Thứ 7, 04/05/2024, 05:22[GMT+7]

Công nghệ thông tin "đôi mắt" của người khiếm thị

Thứ 5, 21/11/2013 | 08:39:55
1,220 lượt xem
Không quá xa lạ đối với người bình thường trong cuộc sống hiện nay, công nghệ thông tin đã trở thành công cụ cho công việc, học tập và giải trí. Sự hữu dụng của nó không chỉ đối với người sáng mắt mà còn mở ra cánh cửa tri thức tới những người khiếm thị. Với họ, công nghệ thông tin như phương pháp "cứu cánh" để mở rộng tầm nhìn, trao đổi công việc hay giao lưu bạn bè, tạo các mối quan hệ xã hội, xóa đi mặc cảm, sự tự ti về bản thân. Ở Hội Người mù tỉnh Thái Bình, công nghệ thông tin đã trở

Lãnh đạo Trung ương Hội Người mù Việt Nam trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác hội. Ảnh: Ngọc Linh

Lần đầu tiên đến Hội Người mù tỉnh, gặp ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội, chúng tôi không nghĩ rằng ông là một người bị khiếm thị cả 2 mắt bởi những thao tác đánh máy vô cùng nhanh nhẹn, cách sao chép, in tài liệu được ông xử lý rất thuần thục trên máy tính. Qua trò chuyện, ông Tuấn tâm sự: "Công nghệ thông tin đã giúp người khiếm thị kịp bắt nhịp, hòa đồng với cuộc sống. Nhờ công nghệ thông tin, cán bộ Tỉnh hội có thể trao đổi công việc với hội cơ sở qua e-mail, yahoo chat hay các phần mềm giao tiếp khác, nó đã khắc phục được sự khó khăn trong việc đi lại của chúng tôi. Đến nay công nghệ thông tin đã trở thành cuộc sống và không thể thiếu đối với tôi".

Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của công nghệ thông tin với người mù, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Hội, đến nay 8/8 huyện, thành hội đã trang bị hệ thống máy tính hiện đại có kết nối internet. Hàng năm, Tỉnh hội còn tổ chức các lớp đào tạo công nghệ thông tin để hội viên nắm vững kiến thức cơ bản về tin học, giúp cán bộ hội chủ động trong công tác soạn thảo văn bản, lưu trữ, quản lý thông tin phục vụ cho việc trao đổi tài liệu, văn bản, chế độ chính sách. Thấy chúng tôi vẫn khá tò mò bởi người khiếm thị có thể xử lý các chương trình phần mềm chuẩn xác đến vậy, ông giải thích: "Với người mù muốn sử dụng máy vi tính phải dựa vào sự hỗ trợ của các phần mềm đọc màn hình Jaws với các phiên bản được tích hợp từ một bộ tổng hợp tiếng nói phần mềm Eloquence Speech với nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha... hay phần mềm đọc tiếng Việt Sao Mai VN-Voice. Các phần mềm này giúp người sử dụng có thể biết những ứng dụng đang hiện trên màn hình để dễ thao tác và xử lý”.

Công nghệ thông tin với người mù không chỉ là phương thức giao tiếp, trao đổi công việc, với họ đó còn là một kho tàng tri thức mà ở đó họ có thể tìm thấy những mô hình sản xuất giỏi, tấm gương khiếm thị vượt khó vươn lên để học tập và nỗ lực noi theo. Ông Vũ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thái Thụy cho biết: "Qua việc tìm hiểu, khai thác thông tin trên internet chúng tôi có thể tìm thấy những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của người khiếm thị tại các địa phương trong nước, tham khảo và trao đổi với hội viên cùng học hỏi. Nhờ đó, những phương pháp hay, cách làm hiệu quả được áp dụng trong các cơ sở sản xuất tăm tre, dịch vụ của Huyện hội, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm".

Hiện nay, các lớp tin học văn phòng ở Hội Người mù tỉnh hoạt động khá hiệu quả, hội viên đã được đào tạo, nắm bắt kỹ năng tốt lại trở thành những người thầy mang sự hiểu biết của mình truyền lại cho các em khuyết tật, dạy các em kỹ năng cơ bản như soạn thảo văn bản, đọc tin tức…, hoàn thành bài tập tin học trên lớp giống như các bạn sáng mắt. Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết thêm: "Với niềm say mê, tinh thần học hỏi cao, người khiếm thị hoàn toàn có thể làm chủ được các kỹ năng cơ bản của công nghệ thông tin và Đoàn Đức Đan là một ví dụ điển hình ở Tỉnh hội". Nhờ bản tính ham học hỏi, cậu bé Đan bị khiếm thị do di chứng chất độc da cam đã trở thành người thầy của bao thế hệ học trò tại Tỉnh hội, giúp các em tiếp cận với máy tính, thực hiện ước mơ xa vời tưởng như không bao giờ với tới.

Công nghệ thông tin đã trở thành "đôi mắt" của người khiếm thị, giúp họ tiếp cận với kho báu tri thức nhân loại từ bên ngoài cuộc sống, không bó hẹp bởi rào cản địa lý và sự khiếm khuyết của cơ thể. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người khiếm thị tại Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung được đào tạo về công nghệ thông tin, để tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hoàng Lanh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày