Hân hoan chào đón năm mới!
* Tại Thành phố Thái Bình
Với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nên từ gần một tháng nay trên địa bàn Thành phố Thái Bình đã diễn ra nhiều hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 như: Hội chợ mừng Đảng - mừng Xuân từ 19 - 26/1 tại Nhà Văn hóa Lao động, Hội chợ hoa tại Quảng trường 14/10, Triển lãm Mỹ thuật và Hội Báo xuân... phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và tham quan, mua sắm của nhân dân.
Quảng trường 14/10 thu hút khá đông các bạn trẻ
Trong thời khắc chuẩn bị đón chào năm mới Giáp Ngọ, thời tiết tại Thành phố khá lý tưởng, trời quang mây, không mưa và ấm hơn nhiều so với các năm trước nên rất thuận lợi cho các hoạt động vui chơi, đi lại, nhất là hoạt động giải trí ngoài trời. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì lượng người tham gia giao thông không quá đông đúc. Hầu hết các tuyến phố khu vực trung tâm như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Lê Quý Đôn... tình hình giao thông khá trật tự và không xảy ra bất kỳ điểm ùn tắc nào.
Mặc dù các quán ăn và dịch vụ sửa chữa hầu hết đã đóng cửa từ sáng ngày 30 nhưng các cửa hàng thời trang, bánh kẹo, đồ uống... đều mở cửa đến gần giao thừa phục vụ người dân. Tuy vậy, lượng người đi mua sắm không nhiều, ngoại trừ một số đại lý bánh kẹo và đồ uống lớn, có uy tín như Bảy Liên, Kim Anh... là đông khách, còn lại các cửa hàng nhỏ lẻ gần như không còn khách mua sắm.
Một điểm bán đồ chơi trước Nhà Văn hóa Lao động
Với các bạn trẻ, phần lớn chọn các quán nước ngồi tâm sự cùng nhóm bạn, đông nhất là khu vực sân Quảng trường 14/10. Tại đây còn có điểm biểu diễn ca nhạc miễn phí phục vụ người xem. Các tiết mục trong đêm diễn chủ yếu là các bài hát và hoạt cảnh ca ngợi quê hương, đất nước, đón chào xuân mới và tình cảm với biển đảo của quê hương.
Đang chăm chú theo dõi chương trình văn nghệ, vợ chồng anh Lê Trọng Vũ (Thị trấn Vũ Thư) cho biết: Trước đây vợ chồng anh thường chọn đón giao thừa tại nhà nhưng gần đây anh chị chọn đi chơi bên ngoài để cảm nhận không khí tấp nập, đông vui. Vì thế ngay từ chiều 30 Tết anh chị đã chuẩn bị các đồ lễ cúng đêm giao thừa để tối đến cả nhà cùng đi chơi.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Công trình đô thị vẫn miệt mài làm việc.
Để giữ an ninh trật tự cho nhân dân vui Xuân, đón Tết, lực lượng chức năng được tăng cường và có mặt tại hầu hết các trọng điểm giao thông và điểm vui chơi công cộng. Trên các tuyến phố thường xuyên có lực lượng cơ động đi tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm pháp luật giao thông. Đồng thời các xe tuyên truyền lưu động cũng tích cực hoạt động, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm Pháp lệnh 16 và Nghị định 36 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Cùng với lực lượng nòng cốt, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng tích cực vào cuộc tham gia bảo đảm an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Văn Cận, tổ 7, phường Trần Lãm cho biết: Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng được tập thể tín nhiệm nên năm nào ông cũng cùng lực lượng công an, quân sự phường và tổ dân phố tham gia giữ gìn an ninh trật tự, ngăn chặn các vi phạm về pháo, khi về nhà thường đã gần sáng. Rất mừng là vợ và các con ông đều hiểu và chia sẻ với công việc mà ông đang làm. Không chỉ chú trọng tại khu vực trung tâm, Công an Thành phố còn tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xuống các phường, xã phối hợp với lực lượng tại chỗ duy trì tuần tra, canh gác, bảo đảm an ninh trật tự.
Lực lượng Cơ động làm nhiệm vụ tại Quảng trường 14/10
Càng gần thời khắc đón giao thừa, lượng người tham gia giao thông và có mặt tại các điểm công cộng càng giảm, hầu hết mọi người đều chọn quây quần bên người thân đón giao thừa tại nhà. Riêng khu vực Bến xe khách trung tâm, thời điểm 20 giờ các quầy bán vé đều đóng cửa, các quán hàng khu vực trong bến cũng đã dọn sạch sẽ. Những người khách cuối cùng đều đã về sum họp gia đình, không có trường hợp nào lỡ xe, lỡ tuyến.
Khu vực Bến xe trung tâm không còn bất kỳ hành khách nào
* Tại Hưng Hà
Đồng hồ chỉ 21 giờ 30 phút, 266 thôn, làng, khu, tổ dân phố ở 35 xã, thị trấn ở Hưng Hà đã đồng loạt tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng – mừng Xuân, ôn lại truyền thống tốt đẹp của vùng đất “địa linh nhân kiệt” đồng thời hạn chế thấp nhất các tai tệ nạn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán nói chung và đêm giao thừa nói riêng.
Trong đêm giao thừa, đi khắp các địa phương ở Hưng Hà, từ thị trấn về đến các vùng nông thôn xa xôi, không khí đón xuân mới của các tầng lớp nhân dân rộn ràng từng con đường, ngõ xóm. Nhà nhà treo cờ Tổ quốc, tại các thôn, làng, khu, tổ dân phố đều trang trí băng rôn, khẩu hiệu, đèn trang trí, điện chiếu sáng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và hái hoa dân chủ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.
Ông Vũ Văn Cẩn, thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang vui mừng khi có các điểm tổ chức văn hóa, văn nghệ trong đêm giao thừa.
Ông Vũ Văn Cẩn, thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang cho biết: “Nhân dân trong thôn chúng tôi đều thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh 16, Nghị định 36 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Việc huyện, xã và các thôn, làng tổ chức các chương trình văn nghệ trong đêm giao thừa có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân gặp gỡ, giao lưu rất vui vẻ”.
Nhân dân Hưng Hà tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ và hái hoa dân chủ, tại Nhà Văn hóa huyện.
Để nhân dân đón Tết đầm ấm, an toàn, UBND huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các đơn vị chức năng duy tu, bảo dưỡng nhiều tuyến đường và phát quang hai bên đường trục chính do huyện quản lý. Đồng thời, cắt dán và in 608 khẩu hiệu băng đỏ, kẻ vẽ 817 khẩu hiệu biển tường... phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động các ngày lễ lớn của dân tộc, các nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương. Trong đêm giao thừa, mỗi thôn, làng, khu, tổ dân phố đều chuẩn bị 1 màn hình, tăng âm, loa máy, 1 đầu thu phát hình và 1 cây lộc để hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ. Tại các điểm tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhân dân còn được tìm hiểu về những nét văn hóa của vùng đất cổ xưa. Những ai tham gia giao lưu, trả lời được câu hỏi của ban tổ chức, hoặc tham gia biểu diễn văn nghệ đều có cơ hội “hái lộc đầu xuân” với những phần quà hấp dẫn.
Lực lượng Công an huyện Hưng Hà và Công an xã Đoan Hùng thường trực làm công tác bảo đảm an ninh trật tự đêm giao thừa.
Việc Hưng Hà tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ không chỉ mang lại đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn động viên được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm 2014.
Các em nhỏ vui chơi trong đêm giao thừa tại Nhà Văn hóa huyện Hưng Hà.
23 giờ 30 phút, các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng – mừng Xuân trong đêm đón giao thừa ở Hưng Hà khép lại, các tầng lớp nhân dân phấn khởi, vui vẻ về nhà để chuẩn bị thời khắc quan trọng khi đồng hồ chỉ sang ngày mới của năm Giáp Ngọ 2014. Nhìn chung, các hoạt động văn hóa, văn nghệ do huyện, xã, thị trấn và các thôn, làng, khu, tổ dân phố tổ chức đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, bảo đảm an toàn, lành mạnh, vui tươi.
* Tại Đông Hưng
20 giờ 30 phút, đường từ Thành phố Thái Bình về Thị trấn Đông Hưng tấp nập người xe, hai bên rực rỡ ánh sáng nhiều màu sắc, tiếng loa truyền thanh tiếp tục tuyên truyền thực hiện nghiêm Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Xã Thăng Long huyện Đông Hưng tổ chức các hoạt động văn hóa đón giao thừa .
21 giờ, tại xã Đông Phương, buổi biểu diễn mục văn nghệ chào xuân những ca khúc mùa xuân, những ca khúc ca ngợi quê hương Đông Phương anh hùng do các hạt nhân văn nghệ tại các thôn trong xã biểu diễn. Những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” được biểu diễn trên một sân khấu đủ rộng và phía dưới sân khấu, đông đảo cán bộ, nhân dân chăm chú đón xem, những tràng pháo tay không ngớt.
Cô Nguyễn Thị Liên, thôn Nam, xã Đông Phương cho biết: “Năm nào cũng vậy, xã đều tổ chức chương trình văn nghệ chào năm mới. Cứ chiều ngày cuối cùng của năm, khi nghe tiếng loa truyền thanh thông báo, mọi người trong thôn trong xã lại rủ nhau đi xem từ lúc 7 giờ. Các tiết mục văn nghệ mặc dù không “chuyên nghiệp” như trên ti vi nhưng đều hấp dẫn người xem vì đó là hàng xóm, là cháu con, là người trong xã mình biểu diễn”.
Một tiết mục văn nghệ chào xuân mới tại xã Đông Phương (Đông Hưng)
Còn em Nguyễn Văn Điệp, sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông, thành viên của Hội quán sinh viên Đông Phương cho hay: “Hội quán sinh viên Đông Phương thành lập được 2 năm, tập hợp sinh viên trong xã đang học tại các trường cao đẳng, đại học trong toàn quốc. Mỗi khi nhà trường có lịch nghỉ Tết, bọn em liền về sớm, tập luyện các tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong tối 30 Tết, góp chút sức trẻ tạo không khí tưng bừng cho đêm văn nghệ chào Xuân”.
22 giờ, từ Đông Xuân về Thị trấn Đông Hưng, đêm 30 bình yên khi nghe vọng vang từ đền – đình Cổ Dũng, xã Đông La (Đông Hưng) một bài chầu văn, tiếng loa truyền thanh vọng vang tiếng thơ trầm ấm.
22 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại UBND huyện Đông Hưng. Ông Lại Thành Kiên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: “Tại các địa phương, không khí đón Xuân tưng bừng trên mọi thôn, xã. Tại một số xã như Đông Các, Thăng Long đã tổ chức múa lân, múa sư tử khắp các tuyến đường trong thôn, xã”. Không khí xuân mới đầy hứa hẹn đang tràn về.
Dóng trống khai xuân chào năm mới tại UBND huyện Đông Hưng
Đúng 0 giờ ngày 1/1/2014 (ngày mồng 1 Tết âm lịch), trong khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng trống chào mừng năm mới được biểu diễn bởi các thành viên của Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện vang lên. Tiếng trống rộn ràng, hào hùng đánh thức truyền thống văn hóa của dân tộc, đánh thức sức sống mùa xuân và dự báo một năm nhiều niềm vui, nhiều phấn khởi với cán bộ, nhân dân huyện Đông Hưng.
Từng tốp, từng tốp người lớn, trẻ nhỏ cầm những nắm hương, dắt tay nhau đi trên vỉa hè. Đông Hưng bình yên không tiếng pháo, chỉ có tiếng nhạc vang những khúc ca xuân. Lực lượng cơ động, công an viên với nụ cười lặng lẽ ngắm nhìn những dòng người qua lại, hương thơm ngập tràn phố xá thôn xóm một mùa xuân mới đang về!
* Tại Thái Thụy
Tại huyện Thái Thụy, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Thụy Văn. Nằm ở phía Bắc của huyện, mặc dù không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới song với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Thụy Văn đã “cán đích” nông thôn mới vào cuối năm 2013. Niềm vui của cán bộ và bà con nhân dân trong xã như được nhân lên gấp bội. Ai cũng vui mừng, phấn khởi xen lẫn tự hào: “Xuân này, quê ta nông thôn mới!”
Các bô lão chuẩn bị cho lễ tế tại đình làng An Định, xã Thụy Văn
7 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại “phố” chợ Giành gần trung tâm xã. Tuy đã là tối ngày 30 Tết song mọi hoạt động mua sắm vẫn nhộn nhịp. Dọc “phố chợ”, đèn hoa được trang hoàng lộng lẫy. Mọi người đều hối hả, tất bật sắm sửa những vật dụng cần thiết cuối cùng để chuẩn bị đón chào năm mới. Không khí chào đón năm mới dường như tưng bừng, náo nhiệt hơn với đêm giao lưu văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương nông thôn mới” tại đình Làng văn hóa An Định. Buổi giao lưu văn nghệ diễn ra sôi nổi, đặc sắc mang đậm văn hóa truyền thống. Từ những điệu múa rồng, múa lân đến lối hát ống giao duyên hay múa kiếm… tất cả đều tập trung hướng tới mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương nông thôn mới.
Đánh chiêng khai Xuân tại đình Đông, thôn Dương Thanh, xã Thụy Dương
Có mặt trước khi buổi biểu diễn bắt đầu từ rất sớm, bác Nguyễn Ngọc Mao (73 tuổi) và bác Trung Quang Tuất (70 tuổi) ở thôn 1, làng An Định thuộc đội tế của làng vui mừng phấn khởi cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên xã đón xuân mới với diện mạo của một xã chuẩn nông thôn mới, bà con nhân dân trong xã đều rất vui mừng, phấn khởi, tự hào. Từ già đến trẻ, ai nấy cũng như trẻ ra vài tuổi”. Trong niềm vui đầu xuân năm mới, các bác gửi lời cảm ơn tới Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của nhân dân, để nhân dân được đón Tết vui vẻ, đầy đủ, hạnh phúc.
Cán bộ, nhân viên Nhà máy Nhiệt điện 2 - Thái Bình thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Lý
Đón xem chương trình văn nghệ và háo hức chờ giờ phút giao thừa thiêng liêng còn có các em nhỏ, những mầm non tương lai của đất nước. Em Vũ Hữu Giang (14 tuổi, thôn 1, làng Hoành Sơn) cho biết: “Được bố mẹ cho đi xem văn nghệ, em thấy rất vui. Em thích nhất là tiết mục múa rồng và múa lân”.
Tiết mục múa kiếm tại đình làng An Định, xã Thụy Văn
Có thể thấy rằng, những điệu múa văn hóa truyền thống chưa bao giờ mất đi vị trí vốn có trong lòng người dân Việt. Đến với buổi diễn văn nghệ còn có những người con xa quê lâu ngày. Em Đào Thị Hương, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về quê ăn Tết chia sẻ cảm xúc: “Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, em vô cùng tự hào; đồng thời tự nhủ sau khi ra trường sẽ trở lại đóng góp, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. Trong không khí vui mừng, phấn khởi đón chào năm mới, đồng chí Nguyễn Mậu Thanh, Phó Chủ tịch HĐND xã khẳng định: “Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thụy Văn quyết tâm giữ vững 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tập trung giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương”.
Đánh trống múa rồng tại đình làng An Định, xã Thụy Văn
Buổi giao lưu văn nghệ dường như đã hâm nóng thêm bầu không khí đón chào năm mới trên mảnh đất Thụy Văn. Người người, nhà nhà đều trông ngóng giờ khắc giao thừa đến thật nhanh để được cùng nhau đến Đền Từ “rước lửa” về đình, “xin lửa” về gia đình để cầu may cho cả năm, để nông thôn mới mãi hiện hữu, vững vàng nơi đây.
