Thứ 7, 04/05/2024, 01:45[GMT+7]

Chốt "cứu sinh" trên những tuyến đường

Thứ 6, 15/11/2013 | 08:34:18
790 lượt xem
Thời gian qua, gần 40 điểm, chốt SCC của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tại các địa phương trong tỉnh được thành lập đã góp phần hạn chế những rủi ro do TNGT cũng như các tai nạn khác gây ra. Mỗi tấm biển "Chốt SCC nhân đạo" bên đường cũng là lời nhắc nhở mỗi người khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và chính bản thân mình, góp phần giữ gìn sự bình yên trên những tuyến đường.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, thôn Cổ Dũng, xã Đông La, huyện Đông Hưng (người bên trái) cùng những vật dụng phục vụ cho việc sơ cấp cứu.

Tai nạn giao thông (TNGT) là hiểm họa khôn lường, gây tổn thương, hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân nếu không có những biện pháp sơ cấp cứu (SCC) kịp thời. Việc duy trì và phát triển chốt SCC trên các tuyến đường giao thông chính có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm thiểu những tình huống xấu có thể xảy ra. Thời gian qua, gần 40 điểm, chốt SCC của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tại các địa phương trong tỉnh được thành lập đã góp phần hạn chế những rủi ro do TNGT cũng như các tai nạn khác gây ra. Các chốt SCC được hình thành trên tinh thần tự nguyện của những tình nguyện viên CTĐ. Lập nghiệp, sinh sống và chứng kiến cảnh TNGT tại địa phương, họ đã trực tiếp mở các điểm SCC ngay tại gia đình để có thể kịp thời cứu giúp người bị TNGT.

Đến thăm một số điểm, chốt SCC tai nạn giao thông tại Đông Hưng, chúng tôi được đồng chí Lại Minh Chính, Chủ tịch Hội CTĐ huyện cho biết: "Đến nay đã có 5 chốt SCC đi vào hoạt động. Tình nguyện viên tại các chốt SCC được tập huấn, trang bị những kiến thức cơ bản nhất về công tác SCC người bị nạn khi có tình huống TNGT để có thể độc lập SCC, sau đó chuyển các nạn nhân đến cơ sở y tế. Một số chốt dù chỉ mới thành lập trên 3 tháng nhưng đã trực tiếp sơ cứu cho hơn 20 người, kịp thời xử lý sơ cứu ban đầu chấn thương về đầu, cổ, tay chân cho nạn nhân".

Đến nay trên địa bàn Đông Hưng, các chốt SCC đều được đặt tại điểm đen về TNGT trên quốc lộ 10 và 39: xã Đông Sơn, Đông La, Đông Động, Đông Kinh, Minh Tân. Trong số đó điểm chốt SCC nhân đạo của ông Hoàng Ngọc Vinh (thôn Cổ Dũng, xã Đông La) được giao nhiệm vụ SCC trên trục đường từ địa phận giáp ranh xã Đông Sơn đến ngã ba xã Đông La hoạt động rất hiệu quả. Được thành lập từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, đến nay ông Vinh đã trực tiếp cứu giúp 21 trường hợp bị TNGT, có những trường hợp bị thương nặng nhờ ông sơ cứu kịp thời, chuyển lên bệnh viện đã được cứu sống như ông Phạm Huy Thắm (xã Chương Dương) khi tham gia giao thông bị chấn thương ngực, sườn được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và trường hợp của bà Nguyễn Thị Giang (xã Đông Xá) bị chấn thương sọ não, cả 2 trường hợp đều đã thoát khỏi nguy hiểm nhờ được SCC kịp thời.

Các tình nguyện viên thực hành kỹ năng sơ cấp cứu.

Ông Vinh còn cho biết thêm: "Được sự động viên của Ban An toàn giao thông, Công an và Hội CTĐ huyện, tôi mở chốt SCC, muốn mang cái tâm để giúp người trong lúc hoạn nạn. Tôi mong rằng cộng đồng hãy cùng chung tay, góp sức để hạn chế, đẩy lùi TNGT". Dù mới được thành lập nhưng chốt SCC nhân đạo của bà Phạm Thị Chắt (xã Đông Động) đã SCC cho 2 trường hợp bị TNGT, trong đó có ông Phạm Văn Nguyên (xã Nguyên Xá) bị gãy chân và bà Hiền (xã Đông Vinh) bị xây xước tay, chân. Từ những kết quả ban đầu, các chốt SCC đã khẳng định vai trò, ý nghĩa nhân đạo. Với mong muốn mở rộng thêm mô hình này, ông Lại Minh Chính cho biết: Trong thời gian tới, Hội CTĐ Đông Hưng sẽ mở thêm 2 điểm SCC tại xã Đông Xuân và Phong Châu.

Cũng giống như ông Vinh, bà Chắt, ông Phạm Văn Bốn (tổ 1, xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình) với sự nhiệt huyết, tấm lòng và tình cảm của một người thương binh mong muốn cứu giúp người hoạn nạn, từ đầu năm đến nay ông đã SCC 56 trường hợp bị TNGT, thương tích do va chạm, mâu thuẫn. Với nghề y học cổ truyền của gia đình, ông còn khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Chốt SCC của ông được người dân trong xã tin tưởng, tìm đến mỗi khi người thân của họ không may gặp TNGT.

Bên cạnh việc thành lập các chốt SCC, Hội CTĐ còn phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng SCC cho 30 tình nguyện viên CTĐ tại 8 huyện, thành phố; 25 tình nguyện viên SCC tại các điểm đen về giao thông và 1.800 học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở tại 18 xã. Cùng với Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ tổ chức tập huấn kỹ năng SCC cho 76 giáo viên thể chất tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Đây là đội ngũ giảng viên nòng cốt để hướng dẫn SCC ban đầu cho học sinh các trường trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình tập huấn kỹ năng SCC ban đầu cho 40 tình nguyện viên tại các điểm bán xăng dầu trên các tuyến đường giao thông trong tỉnh và đã ra mắt thành lập 8 chốt SCC tại các điểm bán xăng dầu Lý Bôn, Vũ Chính, Đông Mỹ (Thành phố Thái Bình); Tây Sơn, An Ninh (Tiền Hải); Tam Quang (Vũ Thư); Minh Khai (Hưng Hà); Đông Hải (Quỳnh Phụ).

TNGT là điều không ai mong muốn. Khi tai nạn xảy ra, những phương pháp SCC ban đầu sẽ giúp làm hạn chế những hậu quả đáng tiếc. Việc thành lập những chốt SCC có ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện sự chia sẻ của cộng đồng đối với nạn nhân bị tai nạn khi tham gia giao thông. Mỗi tấm biển "Chốt SCC nhân đạo" bên đường cũng là lời nhắc nhở mỗi người khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và chính bản thân mình, góp phần giữ gìn sự bình yên trên những tuyến đường.

Như Hoàng
                                                                             

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày