Thứ 7, 27/07/2024, 06:23[GMT+7]

Các ý kiến, kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV

Thứ 3, 10/12/2013 | 20:58:13
990 lượt xem
Trước Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân (HÐND) tỉnh Khóa XV, Báo Thái Bình đã ghi nhận một số ý kiến, kiến nghị của cử tri với mong muốn được Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành chức năng quan tâm xem xét, giải quyết.

* Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ

 

Ðặt tên đường, phố, số nhà tại thị trấn Quỳnh Côi: Tạo nét văn minh đô thị

 

 

Ðược biết Kỳ họp thứ 7, HÐND tỉnh khóa XV sẽ thông qua Ðề án “Ðặt tên đường, phố, đánh số nhà Thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ”. Ðây là chủ trương đúng, trúng với mong muốn, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân Thị trấn Quỳnh Côi từ nhiều năm nay.

 

Việc xây dựng Ðề án “Ðặt tên đường, phố, đánh số nhà Thị trấn Quỳnh Côi” đã được huyện Quỳnh Phụ triển khai từ tháng 5/2012 và thông qua tại kỳ họp HÐND huyện vừa qua, với 6 tuyến đường, 9 tuyến phố là những địa danh ghi dấu ấn của địa phương, các danh nhân lớn của đất nước và gần 1.700 số nhà.

 

Nếu được HÐND tỉnh thông qua tại kỳ họp lần này sẽ góp phần giúp bộ mặt đô thị của thị trấn khang trang, hiện đại, thể hiện sự văn minh của một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của huyện; đánh dấu bước phát triển, tạo thuận lợi cho các giao dịch kinh tế, sản xuất kinh doanh, giao lưu văn hóa, xã hội; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, hành chính, bảo đảm an ninh xã hội; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, địa phương, nâng cao tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình đoàn kết của nhân dân thị trấn với các địa phương khác, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

 

* Ông Nguyễn Ðình Thắng, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương

 

Xây dựng thị trấn Vũ Quý văn minh, hiện đại trong tương lai

 

 

Vũ Quý ngày nay là phủ Sóc - huyện lỵ của Kiến Xương xưa, từng phát triển rất sầm uất. Vì vậy, việc nâng cấp Vũ Quý từ xã lên Thị trấn là một chủ trương đúng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh. Ðây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể Ðảng bộ, chính quyền và người dân, cơ hội để địa phương bứt phá đi lên.

 

Nếu Ðề án thành lập Thị trấn Vũ Quý được kỳ họp HÐND tỉnh lần này thông qua, thời gian tới xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ các tiêu chí và yêu cầu phát triển của một đô thị, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, hiện đại.

 

Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện giúp hoàn thiện Ðề án, sớm trình Bộ Nội vụ thẩm định và Chính phủ phê duyệt. Hỗ trợ địa phương chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm, xây dựng các phân khu hành chính, khu chức năng, các khu dân cư; đồng thời đầu tư nâng cấp các công trình phúc lợi công cộng cho xứng tầm là 1 trong 2 đô thị trung tâm của huyện. Mở rộng liên kết vùng kết nối với các xã lân cận đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng tỷ lệ dân cư đô thị. Tạo mọi điều kiện cho cán bộ, công chức xã đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ dần từng bước đáp ứng quy mô quản lý hành chính của một đô thị.

 

* Ông Nguyễn Văn Thuấn, xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng

 

Mong các đại biểu bám sát cơ sở để đề ra quyết sách đúng, hợp lòng dân

 

 

Tại Kỳ họp thứ 7 HÐND tỉnh khóa XV, mong rằng các đại biểu dành nhiều thời gian bàn bạc, thảo luận những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nên nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sát với thực tế ở cơ sở, có như thế mới huy động được tối đa nguồn lực từ dân. Cần có nhiều quyết sách đầu tư, hỗ trợ nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đầu tư trực tiếp không qua khâu trung gian và phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Xây dựng nông thôn mới điều quan trọng nhất và khó khăn nhất đối với các xã là kinh phí xây dựng các công trình lớn như nhà văn hóa thôn, trường học… Vì vậy, Nhà nước và tỉnh nên đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng các công trình này.

 

Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về đổi mới giáo dục một cách toàn diện đã được ban hành nhưng nhiều xã còn nghèo, cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn vì vậy nhân dân đề nghị các cấp, các ngành tăng mức hỗ trợ để xây dựng chuẩn hóa các trường học đáp ứng nhu cầu dạy và học. Song song với vấn đề đó cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giáo dục đạo đức nhà giáo, chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu quỹ của các nhà trường. Ðặc biệt, đại biểu HÐND các cấp phải thường xuyên xuống cơ sở, sâu sát với cơ sở để đánh giá đúng đời sống của nhân dân từ đó đề ra các quyết sách đúng và hợp lòng dân.

 

* Ông Phạm Nguyên Hùng, xã Phú Châu, huyện Ðông Hưng

 

Nâng cao trách nhiệm thực hiện lời hứa trước cử tri

 

 

Tôi mong các đại biểu HÐND tỉnh sẽ có những buổi thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh các vấn đề mà cử tri đã kiến nghị. Ðặc biệt là các vấn đề: Ðiều chỉnh một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế của các xã như chiều rộng đường nông thôn, không chỉ hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông liên thôn mà còn hỗ trợ xi măng để cứng hóa đường giao thông thủy lợi nội đồng, kênh mương; cung cấp và hỗ trợ cây, con giống mới chất lượng, giá trị cao để nhân dân đưa vào sản xuất, chăn nuôi; sớm tìm ra giải pháp có tính khả thi để xử lý rác thải nông thôn, bảo vệ môi trường; điều chỉnh mức thu phí vệ sinh môi trường phù hợp với từng nơi, nơi nào xả nhiều rác thì thu cao, nơi nào xả ít rác thì thu thấp; đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch để cung cấp cho nhân dân; tạo điều kiện cho các đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam, người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách làm thủ tục, giấy tờ, xác định mức độ bệnh tật; tăng cường quản lý, kiểm tra giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xăng dầu; đẩy nhanh tiến độ thi công một số tuyến đường trọng điểm... Ðiều quan trọng để kiến nghị của cử tri thành hiện thực chính là ý thức nâng cao trách nhiệm thực hiện lời hứa đối với mỗi đại biểu HÐND.

 

* Ông Hoàng Cao Ðẳng, thôn Vĩnh Bảo, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà

 

Xây dựng nông thôn mới rất hợp lòng dân

 

 

Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) rất đúng, trúng, hợp lòng dân. Những mong ước của người nông dân chúng tôi nay đã dần thành hiện thực; đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang sạch đẹp; giao thông, thủy lợi nội đồng đáp ứng được yêu cầu sản xuất; thôn làng có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; an ninh trật tự được bảo đảm… Ðặc biệt, tỉnh rất linh động khi ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng cho các xã, thôn, cộng đồng dân cư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM để nhân dân cố gắng, nỗ lực hơn, cùng nhau góp sức, tiền của nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn.

 

Ðể đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, chúng tôi xin kiến nghị, đề nghị với HÐND, UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí để động viên các hộ gia đình còn khó khăn nhưng phải phá dỡ nhà, tường bao, cổng, công trình phụ… để mở rộng đường. Thực tế hiện nay, nhiều hộ sau khi hiến đất, công trình không có khả năng xây lại. Ðồng thời, khi các đường trục thôn được mở rộng, trở ngại lớn nhất là việc di chuyển cột điện nằm giữa đường, do đó tỉnh, huyện cần tháo gỡ khó khăn cho các thôn về kinh phí, hoặc chỉ đạo ngành điện thực hiện việc này.

 

* Ông Phạm Ðăng Cai, xã Tây Phong, huyện Tiền Hải

 

Kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách giúp nâng cao đời sống của nông dân

 

 

Ðược biết kỳ họp cuối năm của HÐND tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 13/12/2013, là kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng, chúng tôi đang đón đợi, theo dõi và rất kỳ vọng vào kết quả kỳ họp. Tôi mong tại kỳ họp này, HÐND tỉnh có nhiều quyết sách đúng đắn, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt có nhiều chính sách hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giúp nâng cao mức sống của người nông dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

 

Hiện sản xuất nông nghiệp rất vất vả, chi phí nhiều, lãi ít, ngoài ra còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch họa… Vì vậy, nhiều người dân không thiết tha với đồng ruộng, một số nơi xảy ra tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang. Mong rằng nhà nước có thêm chính sách đầu tư cho sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ giống lúa, hoa màu chất lượng cao; hỗ trợ vật tư, phân bón trả chậm đồng thời tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra để giúp nông dân tăng năng suất, thu nhập trên diện tích canh tác. Ðặc biệt, cần có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vật tư nông nghiệp như thuốc diệt cỏ, trừ sâu, phân bón, tránh tình trạng hàng kém chất lượng còn trôi nổi trên thị trường. Quan tâm hơn nữa tới ngành chăn nuôi; có cơ chế trợ giá các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng miễn phí thường xuyên để tránh dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

 

* Ông Bùi Văn Thìn, xã An Ninh, huyện  Tiền Hải

 

Ðề nghị sớm dịch chuyển cột điện nằm giữa đường giao thông

 

 

Cử tri chúng tôi thường xuyên theo dõi hoạt động của HÐND tỉnh qua Báo Thái Bình và Ðài Phát thanh Truyền hình Thái Bình, nhất là các cuộc tiếp xúc cử tri. Chúng tôi rất mừng vì nhiều ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp đã được quan tâm giải quyết. Nhân dịp HÐND tỉnh họp kỳ cuối năm, tôi gửi một ý kiến cũng là tâm tư, nguyện vọng của nhiều cử tri, mong được quan tâm giải quyết.

 

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã chỉnh trang diện mạo thôn xóm, mở rộng đường giao thông nông thôn để thuận tiện việc và đi lại của người dân. Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, đường giao thông liên xã, liên thôn đã được mở rộng nhưng vẫn còn những cột điện nằm giữa đường chưa được dịch chuyển. Không chỉ mất mỹ quan mà còn gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, nguy hiểm cho người dân nhất là khi đi lại vào ban đêm.

 

Xã An Ninh chúng tôi cũng còn những cột điện nằm giữa đường, đã đề nghị dịch chuyển từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được ngành điện quan tâm xử lý. Qua báo chí, tôi kiến nghị HÐND tỉnh chỉ đạo ngành điện sớm có phương án phối hợp với chính quyền địa phương, kịp thời dịch chuyển các cột điện nằm giữa đường, trả lại lòng đường thông thoáng để người người dân yên tâm khi tham gia giao thông. Ðồng thời đề nghị HÐND tỉnh giám sát sát sao UBND tỉnh và các ngành trong thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

 

* Ông Vũ Trung Tiến, xã Ðông Minh,  huyện Tiền Hải

 

Cần hỗ trợ và có giải pháp chiến lược cho người nuôi ngao

 

 

Hiện tổng diện tích nuôi ngao của xã Ðông Minh có diện tích 332 ha, gồm 414 hộ nuôi và một doanh nghiệp vốn đầu tư gần 170 tỷ đồng, sản lượng hàng năm đạt 7.000 tấn. Năm 2012 - 2013, do tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiên tai... khiến 30% diện tích nuôi ngao bị chết, sản lượng thấp, giá ngao giảm khoảng 10.000 đồng/kg, lượng hàng tiêu thụ chậm. Mặc dù UBND xã đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hành, nhất là trong đôn đốc thu nợ đọng, nhưng do khó khăn chung của hộ nuôi ngao dẫn đến tình trạng nợ đọng tiền thuê đất, gây thất thu ngân sách nhà nước.

 

Ðề nghị HÐND, UBND tỉnh tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có Ðông Minh lùi thời gian thực hiện quy hoạch theo Quyết định 1519/QÐ-UBND của UBND tỉnh đến năm 2015 triển khai đồng loạt sẽ phù hợp với giai đoạn 2015 - 2020. Ðồng thời xem xét điều chỉnh giá cho thuê phù hợp thực tế và chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện cho hộ nuôi vay vốn ưu đãi với thời gian trung hạn do thời gian nuôi ngao phải từ 24 - 30 tháng.

 

Ðến nay, nguồn giống ngao chủ yếu được nhập từ các tỉnh khác như  Nam Ðịnh, Bến Tre, Sóc Trăng... và một phần được khai thác tự nhiên, trong tỉnh chỉ cung cấp được 15 - 20% lượng ngao giống. Ðể chủ động nguồn giống, kiểm soát được dịch bệnh và tăng sản lượng ngao, cần có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở sản xuất và cung cấp giống ngao. Cùng với đó đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến và có giải pháp tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là thị trường xuất khẩu.

 

 TỔ PHÓNG VIÊN

  • Từ khóa