Thứ 5, 10/10/2024, 21:21[GMT+7]

Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình (29/3/1994 - 2014) và Hội thi Tay nghề giỏi người khuyết tật tỉnh lần thứ 3 Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi hòa nhập cộng đồng

Thứ 4, 19/03/2014 | 08:58:30
1,333 lượt xem
Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh (Nay là Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi) được thành lập theo Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 29/3/1994 của UBND tỉnh Thái Bình. Hội là một tổ chức xã hội đặc thù, hoạt động vì người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT và TMC), là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Thái Bình là một trong những tỉnh sớm hình thành tổ chức Hội Bảo trợ NKT và TMC so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Đồng chí Cao Thị Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho đối tượng chính sách. Ảnh: Ngọc Linh

Từ khi được thành lập đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và toàn xã hội, đặc biệt với tinh thần trách nhiệm, say sưa tâm huyết chủ động sáng tạo, Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở ngày càng phát triển với 8/8 huyện, thành phố có tổ chức Hội và 286/286 xã, phường, thị trấn có chi hội hoạt động (đạt 100%). Số lượng ủy viên ban chấp hành Hội các cấp từ tỉnh hội đến các hội cơ sở là trên 3.000 người và 50 cơ quan, đơn vị là hội viên tập thể của Hội. Hoạt động của Hội luôn đi đúng hướng và có hiệu quả mặc dù trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn. Các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện tốt chế độ chính sách đối với NKT và TMC.

Hai mươi năm qua, Hội đã tranh thủ được sự quan tâm của Trung ương Hội, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự bảo trợ của Sở Lao động - TBXH, chú trọng công tác tuyên truyền vận động kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ NKT và TMC kể cả bằng tiền và hiện vật trị giá hàng chục tỷ đồng để thực hiện xây dựng hàng chục ngôi nhà tình thương cho các hộ nghèo có người khuyết tật. Trợ cấp khó khăn và tặng quà cho hàng chục nghìn đối tượng; trao tặng trên 10.000 xe lăn, xe lắc, xe đẩy cùng các phương tiện, trang thiết bị dạy nghề cho NKT như máy tính, máy khâu... Trao tặng hàng trăm xe đạp cho TMC đi học với số tiền hàng tỷ đồng. Đặc biệt Tỉnh hội đã thực hiện các chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT tại một số xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả tốt, với số tiền hàng trăm triệu đồng, góp phần động viên cán bộ, nhân dân phấn đấu sớm thực hiện thành công Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động từ thiện, nhân đạo đã thực sự trở thành phong trào nhằm chăm sóc giúp đỡ NKT và TMC ở tỉnh nhà. Đến nay, toàn tỉnh hiện có gần 10.000 hội viên thường xuyên hoạt động trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cấp hội đã động viên được trên 100 đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước và các cơ sở tư nhân tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. 20 năm qua đã có trên 10.000 lượt người được học nghề: may; thêu ren; mây tre đan; kim hoàn; chạm khắc gỗ, đồng, đá và nhiều nghề thủ công khác.

Thái Bình hiện có khoảng 124.000 người khuyết tật, trong đó có 16.705 thương binh; 19.766 người bị nhiễm chất độc da cam;  35.890 người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Số đối tượng khuyết tật được nuôi dưỡng, chữa trị tại các trung tâm bảo trợ xã hội là: 708 đối tượng (286 nuôi tại 2 trung tâm và 422 chăm sóc tại cộng đồng). Đa số người khuyết tật tỉnh ta không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân. Người khuyết tật nói chung đều có nguyện vọng được đối xử bình đẳng, được hòa nhập thực sự với cộng đồng, được góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng quê hương đất nước.

Phát huy những thành tích đạt được trong 20 năm xây dựng và trưởng thành và để thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn công tác bảo trợ xã hội đối với NKT và TMC, tôi đề nghị Tỉnh hội và các cấp hội trong tỉnh cần tập trung thực hiện  một số  nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Các cấp hội từ tỉnh đến các cơ sở cần tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức - cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác Hội, để đáp ứng yêu cầu công tác.

2. Làm  tốt công tác tuyên truyền để không ngừng nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NKT và TMC, hiểu rõ tính nhân văn của hoạt động xã hội từ thiện, những nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng nhân ái bao dung của cộng đồng xã hội đối với NKT và TMC, để giúp đỡ họ, động viên họ thêm tự tin, xóa đi nỗi mặc cảm, phấn đấu khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

3. Tranh thủ sự quan tâm của Trung ương Hội, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp trên sơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị ở địa phương để chỉ đạo các hoạt động của Hội đúng hướng và hiệu quả.

4. Tích cực đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức hoạt động. Phát huy ưu điểm, khắc phục triệt để những hạn chế để tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động bảo trợ xã hội đối với NKT và TMC trong thời gian tới.

5. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và TMC. Trung tâm dạy nghề thuộc Tỉnh hội cần cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho học viên đã học nghề và phải trở thành nòng cốt trong công tác dạy nghề của toàn Hội.

Cao Thị Hải
(Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)


  • Từ khóa