Thứ 2, 07/07/2025, 11:04[GMT+7]

Khi cử nhân đi bán hàng

Thứ 2, 20/01/2014 | 10:39:37
4,101 lượt xem
Cử nhân thế kỷ 21 không hiếm như thời phong kiến Việt Nam, cũng không được bố trí công việc như những năm tháng của thời kỳ bao cấp; họ tự tìm cho mình con đường khởi nghiệp bằng công việc “tay trái”, bất chấp những rào cản từ dư luận!

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

Ngày nay, việc sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo, chấp nhận đi bán hàng tại các thành phố lớn  không còn là chuyện hiếm gặp. Nhìn nhận thực tế này, không ít người dân ở các làng quê có những thái độ khá giống nhau, rằng: như thế là “toi cơm áo của bố mẹ”, bố mẹ đầu tư cho học hành là để mong con cái không phải sống cuộc sống vất vả, làm rạng danh cho gia đình, dòng họ nhưng học xong đi bán hàng thì “mèo lại hoàn mèo”, bố mẹ “mất cả chì lẫn chài”; học đại học sau đó đi bán hàng thì “không bằng những đứa học hết lớp 9”...

Vì sợ “lời ra tiếng vào” của hàng xóm, không ít tân cử nhân cầm tấm bằng đại học trên tay và ở nhà “chờ việc” nhưng cũng có không ít bạn trẻ sau một thời gian lăn lộn tìm một công việc đúng chuyên ngành không được đã đầu quân làm nhân viên bán hàng cho các công ty, siêu thị, bất chấp “dư luận” với mong muốn sẽ trang trải được cuộc sống của bản thân sau khi ra trường, đồng thời học tập những kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm  từ thực tiễn cuộc sống, chờ cơ hội để xin được một công việc đúng với chuyên ngành đào tạo.

Hiệp, 23 tuổi, quê ở huyện Thái Thụy, tốt nghiệp loại khá chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - truyền thông, Trường Ðại học Công nghệ thông tin – Truyền thông (thuộc Ðại học Thái Nguyên) đã quyết định xin vào làm nhân viên bán hàng điện tử cho Trung tâm Thương mại Victory Plaza (Thành phố Thái Bình) chia sẻ: “Thời gian học đại học, em chỉ biết tập trung vào việc học, những mong sau này có tấm bằng đại học trong tay đi tìm việc. Nhưng khi có được bằng rồi mới thấy hết được khó khăn để có một công việc phù hợp với chuyên ngành. Ða số các công ty có nhu cầu tuyển dụng thường kèm với yêu cầu về kinh nghiệm công tác, tối thiếu là 2 - 3 năm cùng nhiều kỹ năng khác.

Ðó là điều mà những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường như bọn em chưa thể có được. Sau 3 tháng gửi hồ sơ ứng tuyển cả trực tiếp lẫn qua mạng internet, đi phỏng vấn không dưới 10 công ty ở Hà Nội, em quyết định xin vào làm nhân viên bán hàng điện tử tại Victory, vừa để không phải tiếp tục sống dựa dẫm vào bố mẹ, vừa để có điều kiện để thực hành phương pháp truyền thông tư vấn khách hàng, tìm hiểu về các mặt hàng điện tử, lấy kinh nghiệm để sau này gửi hồ sơ ứng tuyển vào những chỗ làm mong muốn tại các công ty điện tử, truyền thông lớn”.

Cũng cùng quan điểm với  Hiệp, Hải - sinh năm 1990, quê ở huyện Vũ Thư, nhân viên bán hàng hãng Poca (dòng sản phẩm bim bim của Công ty Pepsi Co) chia sẻ: “Tìm một công việc đúng chuyên ngành trong thời buổi này với sinh viên đại học mới tốt nghiệp thực sự là rất khó. Công ty nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm trong khi chỉ tiêu vào các cơ quan Nhà nước thì vô cùng hạn chế. Tốt nghiệp Ðại học Giao thông Vận tải từ tháng 4/2012, về quê, em xin làm bán hàng cho Poca.

Ngày ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng tại kho của nhà phân phối đặt ở Thành phố Thái Bình, em xếp hàng lên xe và đến giao, bán tại 35 điểm được phân công. So với việc ở nhà “đợi việc”, việc đi bán hàng giúp em có điều kiện tiếp xúc với nhiều người, mở mang hiểu biết, khả năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục người khác, rèn luyện tính kỷ luật, giờ giấc làm việc và nhất là không để tuổi trẻ của mình trôi qua vô ích. Khi được hỏi: “Có định gắn bó lâu dài với công việc này không”, với nụ cười trên môi, Hải cho biết: “Em chỉ nghĩ bán hàng là công việc tạm thời để em rèn luyện bản thân, hiểu biết cuộc đời “ngoài trang sách”, chứ không có ý định sẽ trung thành với công việc này. Không thể để tấm bằng đại học của mình vô nghĩa chị ạ!”

Mỗi công việc, dù dễ, dù khó đều dạy cho ta rất nhiều bài học. Trong thời buổi số lượng cử nhân đại học ra trường ngày một nhiều, kéo theo đó là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, chuyện không ít cử nhân chọn bán hàng là “nơi nương náu” tạm thời để sống tự lập, phát triển các kỹ năng, có thêm những kinh nghiệm, chờ cơ hội tìm kiếm một công việc phù hợp với sở trường trong tương lai là chuyện “thường thấy”.

Tuy nhiên, việc làm này của các cử nhân chưa nhận được cái nhìn thiện cảm từ xã hội bởi suy nghĩ học đại học để sau này làm “ông nọ bà kia” vẫn thường trực trong tư tưởng nhiều người dân từ trước đến nay. Cử nhân thế kỷ 21 không hiếm như thời phong kiến Việt Nam, cũng không được bố trí công việc như những năm tháng của thời kỳ bao cấp; họ tự tìm cho mình con đường khởi nghiệp bằng công việc “tay trái”, bất chấp những rào cản từ dư luận!

Vũ Hường

  • Từ khóa