Thứ 2, 29/07/2024, 11:24[GMT+7]

Thực hiện chế độ đối với Thanh niên xung phong Ðợi đến bao giờ?

Thứ 2, 17/03/2014 | 08:37:26
969 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc không thể không kể đến những đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trên mỗi nẻo đường đất nước đầy đạn bom, thử thách và hy sinh. Lịch sử còn ghi mãi chiến công và sự hy sinh anh dũng của họ trên những tuyến đường đã đi vào huyền thoại. Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách tri ân sự đóng góp của lực lượng TNXP. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến nay nhiều cựu TNXP vẫn chưa

Bà Phạm Ðức Lanh (bên phải) sống cùng người chị gái Phạm Thị Tuất.

Chuyện xưa

18 tuổi - cô gái Phạm Ðức Lanh ở xã Vũ Lập (nay là xã Duy Nhất), huyện Vũ Thư đi TNXP biên chế ở Ðại đội 816, Ðội 81, Ðoàn 559 tham gia chiến đấu ở Ninh Bình đến Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh rồi vào chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị. Gặp lại người nữ TNXP giờ đã ở cái tuổi ngoài lục tuần, bà bồi hồi nhớ lại những ngày chiến tranh ác liệt mà bà cùng đồng đội đã tham gia chiến đấu tại cua chữ A trên đường 20 Quyết thắng: “Trên tuyến đường này các chiến sĩ đã truyền tai nhau một câu truyền miệng “ngầm Ta lê - cua chữ A - K12”, đó là những trọng điểm ác liệt trên đường 20.

Tại đây có ngày máy bay Mỹ đánh phá 20 - 30 trận, ném bom theo tọa độ hòng chặn đứng những đoàn xe của ta chạy qua. Nhiều lần các chiến sĩ TNXP vừa lấp xong hố bom, xe chưa kịp vượt qua đường lại bị bắn phá. Buổi sáng, những chiếc cọc gỗ mới cắm làm tiêu an toàn hai bên vệ đường, buổi trưa đạn đã “thổi” mất. Có giai đoạn, TNXP phải đứng dàn thành hàng làm “cọc tiêu sống” cho xe qua”.

Bà Nguyễn Thị Quỳ, nguyên là Trung đội trưởng Trung đội 3, C953 nhớ lại: Năm 1968, Ðội TNXP 89 được lệnh điều vào nhận nhiệm vụ tại Binh trạm 12 thuộc tuyến đường 12 thay thế Ðội 75. Chiến đấu trên tuyến đường này phải kể đến “cuống họng” cua chữ A trên đường 12 + 15. Nơi đây khi ấy là cả một vùng không bóng cây, ngọn cỏ. Ngày nào địch bắn phá ít nhất cũng gần 50 trận. Bốc một nắm đá vụn là có trong tay vài ba viên bi. Theo số liệu thống kê chỉ từ ngày 1/1/1968 đến 31/10/1968, bình quân mỗi km đường nơi đây phải hứng chịu hơn 300 quả bom. Gần 10 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Ðội TNXP 89 đã hoạt động trên tuyến đường dài 600 cây số, đã có trên 1.000 người trở thành thương binh, bệnh binh, phơi nhiễm chất độc hóa học.

Hồi ức một thời hoa và máu, những cựu TNXP không thể không nhớ đến trận đánh cứu tàu, cứu người ở Ga Núi Gôi chiều ngày 20/8/1966. Trong khói lửa ngút trời, toàn bộ lực lượng TNXP C895 cùng công nhân khu vực ga Trình Xuyên, dân quân địa phương nhanh chóng dập lửa đoàn tàu bị địch bắn cháy để cứu hàng. Khi đó, một thùng hàng đựng hóa chất bị vỡ khiến không gian bị ô nhiễm đã “cướp” đi 12 TNXP của C895 và hàng trăm người tham gia chiến đấu hôm đó bị nhiễm độc hóa học.

Dù đã nghe kể, đã đọc nhiều về trận chiến bi hùng ấy, nhưng khi nghe chính người trong cuộc - cựu TNXP Nguyễn Thị Kiều kể lại làm người nghe vẫn vẹn nguyên cảm xúc vừa đau thương, vừa cảm phục. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thái Bình đã có hơn 3 vạn thanh niên đi TNXP. Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, lực lượng TNXP đã đóng góp công lao to lớn vào sự nghiệp thiêng liêng của Tổ quốc. Lịch sử mãi ghi những chiến công và sự hy sinh anh dũng của họ trên những tuyến đường đã đi vào huyền thoại.

Chuyện nay

Sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ (1965 - 1970) TNXP, bà Phạm Ðức Lanh chuyển ngành về làm giáo viên tại Quảng Ninh. Hạnh phúc đến với bà khi bà yêu và xây dựng gia đình với một chàng trai đất mỏ, nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu. Ði kiểm tra, bác sĩ kết luận bà không thể sinh con vì cơ thể đã nhiễm chất độc hóa học. Có đau đớn nào hơn khi người phụ nữ bị “cướp” đi quyền làm mẹ thiêng liêng.

Thời gian tiếp theo, bà gắng gượng để sống và làm một điều ít giống ai là đi hỏi vợ cho chồng rồi âm thầm đi học sư phạm trên Tây Bắc. Học xong, bà quay về công tác tại Trường THCS Vũ Tiến, huyện Vũ Thư (cách nhà hơn chục cây số) đến năm 1993 nghỉ hưu. Thương bà lủi thủi một mình, mấy năm gần đây ốm đau liên miên với đủ thứ bệnh tiểu đường, tim, sỏi thận..., người chị gái của bà là Phạm Thị Tuất (vợ của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phước hy sinh năm 1970 tại Lào) đã về ở cùng cho cửa nhà sớm hôm đỡ hiu quạnh.

Cũng do ảnh hưởng của chất độc hóa học từ vụ cứu tàu, cứu hàng ở Ga Núi Gôi, bà Nguyễn Thị Kiều không thể sinh con và nhận lời “làm lẽ” với người đàn ông đã có ba con. Có lẽ vì thế mà trong khi miệng cười nói với khách nhưng đôi mắt bà vẫn ngấn nước. Bà thường tự an ủi mình rằng: “Trời còn thương tôi, cho tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khác là được chồng thương yêu, các con không phân biệt, luôn quan tâm, chăm sóc khi tôi đau ốm. Nhiều đồng đội của tôi, người đã mất chẳng nói làm gì, người còn sống mà cuộc sống cũng cực khổ hơn cả trong chiến tranh”.

Bà giới thiệu tôi đến gia đình đồng đội bà là cựu TNXP Hà Ðức Lan ở thôn Nghĩa Thôn, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà. Khuôn mặt già nua khắc khổ, vóc người bé nhỏ của ông khiến người gặp cảm thấy thật ái ngại, xót xa. Năm 1965, ông đi TNXP đến năm 1975 chuyển ngành sang làm cầu đường. Sau khi xây dựng gia đình với bà Ðào Thị Nga, đồng đội cùng chiến đấu trong trận Ga Gôi năm xưa, ông bà sinh đứa con trai đầu lòng, rồi đứa thứ hai nhưng cả hai đều bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Thương con, ông bà chỉ biết ôm con nuốt nước mắt.

Ðược một thời gian, người con lớn xa ông bà mãi mãi. 35 năm nay ông bà vất vả nuôi người con thứ hai bị thần kinh không tự chăm sóc được bản thân. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng gia đình ông chưa được hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học. Cuộc sống ở các vùng quê đang ngày một phát triển, thế nhưng đằng sau “lớp áo mới” ấy, vẫn còn bao giọt nước mắt, bao con người đang quằn quại với cuộc sống. 

(Còn nữa)

Mai Thư

  • Từ khóa