Chủ nhật, 06/07/2025, 12:10[GMT+7]

Tết của những công nhân nghèo

Thứ 7, 01/02/2014 | 08:41:27
2,731 lượt xem
Tết đã về, người giàu sang, khá giả thì vào siêu thị hay cửa hàng sang trọng mua sắm, còn điểm đến của người lao động thu nhập thấp là những nơi bình dân và có hàng khuyến mại. Mua được một món đồ vừa ý mà giá lại rẻ là niềm vui của nhiều công nhân có túi tiền eo hẹp. Câu chuyện mua sắm ngày tết của nhiều người công nhân vẫn không thoát khỏi nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”.

Ảnh minh họa. Nguồn Báo An ninh Thủ đô

Giá cả tăng, thưởng tết không nhiều nên việc sắm tết khiến không ít công nhân phải “đau đầu” đắn đo, dè xẻn. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu mua sắm của công nhân trong dịp giáp tết nên các loại hàng hóa có giá “mềm” được các chủ hàng tập trung nhập về với các mặt hàng như quần áo, giày dép, bánh kẹo… Ngoài các gian hàng trong chợ, ở các tuyến đường trên địa bàn Thành phố Thái Bình còn xuất hiện rất nhiều các điểm bán hàng “siêu rẻ” trên vỉa hè. Cứ đến tầm 16 giờ trở đi, các điểm bán hàng giảm giá, hàng thanh lý lại tấp nập người mua, kẻ bán. Chỉ một mảnh bạt và một đống quần áo lẫn lộn nhưng lại có sức hút với người mua bởi với khoảng 200.000 đồng là những công nhân thu nhập thấp đã có thể tìm mua được cho mình và người thân một chiếc áo khoác.

Dừng chân tại một hàng bán quần áo trẻ em ở chợ Cống Trắng, chị Hòa, công nhân Công ty May Ðức Giang ngập ngừng nâng lên hạ xuống, dù giá đã khá rẻ song chị vẫn cố trả giá thêm. Chị bảo: “Công nhân làm gì có tiền. Công ty mình chưa công bố thưởng tết nhưng chắc là một tháng lương, mấy năm nay năm nào cũng thế. Vì vậy, biết là “cò kè bớt một thêm hai” thì chủ quán khó chịu nhưng không thế làm sao mua được cho con bộ quần áo mới”. Ở hàng bên cạnh, sau khi đã mua được cho cậu con trai bộ quần áo và đôi giày, một công nhân tên Quý góp chuyện: “Tôi làm công nhân gần chục năm rồi, năm nào dịp giáp tết cũng phải nai lưng “kéo cày” để lo tết cho vợ, cho con đỡ tủi. Với mức lương bình quân của chúng tôi hiện nay dao động từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, lo cho sinh hoạt hàng ngày đã chật vật, nói gì đến sắm tết. Năm nay chẳng biết công ty tôi có thưởng tết hay không, mà nếu có chắc cũng chẳng được là bao, thôi thì mua cho con trẻ bộ quần áo còn người lớn thế nào cũng xong. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” vậy”.   

Sau một năm làm việc cật lực, công nhân mong tết để có thêm ít tiền thưởng. Có thể thấy, đa số các công ty đều đưa ra mức thưởng tết là một tháng lương. Ngoài ra, tùy từng doanh nghiệp mà người lao động có thể có thêm một phần quà trị giá từ 100.000 - 300.000 đồng. Thu nhập đã không cao, thưởng tết lại ít nên nhiều công nhân phải cố gắng tăng ca để có thêm thu nhập. Hỏi chuyện một công nhân tên Nhàn làm việc ở Công ty TNHH Quốc tế Molatec được biết chị đang mang bầu tháng thứ 7 nhưng vẫn xin đi làm tăng ca. Chồng chị là lao động tự do, công việc thất thường nên cả nhà bốn miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương của chị. Lương ăn theo sản phẩm, nên đòi hỏi công nhân phải bỏ sức gấp đôi. “Ðể có mức lương 3 - 4 triệu/tháng, công nhân chúng tôi  phải gồng mình tranh thủ từng phút để làm việc, đến cả đi vệ sinh cũng cố gắng “nhịn” đến giờ ăn trưa.  Ấy thế mà vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ chi các khoản thiết yếu cho gia đình như tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền lương thực, thực phẩm, tiền học cho con. Tết năm nay chúng tôi được thông báo nghỉ từ 26 tháng Chạp nên tôi sẽ tìm việc làm thêm để có thêm chút tiền” - Chị Nhàn nói, mặt buồn bã.

Những năm trước, công nhân không mấy “mặn mà” với việc tăng ca nhưng năm nay với mức thưởng tết không tăng trong khi giá cả thị trường biến động theo chiều hướng tăng nên công nhân cũng cố gắng làm thêm giờ. Nói chuyện với chúng tôi trên đường về nhà trọ sau giờ tăng ca, một công nhân cho biết, vào thời điểm cận tết, nhiều công ty phải tăng ca để kịp tiến độ. Vì muốn gia đình không phải thiếu thốn trong dịp tết nên anh dồn sức tăng ca. Hôm nào không làm tăng ca, anh lại đi làm thêm. Anh cho rằng, được tăng ca là may bởi nhiều công ty thiếu việc làm nên giáp tết mà công nhân phải nghỉ tạm thời. Quãng thời gian ấy là cả một vấn đề đáng lo ngại của người lao động.

Một cái tết nghèo hiện trên gương mặt của người lao động thu nhập thấp. Ðể lo tết, không ít người công nhân phải gồng mình tăng ca, làm thêm với mong muốn có thêm chút thu nhập. Ngậm ngùi khi thấy việc sắm tết là “nỗi lòng không của riêng ai” của nhiều công nhân. Ở họ, niềm mong chờ cháy bỏng là một mùa xuân mới với kinh tế khởi sắc để họ có thu nhập cao hơn, những tết sau vui hơn, đầy đủ hơn.

Ngọc Hân

  • Từ khóa