Chủ nhật, 28/07/2024, 17:10[GMT+7]

Cần thực hiện nghiêm chính sách đối với người lao động

Thứ 2, 17/03/2014 | 08:57:38
969 lượt xem
Hiện nay, nhìn chung thu nhập bình quân của công nhân lao động (CNLÐ) trên địa bàn tỉnh đạt thấp, chỉ khoảng 2.800.000 đồng/người/tháng nên đời sống của người lao động, nhất là lao động tại các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, họ còn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong việc thực hiện các chế độ, chính sách lao động của doanh nghiệp.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Neo-Neon tại Khu công nghiệp Gia Lễ. Ảnh: Thành Tâm

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh cho biết, tình trạng doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chế độ, chính sách đối với người lao động dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm vẫn diễn biến khá phức tạp và khó giải quyết triệt để. Ðể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thời gian qua, LÐLÐ tỉnh luôn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho CNVCLÐ nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý những doanh nghiệp vi phạm.

Trong năm 2013, LÐLÐ tỉnh và các công đoàn cơ sở bên cạnh việc nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống, điều kiện sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp còn thường xuyên nắm bắt việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động. LÐLÐ tỉnh đã tổ chức gặp mặt đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành với trên 500 CNLÐ ở các doanh nghiệp nhằm giải đáp những vấn đề bức xúc, kiến nghị của công nhân lao động; phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra 20 doanh nghiệp, giám sát 30 doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động và pháp luật lao động.

Qua kiểm tra cho thấy, đến nay, tỷ lệ lao động được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động đạt 98,5%; số đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm  thất nghiệp, BHYT đạt 85%. Nhiều doanh nghiệp đã có cố gắng trong tạo việc làm, bảo đảm thu nhập, ý thức trong công tác bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động.

Ðặc biệt, một số doanh nghiệp còn có chế độ phụ cấp phù hợp cho công nhân làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại, thực hiện tốt chế độ đối với lao động nữ. Chị Vũ Thị Chung, công nhân Công ty TNHH Minh Trí cho biết, công ty chị làm việc thường xuyên quan tâm và thực hiện chế độ ưu đãi cho người lao động như thưởng chuyên cần, hỗ trợ tiền xăng, thăm hỏi, tặng quà các dịp lễ tết, hỗ trợ khi công nhân gặp khó khăn, hoạn nạn... Ðiều đó đã thu hút, động viên công nhân để họ yên tâm lao động và hạn chế được tình trạng lao động “nhảy” việc như ở nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ chính sách đối với người lao động thì phần lớn doanh nghiệp còn thờ ơ hoặc cố tình làm sai chế độ để thu lợi. Hơn nửa tháng nay, ngày nào cũng  phải 8 giờ tối chị Lan, công nhân làm tại một công ty may mới về đến nhà. Chị cho biết: “Thời gian này công ty tăng ca liên tục, mệt nhưng muốn có thêm vài trăm nghìn đành cố gắng làm. Mình khỏe còn thấy mệt huống hồ mấy người đang mang thai mà vẫn phải tăng ca”.

Một công nhân khác cho biết, ở công ty chị làm có hôm vì mất điện nên chủ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ nhưng lại không trả lương ngày hôm đó cho người lao động (Theo quy định tại Ðiều 62, Bộ luật Lao động, nếu phải ngừng việc do sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc vì những nguyên nhân bất khả kháng, thì tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu).

Có thể thấy, do hiểu biết pháp luật hạn chế hoặc có biết cũng không dám ý kiến vì “thấp cổ bé họng” nên người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi do doanh nghiệp thực hiện sai quy định của Nhà nước. Ðây cũng là điểm mà doanh nghiệp lợi dụng nhằm “khai thác” công sức và quyền lợi của người lao động để trục lợi.

Một trong những quy định mà các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm là trả lương làm thêm giờ, bố trí ngày nghỉ cho người lao động, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Có thể lấy ví dụ từ một cuộc thanh tra cuối năm 2013 của LÐLÐ tỉnh để chứng minh những vi phạm của doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Sông Hồng, Công ty cổ phần Gồm sứ Thái Bình... nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội của công nhân; Công ty Ắc quy Kornam, Công ty cổ phần và Ðầu tư Xây dựng Tiền Hải nợ bảo hiểm xã hội, chưa xây dựng nội quy thỏa ước lao động tập thể hoặc đã xây dựng nhưng chưa đăng ký tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Ban quản lý các Khu công nghiệp; Chi nhánh Công ty TNHH Ðỉnh vàng - Xưởng may mũ giầy Diêm Ðiền, Công ty May Tường An, Công ty TNHH May xuất khẩu Quang Huy không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, không trang bị  bảo hiểm lao động cho người lao động…

Ðể tiếp tục góp phần thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLÐ, theo bà Nguyễn Thị Mai Anh thì song song với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng các văn bản pháp quy của đơn vị bảo đảm theo các quy định của pháp luật lao động như: nội quy lao động, thang bảng lương, định mức lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng, thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng lao động bảo đảm quyền và nghĩa vụ giữa hai bên.

Tuy nhiên, để việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động đạt hiệu quả thiết thực cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đặc biệt là người sử dụng lao động và người lao động cần nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, kịp thời phát hiện các vi phạm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định của Nhà nước.

 Ngọc Mai

  • Từ khóa