Thứ 7, 27/07/2024, 06:47[GMT+7]

Hội Nông dân Tự Tân Tạo điều kiện giúp hội viên phát triển kinh tế

Thứ 4, 18/12/2013 | 08:46:25
878 lượt xem
Tự Tân (Vũ Thư) là xã thuần nông, kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Ðể nâng cao đời sống cho hội viên, thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển, Hội Nông dân Tự Tân luôn xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của mình, coi công tác tuyên truyền là mũi nhọn, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là trọng tâm.

Hội viên Hội Nông dân Tự Tân (Vũ Thư) phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình gia trại.

Hội Nông dân xã Tự Tân hiện có 1.211 hội viên sinh hoạt ở 9 chi hội. Hàng năm, Hội đều triển khai các hoạt động hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên, gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Thường xuyên vận động cán bộ hội viên tích cực lao động sản xuất, mở mang ngành nghề thủ công. Tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí để đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tổ chức cho hội viên đăng ký thi đua.

Ðến nay, toàn Hội có 1.025 hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi 3 cấp, đạt tỷ lệ 85%. Hội thường xuyên quan tâm, đến việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở các lớp dạy nghề cho các hội viên để tận dụng hết thời gian trong lúc nông nhàn, giúp hội viên có thêm thu nhập. Thời gian qua Hội đã mở được 6 lớp về chăn nuôi - thú y, trồng trọt cho 359 lượt hội viên tham gia học tập. Thành lập câu lạc bộ chăn nuôi, là nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kiến thức giữa các hội viên.

Các thành viên trong câu lạc bộ hỗ trợ nhau mua thức ăn chăn nuôi và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển bền vững chăn nuôi ở địa phương. Áp dụng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới và tiến bộ kỹ thuật như mô hình đệm lót nền vi sinh trong chăn nuôi lợn. Tuy mới triển khai, song mô hình bước đầu đã cho kết quả khả quan. Ðàn lợn của 10 hộ tham gia mô hình đều phát triển khỏe mạnh, trọng lượng đàn lợn trong cùng thời gian tăng so với nuôi bình thường.

Không chỉ giúp về kiến thức KHKT, con giống Hội Nông dân xã còn đứng ra tín chấp ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện. Hội duy trì 4 tổ vay vốn từ 3 nguồn với tổng số vốn lên đến gần 9 tỷ đồng cho 458 hộ vay, trong đó vốn vay chiếm tỷ lệ cao nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 6 tỷ 455 triệu đồng, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 2 tỷ 264 triệu đồng và vốn Quỹ Trung ương Hội 500 triệu đồng... Ban Chấp hành Hội đã đôn đốc hội viên thực hiện tốt việc trả lãi đúng kỳ hạn, sòng phẳng.

Các quy trình thực hiện bình xét cho vay, thu nợ, thu lãi đều được tiến hành theo đúng quy định của ngân hàng và thường xuyên có những cuộc kiểm tra sử dụng vốn đối với các hội viên. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như xây dựng trang trại, gia trại, mở xưởng cơ khí, cây cảnh... Trên địa bàn đã hình thành hàng chục gia trại vừa và nhỏ, thu lãi trên 100 triệu đồng/gia trại mỗi năm.

Theo chân ông Lại Xuân Vẻ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tự Tân đi thăm các mô hình làm kinh tế giỏi của địa phương, chúng tôi thực sự cảm phục tinh thần và nghị lực làm giàu của những nông dân nơi đây. Ðến thăm mô hình gia trại của gia đình ông Trịnh Xuân Biều, thôn Phù Sa, từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn sản xuất, những năm gần đây, nhận thấy mô hình gia trại nuôi gà, ngan, có thể phát triển kinh tế gia đình nên ông mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo mô hình gia trại.

Với diện tích 4.000 m2, ông Biều nuôi 1.600 con gà, 600 con ngan và đầu tư 2 máy ấp trứng với số vốn hàng chục triệu đồng. Nguồn thu từ gà, ngan và bán giống gia cầm đã cho gia đình ông khoản lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn nhiều hội viên nông dân Tự Tân phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi như Lâm Văn Hiến, Nguyễn Trọng Hùng, (thôn Phù Sa), Nguyễn Văn Ngọc (thôn Phú Lễ Thượng)...

 Thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, ông Lại Xuân Vẻ cho biết thêm: “Chúng tôi tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân cùng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Những hội viên, nông dân có kỹ thuật thâm canh giỏi thì hướng dẫn cho những người chưa am hiểu để cùng nhau sản xuất, tạo điều kiện cho những hội viên nghèo vượt khó vươn lên cải thiện kinh tế, từng bước ổn định và phát triển cuộc sống. Ðồng thời đề xuất với các ngành chức năng hỗ trợ thêm các lớp tập huấn kỹ thuật và vốn để hội viên có điều kiện phát triển kinh tế”.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa