Thứ 7, 27/07/2024, 06:57[GMT+7]

Giảm thiểu sự lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư

Thứ 6, 29/11/2013 | 08:39:24
927 lượt xem
Theo số liệu của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, những năm gần đây, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Hết tháng 8/2013, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 4.280 người. Trước tình hình đó, nhằm giảm thiểu sự lây lan của HIV/AIDS, từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động đã được Trung tâm phòng chống HIV/AIDS triển khai thực hiện với chủ đề "Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV".

Tập huấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho cán bộ thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh.

Công tác tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS được duy trì, thực hiện nghiêm túc. Cùng với phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm mô hình thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS đặt biệt là trong can thiệp, giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị  HIV/AIDS.  9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức được 316 hội nghị tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho 15.000 lượt đối tượng nguy cơ cao và người lao động xa nhà, phụ nữ và thanh niên trong dịp Tết Nguyên đán, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Tháng Thanh niên; tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 15/6 – 15/7/2013.

Trung tâm đã tham mưu với Sở Y tế thực hiện ký kết kế hoạch liên ngành Y tế - Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Mặt trận Tổ quốc triển khai chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012 - 2020. Chương trình tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, thông qua việc xây dựng nhóm nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại mỗi thôn, tổ dân phố.

Chuyên gia dự án Life-Gap tập huấn về chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho các bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh tư liệu

Cùng với tăng cường công tác phối hợp trong đẩy mạnh thực hiện các phong trào phòng chống HIV/AIDS, công tác hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS cũng được quan tâm. Y tế các tuyến đang duy trì điều trị ARV cho 875 người, 75 trường hợp bệnh nhân lao/HIV đang được chăm sóc, điều trị; 215 đối tượng người nghiện ma túy được điều trị Methadone, trên 3000 người có nguy cơ cao tại các xã khó khăn của huyện Vũ Thư, Tiền Hải, Thái Thụy được tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS miễn phí. Các hoạt động chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS cũng được tiếp tục triển khai, trong tháng 9, Ban Chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS trao 100 suất quà cho các trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vượt khó, học giỏi. Có 265 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí 265 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay còn gặp không ít khó khăn: tình hình dịch cơ bản chưa được khống chế, vẫn tiềm ẩn nguy cơ  lây lan; số người nhiễm HIV/AIDS không chỉ còn tập trung ở những nhóm đối tượng nguy cơ cao mà đã lây nhiễm trong cộng đồng dân cư qua đường tình dục không an toàn, đặc biệt là trong nhóm người lao động xa nhà. Trong khi đó, vấn đề can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS độ bao phủ chưa rộng, kinh phí cho các hoạt động chủ yếu từ các Dự án Quốc tế tài trợ, Ngân sách Quốc gia dành cho công tác này còn hạn chế.

Từ năm 2013, Dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ kết thúc, các dự án quốc tế khác cũng cắt giảm dần kinh phí hỗ trợ dẫn đến khó khăn trong việc duy trì và tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó,  số bệnh nhân AIDS được điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú ngày một tăng trong khi hệ thống quản lý, giám sát, theo dõi điều trị từ tỉnh xuống trung tâm y tế huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn chưa chặt chẽ, việc theo dõi phát hiện, xử lý kịp thời những tai biến, phản ứng thuốc ARV trong quá trình bệnh nhân uống thuốc tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, bên cạnh việc mở rộng tăng cường chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn, nhân rộng các điểm điều trị Methadone, việc nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của các tầng lớp nhân dân trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, tăng cường hệ thống phòng, chống HIV/AIDS về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế cũng cần được đầu tư, quan tâm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS.

Vũ Hường


  • Từ khóa