Thứ 6, 09/08/2024, 07:25[GMT+7]

Kiến Xương - Thái Bình Trăn trở của những người làm công tác truyền thanh cơ sở

Thứ 5, 30/09/2010 | 15:49:54
3,096 lượt xem
Toàn tỉnh hiện có trên 850 cán bộ làm công tác truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn. Mặc dù phụ cấp còn thấp nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự đam mê, nhiệt huyết với nghề, đa số đội ngũ cán bộ đài cơ sở vẫn cần mẫn, hăng say với công việc.

Một buổi phát thanh của Đài TT xã Bình Thanh- Kiến Xương -Thái Bình. Ảnh: Ngọc Linh

Cứ đều đặn mỗi buổi sáng, những người trực đài phải thức dậy từ rất sớm để tiếp âm Đài tiếng nói Việt Nam, rồi chương trình của đài tỉnh, đài huyện. Mùa hè đã vậy, còn mùa đông vào những ngày mưa rét, quả thật mới thấy hết sự vất vả của những “người nhà đài”. Ngoài tiếp âm chương trình hàng ngày, mỗi tuần các đài xã phải xây dựng từ 1 đến 3 chương trình phát thanh của địa phương. Mỗi chương trình từ 15 đến 20 phút. Vào các đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh, lũ bão.... đài xã phải thông tin  nhanh, kịp thời chính xác những chủ trương chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương tới mọi người dân.

Chúng tôi đến đài truyền thanh thị trấn Tiền Hải, đơn vị thuộc “tốp” dẫn đầu của huyện. Được tận mắt xem sổ nhật ký tiếp âm chương trình, được xem những tập tin, bài trong chương trình tuyên truyền của địa phương còn lưu giữ cẩn thận thành từng tập riêng, có chữ ký phê duyệt của lãnh đạo xã. Điều đó đủ thấy được tinh thần trách nhiệm làm việc của anh em. Anh Nguyễn Văn Vĩnh - biên tập viên, kiêm phát thanh viên của Đài  cho biết: Để làm được 3 chương trình gốc một tuần như hiện nay anh em đài cơ sở rất vất vả, phải bám sát các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, an ninh, quốc phòng diễn ra trên địa bàn xã và tất cả các thôn, xóm để viết tin, bài tuyên truyền. Để chương trình có chất lượng anh em mất rất nhiều thời gian, công sức. Tuy đồng phụ cấp không bảo đảm cuộc sống nhưng chúng tôi vẫn làm không hẳn vì thu nhập mà vì tình yêu và sự đam mê nghề nghiệp.

Rời thị trấn, chúng tôi về Nam Trung. Trên đường đi, anh Bình - giám đốc đài Tiền Hải cho biết: Đài Nam Trung là một rong những đài có cách làm riêng, có nhiều chương trình hay, sáng tạo, độc đáo, phục vụ cho từng nhóm đối tượng khác nhau. Về đến nơi, được nghe anh Nguyễn Trường Sinh - trưởng đài xã nói chuyện, chúng tôi mới thấy được sự năng động, sáng tạo của cán bộ cơ sở. Để bảo  đảm các chương trình tuyên truyền của địa phương không bị dán đoạn do việc cắt điện luân phiên, có những buổi các anh đã phải tranh thủ phát  chương trình tuyên truyền của địa phương  trước sau đó mới tiếp âm đài tỉnh, đài huyện.

Nam Trung là xã địa bàn rất rộng, trên 70% đồng bào theo đạo thiên chúa nên việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con để xây dựng chương trình tuyên truyền phù hợp cũng rất quan trọng. Đài xã còn duy trì được các chuyên mục phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau: như chuyên mục tiếng nói trẻ thơ có sự tham gia của các em học sinh, hay chương trình lá thư thính giả.

Trong các buổi giao ban với Đài truyền thanh cơ sở tại các cụm xã của huyện Kiến Xương, chúng tôi còn được nghe nhiều tâm tư, trăn trở của các đồng chí trưởng đài. Ý kiến của chị Hồng Tươi trưởng đài xã Vũ Hoà đề nghị: Hệ thống truyền thanh có dây đã xuống cấp nghiêm trọng. Để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới, chúng tôi mong muốn được các cấp hỗ trợ để làm hệ thống truyền thanh không dây. Về công tác biên tập, viết tin bài còn hạn chế, chất lượng chương trình chưa cao, chúng tôi rất muốn được trên quan tâm mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ.

Có nhiều anh chị nói rằng do địa bàn xã nhỏ, nên có ít vấn đề để viết nên chương trình cuả xã nhìn chung còn nghèo nàn. Nhưng ngược lại có cán bộ đài xã lại cho rằng có thể làm được nhiều chương trình hơn nữa nếu biết cách làm. Anh Lại Duy Hưng trưởng đài xã Vũ Ninh chia sẻ: Để chương trình đài xã thiết thực, bổ ích, thu hút được người nghe, trước hết chúng tôi phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong tháng, trong tuần. Thứ hai phải có đội ngũ cộng tác viên là trưởng các ban, ngành đoàn thể và những cán bộ về hưu tâm huyết và có khả năng viết. Thứ 3 biết cách tích luỹ và khai thác tài liệu tuyên truyền để xây dựng các chuyên mục như chuyên mục: khuyến nông khai thác từ báo nông nghiệp, chuyên mục sức khoẻ khai thác từ báo Sức khoẻ và Đời sống, chuyên mục Dân số, Gia đình và Trẻ em từ báo Gia đình và xã hội.

Ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng những cán bộ đài xã vẫn tìm cách để xoay xở lo toan cho cuộc sống, vẫn yêu nghề, vẫn miệt mài gắn bó với công việc. Còn ở địa bàn thành phố, với đồng thù lao ít ỏi, trong điều kiện giá cả leo thang như hiện nay, họ có yêu nghề, còn tâm huyết với công việc? Để trả lời câu hỏi này chúng tôi tìm gặp chị Phạm Tú Quyên - Trưởng đài phường Bồ Xuyên. Chị tâm sự: Theo tôi, với đồng phụ cấp như vậy mà ở địa bàn thành phố vẫn còn những người gắn bó với công tác truyền thanh, đủ nói lên rằng họ rất yêu nghề. Nếu không yêu nghề họ đã bỏ để làm việc khác thu nhập trong một vài ngày bằng cả tháng làm cho đài phường. Chúng tôi chỉ mong muốn được các cấp, nhất là chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa về vật chất và tinh thần để chúng tôi phấn khởi yên tâm công tác.

Vâng, những người làm công tác truyền thanh cơ sở, có lúc họ như những phóng viên thực thụ, bám sát thực tiễn, ban ngày mải mê với công việc đồng áng, gia đình, ban đêm lại cặm cụi để nghiên cứu tài liệu, viết tin bài. Nhưng có điều rất đặc biệt là tin bài của họ không hề được trả nhuận bút, và họ coi việc viết lách của mình như là một trách nhiệm, như một niềm say mê, như một vinh dự mà cấp uỷ, chính quyền và nhân dân giao phó. Dù không được gọi là nhà báo, không được gọi là phóng viên mà đôi khi gia đình, bạn bè còn gọi họ là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng vượt lên khó khăn họ vẫn cần mẫn làm việc, họ yêu công việc và gắn bó với nó như máu thịt của mình.

Chúng ta hy vọng tới đây, họ - những người làm công tác truyền thanh cơ sở sẽ được các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm hơn nữa để những nhà báo “xã”, nhà báo “thôn” phát huy được hết khả năng, tâm huyết của mình cho công việc, góp phần đưa sự nghiệp truyền thanh ở Thái Bình tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong thời kỳ mới.

Phạm Thu Hương  


  • Từ khóa