Người dân tất bật mua sắm chuẩn bị đón giao thừa tại chợ Giành, xã Thụy Văn
Chúng tôi đến xã Thụy Dương khi thời khắc giao thừa sắp đến. Trong không khí tôn nghiêm thành kính tại Đình Đông (thôn Dương Thanh), ông Bùi Quang Viện, Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia Đình Đông chia sẻ: “Thành lệ từ lâu, cứ đến chiều 30 Tết là các bô lão trong thôn lại có mặt đông đủ để chuẩn bị cho tối giao thừa. Đúng 20 giờ là thời gian làm lễ tế Thành Hoàng để cầu cho dân làng và đất nước được bình an. Thời khắc giao thừa, đình làng đón nhân dân vào dâng hương, xin lộc về gia đình”.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Đoàn Đăng Tuốc, 96 tuổi, người thôn Dương Thanh vẫn chống gậy ra đình từ rất sớm để cùng mọi người làm lễ. Cụ Tuốc tâm sự: “Sống gần hết một thế kỷ, trải qua biết bao thời khắc giao thừa mới biết xã hội càng ngày càng tiến bộ. Khắp nơi ra sức xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa khu dân cư được nâng lên. Những cái tết bình yên, không tiếng pháo nhưng vẫn đậm đà, đầm ấm dư vị cổ truyền của dân tộc”.
Tiết mục hát ống giao duyên mừng Đảng, mừng Xuân tại đình làng An Định, xã Thụy Văn (Thái Thụy)
Đi dưới con đường vào xã Thụy Sơn được trang hoàng cờ Tổ quốc, đèn nháy, đèn lồng rực rỡ… mà chúng tôi ngỡ như đi dưới một góc thành thị. Mùa xuân đã đến thật gần với mỗi gia đình nơi đây. Tại trụ sở UBND xã Thụy Sơn, đồng chí Ngô Văn Chiêm, Chủ tịch UBND xã đang chỉnh trang lại bàn thờ Bác Hồ để chuẩn bị đón giao thừa. Năm nay, toàn xã quyết tâm “không tiếng pháo, an toàn, tiết kiệm”. Đồng chí Ngô Văn Chiêm chia sẻ: “Bên cạnh việc chỉ đạo tổ chức liên hoan văn nghệ đón Xuân tại nhà văn hóa các thôn làng, chính quyền xã đã huy động 177 thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh 16 và Nghị định 36 xuống trực tại địa bàn”.
Hòa chung với không khí đón Xuân của quân và dân tỉnh nhà, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Trà Lý, (xã Thái Đô, Thái Thụy) để cùng chung vui với cán bộ, chiến sỹ đang thực thi nhiệm vụ tại đơn vị. Ai cũng vui, cũng háo hức chờ đợi đến giây phút giao thừa để xem pháo hoa và nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên truyền hình. Cành đào phai bung nở những đóa hoa tươi thắm báo hiệu mùa xuân đã về, chúng tôi lại thấy bồi hồi xúc động khi nhắc đến những người chiến sỹ đang làm nhiệm vụ từ biên giới xa xôi đến nơi đảo xa giữa trùng khơi sóng vỗ, hay những người chiến sỹ đang trực giao thừa để mùa xuân bình yên về trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Trở về khi thời khắc giao thừa đang đến rất gần, không khí nhộn nhịp, tưng bừng, phấn khởi chào đón một mùa xuân mới tràn ngập khắp nơi nơi, hứa hẹn một năm mới nhiều thành công sẽ đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Thái Thụy.
* Tại Kiến Xương
Đúng 16 giờ 30 phút ngày 30/1 (tức ngày 30 tháng Chạp), chúng tôi có mặt tại sân bóng đối diện UBND xã Vũ Quý, nơi được coi là trung tâm mua bán lớn thứ 2 của huyện mỗi dịp Tết đến. Không khí tấp nập người bán, người mua. Trao đổi với chúng tôi, bác Nguyễn Thế Nhuận (thôn 10, xã Vũ Trung) cho biết: “Nghề chính của gia đình tôi là trồng quất nên cả năm chỉ trông chờ vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, tôi bán được gần 100 cây quất nhưng không được giá như năm ngoái bởi sức tiêu thụ kém”. Còn anh Lưu Duy Lân (thôn 3, xã Vũ Quý) chia sẻ: “Lượng mua năm nay giảm khoảng 40% so với năm ngoái. Đến thời điểm này, giá quất, hoa lay ơn được đẩy lên cao hơn so với vài ngày trước”.
Người dân mua quất tại chợ Sóc (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương)
Hiện nay, toàn xã Vũ Quý có khoảng 1.800 hộ dân với 5.023 khẩu. Xã có 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 73 liệt sĩ, 110 hộ nghèo và 29 hộ cận nghèo, khó khăn. Ông Vũ Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước ngày 28/1, xã đã trao 226 suất quà đến các đối tượng chính sách như Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bệnh binh, thương binh”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sợi ( xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) thắp hương cho liệt sĩ Hoàng Mạnh Dương
Rời UBND xã Vũ Quý, chúng tôi tìm đến nhà Bà mẹ Việt
Anh Ngô Tiến Minh (xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương) đang thắp hương cho ông nội là liệt sĩ Ngô Tiến Khoa
Chúng tôi ghé thăm nghĩa trang liệt sĩ nằm ngay cạnh trụ sở UBND xã Vũ Quý cũng là lúc nhà nhà đã lên đèn. Anh Ngô Tiến Minh (thôn 7, xã Vũ Trung), đang thắp những nén nhang tưởng nhớ đến người ông và các anh hùng liệt sĩ. Anh Minh cho biết: “Hàng năm, gia đình tôi vẫn đến thắp hương cho ông nội và các liệt sĩ vào dịp 27/7, Tết Nguyên đán hay Thanh minh. Mỗi lần đến, chúng tôi đều thấy tự hào và hứa với ông sẽ cố gắng sống tốt, tiếp tục hoàn thiện bản thân để góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Đến nhà anh Mai Xuân Thiệp (thôn Đoàn Kết, xã Quang Bình) khi gia đình đang dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị bữa cơm tất niên. Gia đình anh Thiệp là đầu mối chuyên cung cấp thịt trâu, thịt bò cho huyện Kiến Xương và các huyện, thành phố trong tỉnh. Anh Thiệp chia sẻ: “Số lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều, trung bình mỗi ngày gia đình cung cấp khoảng 3 tạ thịt và thu về từ 300.000 – 400.000 đồng. Đến hết trưa nay, gia đình mới bắt đầu nghỉ và sắm sửa để có một cái Tết ấm áp”.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty Điện lực huyện Kiến Xương kiểm tra lưới điện áp huyện Kiến Xương phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014
Tại Công ty Điện lực huyện Kiến Xương, trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Toàn bộ cán bộ, nhân viên đã được huy động để sửa chữa, nâng dung lượng máy. Hơn 600 km đường dây hạ thế thường xuyên được kiểm tra, tu sửa, nâng cấp kịp thời. Đêm 30/12, Công ty đã huy động 100% cán bộ, nhân viên là nam giới (71 người). Qua giao thừa, khoảng 30% cán bộ, nhân viên được về nhà nghỉ ngơi để sáng hôm sau tiếp tục trực tại cơ quan.
Đồng chí Vũ Ngọc Trì, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: “Đúng 20 giờ ngày 30/1, huyện tổ chức đón giao thừa đồng thời làm lễ ra quân kiểm tra tình hình an ninh trật tự và thực hiện Pháp lệnh 16, Nghị định 36 vào thời gian cao điểm đêm giao thừa với 37 tổ ở 37 xã, thị trấn”.
* Tại Tiền Hải
Về Tiền Hải, đường vào các xã đêm nay nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm. Cờ hoa phấp phới báo hiệu một năm mới với nhiều thành công mới. Tại xã Nam Cường, đồng chí Lương Văn Biển, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Do làm tốt công tác tuyên truyền nên tình hình an ninh trật tự ở địa phương rất tốt, chưa có trường hợp vi phạm xảy ra. Năm nay, bà con nhân dân vô cùng phấn khởi vì Nam Cường là một trong 4 xã của huyện Tiền Hải được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhân dân Nam Cường luôn chủ động, sáng tạo nỗ lực phấn đấu vươn lên”.
Chị Trương Thị Súy cùng con trai xem biểu diễn văn nghệ tại Đền thờ Bác Hồ, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải
Chúng tôi khá ấn tượng với hình ảnh của một người mẹ trẻ đưa con đến xem biểu diễn văn nghệ tại Đền thờ Bác Hồ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chị tên là Trương Thị Súy, về làm dâu tại mảnh đất Nam Cường được 4 năm. Mặc dù chị theo đạo Thiên chúa giáo nhưng chị luôn tuân theo những phong tục, lễ nghĩa của nhà chồng. Chị Súy cho chúng tôi biết: “Người dân Nam Cường sống rất tình cảm và trọng người. Chúng tôi rất vui bởi đường làng ngõ xóm sạch, rộng. Đây chính là nhờ chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh và sự đóng góp tích cực của người dân”.
Đoàn Thanh niên Trường THPT Đông Tiền Hải múa hát chào Xuân 2014 tại Đền thờ Bác Hồ.
Anh Bùi Thanh Lịch, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện cho biết: “Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2014, Huyện Đoàn đã trao tặng 15 xe đạp, 262 chăn ấm, 132 đèn chống cận, 56 áo ấm và 498 suất quà cho các đối tượng chính sách, học sinh nghèo vượt khó. Đêm giao thừa, tất cả các cơ sở đoàn đều tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Trước đó, 100% đoàn viên thanh niên huyện đã tích cực tham gia vệ sinh môi trường để chào đón năm mới 2014”.
Thượng tá Nguyễn Duy Sắc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Lân phấn khởi chia sẻ: “Đơn vị bảo đảm 70% quân số thường xuyên túc trực, sẵn sàng tham gia chiến đấu, chi viện cho các địa bàn, trạm kiểm soát để thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh xã hội trên khu vực biên giới”. Trước đó, lúc 20 giờ 30 phút, một người dân xã Đông Minh đã tự nguyện nộp 15 quả pháo trứng cho các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân, nâng tổng số pháo đơn vị thu được trong dịp này là 20kg các loại, 1 súng kíp và 1 lựu đạn. Để có được kết quả trên, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân luôn làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh 16 và Nghị định 36.
Gần đến thời khắc giao thừa, trên đường trở về, lác đác có những người mang theo cành lộc từ chùa về nhà. Những lời chúc tụng, những tiếng cười vui vẻ. Một mùa xuân an lành đã đến.
* Tại Vũ Thư
Nhằm đáp ứng nhu cầu vui Xuân, đón Tết của nhân dân và kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2014), trong đêm giao thừa các địa phương huyện Vũ Thư tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc với chủ đề “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Ngọ 2014”.
Biểu diễn văn nghệ trong đêm giao thừa tại Khu Lưu niệm Bác Hồ xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư
Chúng tôi có mặt tại xã Tân Hòa, các ngả đường nhộn nhịp đông vui, lưu lượng người và xe dày đặc đổ về Khu Lưu niệm Bác Hồ để cùng chung vui đêm biểu diễn văn nghệ đón chào năm mới. Các tiết mục văn nghệ đã mang đến cho mọi người những ca khúc nhạc xuân ấm áp tình người, ca ngợi quê hương đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân.
Cũng như điểm đón giao thừa tại Khu Lưu niệm Bác Hồ (xã Tân Hòa), ở Thị trấn Vũ Thư, tiết mục múa lân sôi động với màu sắc rực rỡ, nhịp điệu vui nhộn đem tới cho người xem niềm vui tiễn năm cũ, đón chào năm mới thái bình, an lạc. Tiết mục trống hội rộn ràng hướng tới năm mới đầy ắp tình yêu thương, hy vọng, niềm tin vào năm 2014 tốt lành.
Đồng chí Nguyễn Quang Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Đi đôi với triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tổ chức các điểm vui chơi giải trí lành mạnh, huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan tại khu vực công cộng, trung tâm các xã, thị trấn, các trục đường chính như: dựng cổng chào, treo biểu ngữ, dựng panô, áp phích cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014. Tập trung lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, học sinh tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thực hiện nghiêm Pháp lệnh 16, Nghị định 36, Quyết định 95... phấn đấu không để xảy ra cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng trước, trong và sau Tết trên địa bàn huyện.
Màn múa sư tử của nhân dân Tân Hòa (Vũ Thư) chào Xuân Giáp Ngọ 2014
Các lực lượng công an, bảo vệ cơ quan, cán bộ thôn tăng cường kiểm tra, tuần tra canh gác, nhất là vào đêm giao thừa, không để tội phạm lợi dụng hoạt động gây án. Tích cực phòng ngừa không để xảy ra các vụ trọng án, các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn.
* Tại Quỳnh Phụ
Ngày 30 Tết, thời gian trôi chậm, không khí huyền ảo, cơ hồ nghe được tiếng nói của đất trời. Hòa chung không khí Xuân đang tràn ngập muôn nơi, người dân Quỳnh Phụ cũng hân hoan chuẩn bị đón giao thừa.
19 giờ ngày 30 Tết, tại các thôn, làng, khu, tổ dân phố đều trang trí băng rôn, khẩu hiệu, đèn trang trí, điện chiếu sáng khắp những con đường huyện Quỳnh Phụ. Các cửa hàng tạp hóa vẫn mở cửa phục vụ khách hàng. Bóng dáng của những thành viên tổ tự quản xuất hiện khắp làng quê, ngõ xóm góp phần giữ an ninh trật tự địa phương. Từng tốp thanh niên dập dìu hẹn nhau tới những điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Mặc dù mới 21 giờ, còn cách thời khắc giao thừa khá xa, nhưng nhà thờ Phục Lễ (xã Quỳnh Châu) đã chật cứng người mà đa phần là các bạn trẻ. Theo lời của ông Bùi Đình Khoa, Trưởng thôn Phục Lễ, với 100% dân số là người Công giáo, góp phần thực hiện nghiêm Pháp lệnh 16, Nghị định 36 cấp ủy, chính quyền địa phương đã kết hợp cùng nhà thờ Phục Lễ tổ chức cho giới trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng, vừa thiết thực, vừa vui tươi, lành mạnh.
Tổ chức Lễ tổng kết năm ở nhà thờ Phục Lễ ( xã Quỳnh Châu)
Về Quỳnh Hồng khi thời khắc giao thừa đang tới gần, gặp ông Phạm Ngọc Tín, chủ của hàng tạp hóa, ông hồ hởi cho biết: So với năm ngoái, Tết năm nay các tuyến đường được trang hoàng đẹp hơn, mới lạ hơn. Thời điểm giao thừa có rất đông người trong và ngoài xã về đền, chùa La Vân để dâng hương, xin lộc. Hy vọng trong năm mới, nhà nhà đón Xuân an lành, người người được ấm no, hạnh phúc. Ðêm giao thừa, ai cũng háo hức chờ đón, trẻ nhỏ dù buồn ngủ vẫn cố gắng thức cùng cha mẹ; lỡ ngủ thì sát tới thời điểm giao thừa người lớn cũng đánh thức dậy để cả nhà cùng được chứng kiến thời khắc thiêng liêng. Em Nguyễn Đức Cường, học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Hội, háo hức: "Năm nào cháu cũng thức đón giao thừa cùng bố mẹ, năm nay chắc sẽ vui hơn năm ngoái".
Tổ dân phố số 1, Khu 1B, Thị trấn Quỳnh Côi trang trí đèn hoa đón Tết
22 giờ 30 phút, sương xuống dày hơn nhưng đường vào đền A Sào (An Thái) vẫn nhộn nhịp. Người dân thành kính dâng hương Hưng Đạo Đại Vương với tâm niệm cầu mong một năm mới yên bình, thịnh vượng.
Thời khắc giao thừa đã điểm, những gương mặt hân hoan đón chào năm mới với sức sống mới, thắng lợi mới.
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” 03.08.2024 | 20:28 PM
- LỜI CẢM TẠ 05.06.2024 | 12:40 PM
- Lấy ý kiến nhân dân đối với các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Huân chương các loại, các hạng 06.03.2024 | 11:06 AM
- Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết một số địa phương, đơn vị 06.02.2024 | 18:43 PM
- Thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ 23.09.2023 | 15:05 PM
- Hướng dẫn cách thay ảnh đại diện có kèm avatar frame ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 21.09.2023 | 16:00 PM
- Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra 09.08.2023 | 22:20 PM
- Ngày đón anh trở về 26.07.2023 | 16:31 PM
- Hội LHPN huyện Vũ Thư: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ 23.07.2023 | 09:50 AM
Xem tin theo ngày
- Trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ IX - năm 2024
- Gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã Hồng Minh
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình
- Trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của xã Tây Sơn
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số và hoàn thành ở mức tốt nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX
- Cần nâng cao “sức đề kháng” trước các thông tin xấu độc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân
- Khẩn trương hoàn thành dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy