp ngay ngắn, gọn gàng liên kết với nhau rồi dùng keo dán cố định. Dùng giấy màu trang trí phần trên Lăng như chữ, cờ Tổ quốc. Khi keo dán khô, cô và trò đã có một mô hình thật đẹp mà không tốn nhiều tiền bạc cũng như công sức.

Ai cũng biết, đồ dùng, đồ chơi có tác dụng lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Hiện nay, đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ em bán trên thị trường đa dạng về chủng loại và phong phú về mẫu mã song giá thành khá cao, không phù hợp với các trường mầm non ở cả thành phố lẫn nông thôn. Bên cạnh đó, đồ chơi được sản xuất từ các chất dẻo, nhựa tái chế có nguồn gốc các-bon hoặc xử lý bằng hóa chất không an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Trước thực trạng đó, để đáp ứng yêu cầu học và chơi cho các em, từ năm 2006 đến nay, Trường Mầm non 1/6 đã triển khai ứng dụng giải pháp tái chế nguyên vật liệu để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Ðến nay, nhà trường đã có hơn 80% đồ dùng, đồ chơi được làm từ đồ tái chế. Giải pháp này tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng phong phú, dồi dào để tạo ra đồ dùng, đồ chơi, sử dụng thường xuyên trong hoạt động học và trưng bày tại các góc hoạt động. Ðồng thời, giải pháp cũng đòi hỏi người giáo viên phải biết tận dụng các nguyên vật liệu có sẵn ấy để từ đó tổ chức các hoạt động cho trẻ, tái hiện lại các trò chơi, giúp trẻ gần gũi hòa nhập với thiên nhiên, cảnh quan môi trường mà trẻ đang sống.

Hơn nữa, đồ chơi luôn là người bạn đồng hành với trẻ, giúp trẻ khám phá thế giới đồ vật, thế giới con người và tự nhiên, do đó khi làm đồ chơi cho trẻ phải bảo đảm cả yêu cầu về tính thẩm mỹ và an toàn vệ sinh. Việc dùng đồ tái chế làm đồ chơi còn phát huy tính sáng tạo và óc tưởng tượng phong phú của cô và trẻ. Ngoài ra, giải pháp này còn giúp nhà trường tiết kiệm tối đa chi phí làm đồ dùng, đồ chơi, góp phần giáo dục trẻ ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tập cho trẻ có thói quen tự chịu trách nhiệm trước mỗi hành động, việc làm của mình - cô Sen chia sẻ thêm.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Ðiều đó cho thấy sự nghiệp “trồng người” có ý nghĩa rất quan trọng. Cuộc sống bận rộn hiện nay đã làm cho nhiều bậc phụ huynh không còn có nhiều thời gian dành cho việc chăm sóc con cái, không có cả thời gian chơi cùng con. Thay vào đó, họ mua cho con những đồ chơi hiện đại, chủ yếu do Trung Quốc và một số nước sản xuất.

Ngoài những đồ chơi mang tính giáo dục cũng có nhiều đồ chơi thiếu an toàn, mang tính bạo lực như súng, gươm..., nhiều đồ chơi gây sợ hãi, tác động không tốt đến tâm lý của trẻ. Chỉ từ bìa các-tông, giấy màu, vỏ hộp, lá cây, hoa, quả khô..., với một chút tư duy, khéo léo, sáng tạo và tấm lòng yêu trẻ, những giáo viên ở Trường Mầm non 1/6 đã tạo ra được những đồ dùng học tập, đồ chơi rất hữu ích, phù hợp với từng lứa tuổi phát triển của trẻ. Việc làm ra và sử dụng đồ chơi để dạy học giúp cho giáo viên có cơ sở thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non. Ðây cũng là món quà ý nghĩa từ đồ tái chế mà các cô tặng cho các em, là cách thể hiện tình yêu thương với học sinh từ những điều giản dị nhất.

Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày