Chủ nhật, 19/05/2024, 08:43[GMT+7]

An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ Cần sự tích cực và đồng bộ

Thứ 2, 03/03/2014 | 15:06:55
838 lượt xem
Năm 2013, hầu hết doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh đều thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, đổi mới thiết bị kỹ thuật, công nghệ, cải thiện môi trường lao động và điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp thiếu ý thức trong công tác này.

Công nhân Công ty Ðức Vượng (Khu công nghiệp Nguyễn Ðức Cảnh, Thành phố Thái Bình) vận hành dây chuyền sản xuất sợi. Ảnh: Thành Tâm

Những tai nạn thương tâm

Ngày 2/7/2013, tại đường nội bộ của Nhà máy Gạch men Mikado (Tiền Hải), bà Ðỗ Thị Hoa là nhân viên phòng kỹ thuật KCS trong khi đi lấy mẫu thử nghiệm đã va chạm vào xe xúc lật do ông Trần Văn Hưng điều khiển gây thương tích nặng. Mặc dù được đưa ngay đi cấp cứu song do vết thương quá nặng, bà Hoa đã chết tại bệnh viện. Ngày 12/11/2013, tại Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Tiền Phong (Thành phố Thái Bình), trong khi đang cùng một số công nhân sửa chữa mái nhà xưởng, do thiếu biện pháp an toàn lao động, ông Lại Ðức Thuần, làm việc tại tổ cơ khí Nhà máy cột điện li tâm thuộc Công ty đã bị rơi từ mái nhà xuống ở độ cao 7,4m gây tử vong do chấn thương sọ não.

Ngày 26/2/2013 đã xảy ra đám cháy tại xưởng kho thuộc Nhà máy Gỗ Công ty cổ phần Bitexco Nam Long (Thành phố Thái Bình) do bị chập điện. Dù không thiệt hại về người nhưng đám cháy đã làm thiệt hại về tài sản ước tính khoảng gần 12 tỷ đồng. Cũng thiệt hại do cháy, vụ cháy nổ kho chứa bật lửa gas ngày 7/5/2013, Công ty TNHH Hoa Việt (Cụm công nghiệp Nguyên Xá, Ðông Hưng) bị thiệt hại khoảng 652 triệu đồng…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLÐ - PCCN) tỉnh, năm 2013, hầu hết doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh đều thực hiện tốt công tác ATVSLÐ - PCCN. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, đổi mới thiết bị kỹ thuật, công nghệ, cải thiện môi trường lao động và điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị, doanh nghiệp có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm an toàn lao động vẫn còn một số doanh nghiệp thiếu ý thức trong công tác này.

Do vậy, việc giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố về môi trường lao động và cháy nổ vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Số vụ tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp và các yếu tố về môi trường lao động vẫn ở mức cao, gây mất mát, đau thương cho nhiều gia đình và trở thành nỗi lo chung của toàn xã hội. Năm 2013 toàn tỉnh xảy ra hơn 100 vụ tai nạn lao động và 21 vụ cháy làm hơn 120 người bị chết và bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 19 tỷ đồng. 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn lao động, cháy nổ, song, nguyên nhân chủ yếu có thể thấy là do người lao động và người sử dụng lao động chủ quan, chưa nghiêm túc thực hiện tốt các quy định về ATVSLÐ - PCCN. Ðiều đáng lo ngại là điều kiện ATVSLÐ - PCCN ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa được chú trọng quan tâm. Nhiều nhà xưởng, nhiều máy móc thiết bị đang sử dụng chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Do vậy, nguy cơ tai nạn lao động, cháy nổ và những hậu quả nghiêm trọng khác là khó có thể tránh khỏi.

Một nguyên nhân nữa là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ an toàn, bảo hộ lao động còn hạn chế. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa thường xuyên kiểm tra và tự kiểm tra công tác ATVSLÐ - PCCN, trong khi đó người lao động thì chủ quan, chưa thấy hết các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động nên ý thức phòng ngừa tai nạn thấp.

Cần vào cuộc đồng bộ

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLÐ - PCCN năm nay, Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLÐ - PCCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng với chủ đề chính là: “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Mục tiêu của Tuần lễ Quốc gia ATVSLÐ - PCCN nhằm thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người lao động.

Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của người sử dụng lao động và người lao động trong bảo đảm ATVSLÐ - PCCN. Ý thức đó không chỉ nêu cao trong thời điểm diễn ra Tuần lễ Quốc gia ATVSLÐ - PCCN mà phải trở thành một thói quen trong hoạt động lao động hàng ngày. Ðể thực hiện tốt công tác ATVSLÐ - PCCN, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao sức khỏe cho người lao động, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp, các cấp, các ngành cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp và hữu hiệu. Phải nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về công tác ATVSLÐ - PCCN đối với người sử dụng lao động và người lao động nhằm bảo đảm an toàn lao động trong quá trình làm việc, hạn chế tối đa các nguy cơ gây tai nạn lao động. Tăng cường năng lực thông tin tuyên truyền, tập huấn về ATVSLÐ - PCCN và đẩy mạnh xã hội hóa công tác ATVSLÐ - PCCN. Ðổi mới công tác thanh tra lao động đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Ðẩy mạnh công tác tự kiểm tra giám sát ATVSLÐ - PCCN ở cơ sở và tăng cường công tác giám sát của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện pháp luật, chính sách bảo hộ lao động. Người sử dụng lao động và bản thân người lao động cần quan tâm, xem trọng hơn nữa công tác ATVSLÐ -  PCCN, phải coi đây là công tác trọng tâm trong sản xuất. Có như vậy mới góp phần ngăn chặn, hạn chế xảy ra những tai nạn thương tâm trong lao động và sự cố cháy nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh. 

Ngọc Hân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày