Thứ 7, 18/05/2024, 18:53[GMT+7]

Phát huy kết quả, khắc phục hạn chế, nâng chất lượng Giáo dục - Đào tạo

Thứ 2, 30/12/2013 | 10:44:21
868 lượt xem
Năm 2013 là năm đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận đối với ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD - ÐT), song bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Ðồng chí Ðào Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở GD - ÐT đã trả lời phỏng vấn Báo Thái Bình về một số vấn đề của ngành nhân dịp năm mới 2014.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Kiến Xương) trong giờ Tin học.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của năm học 2012 - 2013 cũng như những hoạt động của ngành từ đầu năm học 2013 - 2014 đến nay?

Ðồng chí Ðào Kim Phượng: Năm học 2012 - 2013, ngành GD - ÐT duy trì tốt số lượng học sinh đến lớp ở các ngành học, cấp học; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (Bộ GD - ÐT công nhận cuối năm 2012); nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2; chất lượng, các tiêu chí phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được củng cố và nâng cao. Thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, có 57/72 học sinh đạt giải trong đó 7 giải nhì, 30 giải ba và 20 giải khuyến khích. Tất cả các đội tuyển tham dự đều đạt giải, trong đó 4 đội có 100% học sinh đoạt giải. Thi giải toán qua mạng, khối THCS xếp thứ nhất toàn quốc, đạt cúp vàng toàn đoàn; thi Tiếng Anh qua Internet xếp thứ 5 toàn quốc. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,61%, bình quân điểm thi đại học xếp thứ 4 toàn quốc, có 3 em đỗ thủ khoa, 529 em đạt từ 25 điểm trở lên, số học sinh đạt điểm cao của Thái Bình xếp thứ 2 toàn quốc. Toàn ngành chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trong năm học đã xây dựng thêm 20 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 7 trường THCS và 1 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Bước vào năm học 2013 - 2014, toàn ngành đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Ðảng các cấp về GD - ÐT và đề ra mục tiêu cụ thể đối với từng nhiệm vụ. Các hoạt động được triển khai tích cực ngay từ đầu năm học như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý dạy thêm, học thêm; giám sát thu - chi của các nhà trường; triển khai thí điểm việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học qua thi tuyển; triển khai xây dựng mô hình trường học mới theo hướng chuẩn hóa; xây dựng các điển hình trong giáo dục đạo đức, lối sống, trong dạy tốt, học tốt. Ngành GD - ÐT hy vọng với những hoạt động mới, cụ thể sẽ đem lại kết quả cao trong năm học 2013 - 2014.

Phóng viên: Trong thời gian qua, việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, lạm thu trong trường học được dư luận quan tâm đồng thời cũng nhận được sự chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh. Ngành có kế hoạch, giải pháp gì đối với các vấn đề trên?

Ðồng chí Ðào Kim Phượng: Về vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm, Sở GD - ÐT đã trình UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý toàn diện việc dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức với các biện pháp cụ thể để khắc phục như: tăng cường tuyên truyền cho giáo viên không dạy thêm, phụ huynh học sinh không cho con em học thêm ngoài nhà trường; vận động các ngành, địa phương phối hợp với ngành GD - ÐT tham gia giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm tại tổ dân phố, thôn xóm để phát hiện, ngăn chặn các lớp dạy thêm ngoài giờ đối với học sinh tiểu học; phối hợp tổ chức cho giáo viên ký cam kết với nơi cư trú không dạy thêm tại nhà riêng. Bên cạnh đó, Sở GD - ÐT thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất về dạy thêm, triển khai quy định hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đối với giáo viên trong trường đến các đơn vị giáo dục để triển khai xuống các trường học.

 Về tình trạng lạm thu và sử dụng các khoản thu trong nhà trường, Sở GD - ÐT đã hướng dẫn công tác tài chính năm học, hướng dẫn cụ thể về các khoản không được phép thu nhằm khắc phục triệt để tình trạng lạm thu, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện đúng các quy định của Nhà nước. Ðối với các đơn vị trực thuộc, việc kiểm tra công tác tài chính được thực hiện thông qua các đợt kiểm tra đầu năm học, thanh tra toàn diện, thanh tra chuyên đề, duyệt quyết toán để nắm bắt tình hình thực hiện của các đơn vị. Ðối với các đơn vị thuộc cấp huyện quản lý, thường xuyên chỉ đạo thông qua các kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm học, qua kiểm tra đầu năm học, kiểm tra thi đua cuối năm học, thông qua thanh tra giáo dục và qua báo cáo công khai theo Thông tư số 09 của Bộ GD - ÐT, từ đó kịp thời nắm bắt thông tin để xử lý đúng, trúng.

Phóng viên: Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” vừa được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành. Ngành đã có kế hoạch gì để đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn hoạt động của mỗi cơ sở GD - ÐT  và mỗi cán bộ, giáo viên?

Ðồng chí Ðào Kim Phượng: Về nội dung này, sau khi Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, ngành GD-ÐT đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục trong toàn ngành tổ chức nghiên cứu, học tập Nghị quyết cho toàn thể cán bộ, giáo viên; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng trong ngành GD-ÐT, các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý và giáo viên; mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nghiên cứu và học tập Nghị quyết nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Ngành cũng tham mưu xây dựng Ðề án nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2014 - 2015 và những năm tiếp theo; Ðề án tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ giáo viên, học sinh.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm kiện toàn bộ máy quản lý giáo dục, đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và giáo viên thông qua việc xây dựng các đề án, kế hoạch quy hoạch cán bộ, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị giáo dục. Ngành tiếp tục đẩy mạnh việc chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong GD - ÐT, xây dựng nền nếp kỷ cương như: thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng nền nếp kỷ cương trong trường học.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ðặng Anh

(Thực hiện)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày