Thứ 4, 22/05/2024, 02:54[GMT+7]

Nghề không tiếng rao

Thứ 4, 27/11/2013 | 15:02:05
5,193 lượt xem
“Con chào U! anh em bọn con là nhân viên thị trường xin phép u cho bọn con kiểm tra và trưng bày sản phẩm…. U xem có sản phẩm nào hết đát để bọn con đổi rồi bổ sung hàng U nhé!” Đó là lời chào mời vừa thân mật, vừa bài bản của một nhân viên thị trường Bimbim Poca. Nó khác xa với kiểu tiếp thị hoa mỹ “chớp nhoáng” của một số loại sản phẩm “được chăng hay chớ”. Lân la chuyện trò cùng chủ quán và theo chân một nhân viên thị trường của sản phẩm Bimbim Poca, chúng tôi hiểu thêm ph

Một ngày làm việc của nhân viên Bimbim Poca.

Tiếp thị còn được gọi khác là nhân viên thị trường (NVTT) kiêm chăm sóc khách hàng, bán hàng. NVTT hầu hết là những nam, nữ thanh niên trẻ khỏe, nhiệt tình, thông thạo địa bàn, có khả năng giao tiếp, thuyết phục. Hàng ngày, NVTT của các hãng đến nhà phân phối (NPP) đặt tại Thái Bình nhận hàng, đi giao trực tiếp hoặc mang sản phẩm giới thiệu nếu được sẽ chuyển hàng.  Các sản phẩm tiếp thị rất đa dạng: từ bim bim, nước mắm, dầu gội đầu, dầu ăn, thuốc lá, kem, sữa… đến văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng… Riêng một sản phẩm cũng có nhiều hãng sản xuất và cung ứng. Khách hàng của NPP và NVTT chính là các siêu thị, đại lý, cửa hàng tạp hóa.

Chúng tôi có mặt tại quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Lan (số 279, đường Lý Thái Tổ, Thành phố Thái Bình) vào buổi sáng một ngày đầu tuần. Trong khoảng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, dù trời mưa, chủ quán vẫn phải đón tiếp tới 8 NVTT của các hãng: bimbim Poca, thuốc lá Thăng Long, mì Gấu đỏ, sữa Vinamilk, bánh kẹo Orion… Chị Lan cho biết: “Trước đây tôi thường mất cả buổi sáng đi lấy hàng từ đại lý lớn về để bán, giá cả cao hơn, khuyến mại bị cắt. Bây giờ đội ngũ tiếp thị trẻ, khỏe, chuyên nghiệp, chăm sóc chu đáo, thường xuyên (ít nhất 1 tuần 1 lần) đến trưng bày, bổ sung sản phẩm và tư vấn hướng dẫn nhiệt tình”.

Chỉ với 20m2 cửa hàng, gia đình chị Lan bán và trưng bày hơn 300 sản phẩm khác nhau, 1 tuần thường xuyên có 15 - 20 NVTT giao hàng và bày trí sản phẩm. Không chỉ địa bàn Thành Phố mà đường làng, ngõ xóm ở vùng quê, NVTT của các hãng đều có mặt. Nghề tiếp thị bây giờ không còn xa vời, lạ lẫm như xưa nữa. Bà Phạm Thị Dung – chủ một quán tạp hóa ở xã Xuân Hòa (Vũ Thư) nói: “Bán hàng ở quê một ngày được vài gói mì tôm, mì chính, vài chai nước rửa bát… lời lãi chẳng được bao nhiêu. Giờ có mấy chú tiếp thị, ông nhà tôi không còn phải lóc cóc đạp xe đi lấy hàng nữa, vừa vất vả lại dễ gặp rủi ro. Mà anh em tiếp thị bây giờ cũng lẻo mép lắm, chỉ nghe giới thiệu đã thấy thích rồi”.

Với dáng người nhỏ, gương mặt trẻ, luôn tươi cười hóm hỉnh, Lương Minh Hải – nhân viên thị trường hãng Poca (dòng sản phẩm bim bim của Công ty Pepsi Co) chia sẻ: Tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng là công việc lao động phổ thông nhưng lại đòi hỏi người khỏe mạnh mới đủ sức rong ruổi mọi ngóc ngách của địa bàn phân công, phải có sự khéo léo, mềm mỏng và tinh tế riêng. Hải thường mềm dẻo, cẩn thận từ cách đỗ xe, câu chào, cách mời, cho đến tư vấn và thuyết phục khách hàng. Rồi trưng bày làm sao cho bắt mắt, hàng hóa luôn đầy đủ… Làm sao cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của đối thủ ngay tại mỗi cửa hàng... Chính vì tính cạnh tranh và đa dạng của từng sản phẩm nên NVTT phải chịu rất nhiều áp lực doanh số.

Khi được hỏi về bản thân, Hải tâm sự: Tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải từ tháng 4/2012, về quê, em xin làm NVTT cho Poca. Bắt đầu từ 7 giờ sáng, em cùng 2 nhân viên khác nhận hàng tại kho của NPP, xếp hàng lên xe, theo tuyến và địa bàn phân công, trung bình, em đến 35 điểm bán mỗi ngày. Nếu đạt doanh số khoảng 80 triệu đồng/26 ngày, Hải có mức thu nhập, thưởng khoảng 5 triệu đồng. Công việc giúp em năng động, nhẫn nại; nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử; am hiểu văn hóa, nếp sống nhiều vùng quê. Tuy nhiên, nghề tiếp thị cũng gặp phải rất nhiều khó khăn và áp lực. Đi làm gặp phải ngày mưa gió, xe chở hàng cồng kềnh dễ gây tai nạn. Nhiều khi gặp chủ quán “khó chiều” Hải cũng nản lòng.

Anh Trần Xuân Nghĩa - giám sát viên hãng sữa Dumex tại Thái Bình chia sẻ: “Làm nhân viên tiếp thị cần phải kiên trì và yêu thích kinh doanh. Nhiều người chăm chỉ nhanh nhạy, khéo léo thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. Khi có NVTT thì các đại lý, cửa hàng, hiệu tạp hóa đều yên tâm, được bảo đảm về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng”.

Cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa bán hàng cũng thay đổi để phù hợp với thực tế. Nghề tiếp thị góp phần tạo nên sự thuận tiện trong giao thương, làm thay đổi cái nhìn định kiến về cách chèo kéo khách theo kiểu “chộp giật”.

Thùy Linh


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày