Thứ 2, 27/05/2024, 03:02[GMT+7]

Mái ấm thứ 2 của người khuyết tật

Thứ 3, 25/02/2014 | 08:14:43
1,576 lượt xem
“Mái ấm Don bosco” (xóm 8, phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình) từ lâu đã trở thành ngôi nhà thân thuộc của 25 người khuyết tật, kém may mắn khắp mọi miền đất nước với độ tuổi từ 17 đến 30. Khi đến đây, họ đều cảm nhận được tình yêu thương, bao bọc và sự nhiệt huyết của thầy, cô khi dạy nghề; sự quan tâm, chăm sóc của các sơ trong mỗi bữa cơm đầm ấm và sự đồng cảm, chia sẻ từ những người đồng cảnh ngộ. Những con người kém may mắn ấy coi “Mái ấm Don bosco” là ngôi nhà thứ 2

Các thành viên của “Mái ấm Don bosco” cần mẫn làm sản phẩm lông mi giả.

“Mái ấm Don bosco” ra đời và đi vào hoạt động từ tháng 5/2012 do Giám mục Nguyễn Văn Đệ kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước xây dựng. Với kiến trúc 4 tầng, 18 phòng rộng rãi, thoáng đãng, “Mái ấm Don bosco” sở hữu một cơ sở vật chất khá đầy đủ và hiện đại từ phòng ăn, phòng ngủ đến phòng học nghề, cách bài trí không gian tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt của người khuyết tật. Chỉ với 3 cán bộ quản lý nhưng nơi đây không chỉ giúp các em có một môi trường sống tốt mà còn có thể theo học những nghề phù hợp với sức khỏe của mình như: mây tre đan, may mặc, tin học văn phòng, phần mềm photoshop, làm lông mi giả và túi xách từ hạt cườm. Mỗi tháng tùy theo lượng sản phẩm mình làm ra các em đều nhận được tiền lương. Mặc dù không nhiều, song ai cũng hạnh phúc bởi đã tự kiếm được đồng tiền bằng sức lao động của chính mình. Đó là món quà tinh thần mà “Mái ấm Don bosco” mang lại, xóa tan căn bệnh tự ti trong mỗi mảnh đời khuyết tật khi được nuôi dưỡng, học nghề và làm việc tại đây.

Linh mục Trần Văn Cương, người quản lý “Mái ấm Don bosco” cho biết: “Những đứa trẻ khuyết tật khi đến đây đều là những mảnh đời bất hạnh, thiếu vắng tình thương từ cha mẹ, mặc cảm, tự ti về hình hài. Vì thế Mái ấm xác định cần quan tâm, giúp đỡ các em cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm phần nào bù đắp lại những thiếu thốn trong cuộc sống của các em. Làm sao để các em coi các thầy, các sơ như cha mẹ của mình”.

Đến “Mái ấm Don bosco”, chúng tôi bắt gặp những bàn tay nhỏ đang chăm chỉ sâu những chuỗi hạt cườm thành những chiếc túi xinh xắn. Trong căn phòng rộng rãi từng tốp đang tỉ mỉ làm những bộ lông mi giả. Mỗi người một việc nhưng không vì thế mà không khí trầm lắng, những tiếng cười, tiếng trò chuyện như xua đi cái giá lạnh của thời tiết ngoài trời. Vừa nói chuyện với chúng tôi, đôi bàn tay khéo léo treo những bộ lông mi giả lên sợi dây phía trên, Nguyễn Hồng Đông (27 tuổi) chia sẻ: “Quê tôi ở xã Yên Bình (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Bố mẹ làm nghề nông, hoàn cảnh khó khăn, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình tôi đã lên Hà Nội và theo học lớp tin học của Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Sau đó, tôi được một người bạn trong Trung tâm Nghị lực sống giới thiệu về đây. Sống, học nghề và làm việc tại Mái ấm tôi được là chính mình không còn tự ti về bản thân. Đây thực sự là mái ấm thứ 2 mà tôi muốn gắn bó lâu dài”.

Đến sống và học nghề tại “Mái ấm Don bosco” Phạm Đức Rạng (28 tuổi), huyện Thái Thụy đã bạo dạn hơn so với thời điểm ban đầu theo như lời nhận xét của các bạn. Rạng cười và chia sẻ: Học vi tính văn phòng 6 tháng ở Sài Gòn, trở về quê hương tôi không biết làm gì bởi công nghệ thông tin không mấy phổ biến ở quê, xin việc tại các công ty trên thành phố lại rất khó đối với một người khuyết tật. Tới “Mái ấm Don bosco” được gặp các bạn đồng cảnh ngộ tôi thấy mình tự tin hơn không còn mặc cảm về bản thân nữa, những nỗi buồn dường như được “trút” bỏ sau khi tâm sự với bạn bè. Tại Mái ấm, Rạng được học thêm kỹ năng chỉnh sửa ảnh trên phần mềm photoshop từ bạn bè và tham gia sản xuất các mặt hàng thủ công theo đơn đặt hàng của khách”.

Trong thời gian tới, “Mái ấm Don bosco” sẽ tiếp tục kiện toàn đội ngũ nhân lực, mở rộng thêm nghề may, tin học văn phòng và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm được sản xuất tại đây đồng thời tiếp tục tìm những mảnh đời khuyết tật kém may mắn để hỗ trợ, giúp đỡ. Vì vậy, “Mái ấm Don bosco” cần sự chung tay, góp sức từ cộng đồng để trở thành mái ấm của những mảnh đời không may mắn.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày