Thứ 6, 02/08/2024, 03:29[GMT+7]

Thoát nghèo nhờ Dự án Heifer

Thứ 6, 07/02/2014 | 10:37:40
1,269 lượt xem
Cuộc sống của những người dân nghèo và nạn nhân chất độc da cam xã Bình Ðịnh (Kiến Xương) đang đổi thay từng ngày, diện mạo nông thôn cũng thêm phần khởi sắc khi Dự án phát triển chăn nuôi và nâng cao mức sống cho nông hộ được triển khai tại địa phương từ tháng 9/2008.

Niềm vui của người dân nghèo xã Bình Ðịnh (Kiến Xương) khi nhận được bò giống từ Dự án Heifer.

Với 3 giai đoạn và 5 nhóm tham gia, đến nay, Dự án đã góp phần tích cực vào quá trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của những người dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất. 95/100 hộ nghèo được Dự án hỗ trợ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Ông Trần Công Huấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Ðịnh cho biết: “Qua 5 năm triển khai, từ 100 con bò giống được Dự án hỗ trợ, đến ngày 10/12/2013 tổng số bò đã lên tới 141 con (chưa tính số bò mẹ và bê đã bán). Kết quả đáng khích lệ này là thành quả lao động đáng trân trọng của những người dân nghèo chỉ vì thiếu vốn sản xuất. Có thể nói, Dự án đã giúp họ đổi thay cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương mình.

Từ nguồn vốn là con bò giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay gia đình nạn nhân chất độc da cam Phạm Văn Liễn (thôn Ái Quốc) đã sở hữu đàn bê 6 con khỏe mạnh trị giá hàng chục triệu đồng, đồng thời còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Ðối với ông, kết quả này như một giấc mơ.

Ông Liễn tâm sự: “Gia cảnh nhà tôi trước kia khó khăn, 2 vợ chồng già chỉ biết trông vào vài sào ruộng. Dự án không chỉ cấp bò mà còn quan tâm cử bác sĩ thú y hỗ trợ, nhờ đó bò phát triển khỏe mạnh, sau 1 năm gia đình đã chuyển giao để có thể tiếp tục giúp đỡ người khác. Có vốn cùng với số tiền vay mượn từ người thân, gia đình tôi chuyển sang nuôi trâu. Ðến nay cuộc sống đã khấm khá hơn”.

Cuộc sống của gia đình ông Dương Văn Tuần (thôn Hòa Bình) tưởng chừng sẽ mãi khó khăn, bởi 2 vợ chồng ông đã già, sức khỏe yếu, đứa con trai duy nhất, niềm trông cậy của ông bà lúc tuổi già lại bị khuyết tật câm điếc và không có việc làm. Nghề phụ không có nên nguồn thu của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Ðược Dự án cấp bò, người con trai trở thành lao động chính, chuyên tâm chăm sóc bò hàng ngày. Nhờ cần mẫn, chăm chỉ, đến nay gia đình ông đã phát triển thành đàn bò 5 con khỏe mạnh trị giá hơn 110 triệu đồng.

Ông Bùi Ngọc Trìu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Ðịnh cho biết: Sau 2 giai đoạn hỗ trợ bò sinh sản, đến giai đoạn 3 bên cạnh việc cung cấp bò giống cho dân nghèo, Dự án còn giúp người dân “thử sức” với các loại gia súc, gia cầm khác. Dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, tận dụng được nguồn lao động tại địa phương. Khi kết thúc giai đoạn 3 vào tháng 12/2013, địa phương mong muốn được tiếp tục phối hợp để một số hộ nghèo khác được tiếp cận với Dự án giúp họ vươn lên thoát nghèo”.

Với những người dân nghèo xã Bình Ðịnh, Dự án còn giúp họ gắn kết cộng đồng, tương trợ cùng phát triển. Với sự gây dựng cho những hộ khó khăn vay không tính lãi để tăng gia sản xuất, các thành viên trong nhóm đã tổ chức được nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên nhau lúc đau ốm, hoạn nạn.

Trong quá trình tham gia Dự án, các gia đình còn được hỗ trợ cho vay vốn để sản xuất kinh doanh nhỏ và làm chuồng trại, tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình thực tế tại một số địa phương nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi, bảo vệ môi trường. Cùng với Bình Ðịnh, xã Lê Lợi (Kiến Xương) cũng được Dự án hỗ trợ 80 con bò sinh sản và 1 con bò đực lai sind. Qua 2 giai đoạn triển khai, Dự án đã phát huy hiệu quả, cuộc sống của người dân nghèo được nâng lên đáng kể.

Việc thực hiện hiệu quả Dự án không chỉ góp phần nâng cao mức sống cho các hộ dân nghèo, bảo đảm không nợ đọng nguồn vốn, qua 2 đợt, Ban quản lý Dự án xã hoàn trả 406 triệu đồng vốn gia súc và vốn hỗ trợ sản xuất cho Dự án. Thành công của Dự án Heifer đã mở ra cánh cửa mới với một bức tranh tươi sáng về cuộc sống của những hộ dân nghèo, đồng thời khẳng định một điều: người nghèo hoàn toàn có thể vươn lên thoát nghèo nếu có sự định hướng và giúp đỡ về vốn, tư liệu sản xuất từ cộng đồng.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa