Thứ 5, 08/08/2024, 02:13[GMT+7]

Chung tay tham gia “cuộc chiến” chống bệnh lao

Thứ 2, 24/03/2014 | 08:44:06
1,162 lượt xem
Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Mỗi năm, cả nước có thêm 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và 18.000 người tử vong do bệnh này. Tại tỉnh ta, năm 2013 đã phát hiện 1.300 người mắc lao mới.

Kỹ thuật viên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi làm tiêu bản xét nghiệm phục vụ cho điều trị bệnh. Ảnh: Minh Đức

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khỏe người mắc bệnh, nguy cơ lây lan ra cộng đồng cao. Lao cũng là nguyên nhân chủ yếu làm đói nghèo và trở ngại về phát triển kinh tế. Những năm qua, Thái Bình đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống lao. Ngành Y tế, các địa phương đã tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe, tư vấn và cung cấp thông tin về mối nguy hiểm, triệu chứng của bệnh lao để người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Ðẩy mạnh hoạt động giám sát tại cơ sở nhằm phát hiện sớm nguồn lây và những trường hợp mắc bệnh lao, tiến hành điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống lao được đẩy mạnh.

Trong năm 2013, toàn tỉnh mở 14 lớp tập huấn các kiến thức về chẩn đoán, điều trị, quản lý lao, lao/HIV cho 660 cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn nên đã giúp họ chủ động hơn trong phát hiện, phân loại, quản lý điều trị bệnh, các phác đồ chữa bệnh lao theo quy định. Ðến nay, mạng lưới chống lao ở tất cả các tuyến của Thái Bình hoạt động hiệu quả, duy trì điều trị lao tấn công ở 105 xã và sẽ tiếp tục mở rộng ở những xã mới. Các hoạt động phát hiện nguồn lây, quản lý giám sát điều trị lao/HIV, quản lý lao ở trẻ em tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; nhiệm vụ tầm soát, gửi đối tượng đi chẩn đoán lao kháng thuốc và quản lý bệnh nhân điều trị lao kháng thuốc bước đầu phát huy hiệu quả.

Bên cạnh việc chủ động phát hiện và hướng dẫn điều trị bệnh nhân lao tại cộng đồng, những người nghi mắc bệnh lao khi đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đều được các bác sĩ thăm khám cẩn thận, tư vấn kỹ càng, những bệnh nhân mắc bệnh được điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Năm 2013 toàn tỉnh có 1.900 bệnh nhân lao được quản lý, điều trị; tỷ lệ quản lý, điều trị khỏi bệnh đạt trên 90% và tỷ lệ hoàn thành điều trị đạt trên 95%.

Mặc dù có nhiều cố gắng nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác phòng, chống lao ở Thái Bình vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, nhân lực cho công tác phòng, chống lao từ tuyến tỉnh đến cơ sở thiếu, nhất là bác sĩ có chuyên môn; làm việc trong môi trường độc hại, dễ lây nhiễm nhưng chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này chưa thỏa đáng. Nhận thức của người dân về bệnh lao còn hạn chế, nhiều người còn có tâm lý chủ quan, ngại đi khám, e dè, dấu diếm và chỉ đến các cơ sở y tế khi bệnh đã nặng.

Do đó, việc phát hiện bệnh nhân mới cũng như phát hiện nguồn lây trong cộng đồng để quản lý và điều trị gặp nhiều trở ngại. Hiện vẫn còn từ 25 - 30% bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện và điều trị, tiềm ẩn những nguy cơ lây lan bệnh lao ra cộng đồng. Một số bệnh nhân không tích cực phối hợp với cán bộ y tế, bỏ thuốc trong quá trình điều trị khi thấy bệnh có dấu hiệu đỡ. Tình hình bệnh lao hiện đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng quay trở lại, nhất là tình trạng lao kháng thuốc, lao/HIV, lao trẻ em.

 

Kỹ thuật viên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi làm xét nghiệm phục vụ điều trị bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Thành Tâm

Thực hiện thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3/2014): “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao”, thời gian tới ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tư vấn, giáo dục để mỗi người dân thay đổi nhận thức, thái độ và tích cực hành động cùng cả cộng đồng chống lại bệnh lao. Tăng cường các hoạt động giám sát để phát hiện nguồn lây, tiếp cận những bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị, quan tâm tới các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, vùng có nguy cơ dịch tễ lao cao, nhóm đối tượng nhiễm HIV, người trong các trại giam, trại giáo dưỡng. Nỗ lực tìm kiếm, điều trị và cứu chữa những bệnh nhân bị bỏ lỡ trong quá trình điều trị trước. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ điều trị lao kháng thuốc, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao/HIV, đặc biệt quản lý lao trẻ em.

Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan trong cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, đủ. Vì vậy, người dân khi thấy mình có triệu chứng, dấu hiệu mắc bệnh lao cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh. Các gia đình có trẻ nhỏ cần cho trẻ đến cơ sở y tế tiêm chủng mũi phòng bệnh lao. Mỗi bệnh nhân lao cần phải phối hợp tích cực với cán bộ y tế, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, phác đồ điều trị để khỏi bệnh và phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

 Nguyễn Hình

  • Từ khóa